Kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, Ukraine đã bị mắc kẹt giữa Moskva và các thể chế phương Tây mà Kiev muốn gia nhập.
Tháng 12/1991, Ukraine bỏ phiếu ủng hộ độc lập khỏi Liên Xô thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó chấp nhận kết quả bỏ phiếu, đồng thời Nga, Ukraine và Belarus thành lập Khối thịnh vượng chung Các quốc gia độc lập (CIS). Nhưng trong 5 năm sau đó, Ukraine tìm mọi cách thoát khỏi sự giám hộ của Nga, vốn đã tồn tại từ ba thế kỷ trước.
Cho rằng CIS là nỗ lực nhằm đưa các nước thuộc Liên Xô nằm dưới sự kiểm soát của Moskva, Kiev đã tìm cách xích lại gần phương Tây. Ukraine tìm kiếm mối quan hệ với liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, điều mà Nga kịch liệt phản đối.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ukraine, Nga, Anh và Mỹ tháng 12/1994 nhất trí tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới của Ukraine. Thỏa thuận này nhằm đổi lại việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này được thừa hưởng từ Liên Xô.
Vào tháng 5/1997, Nga và Ukraine ký hiệp ước hữu nghị, nhưng không đề cập tới nguyên nhân gây căng thẳng chính: mối quan hệ của Kiev và NATO.
Hiệp ước giải quyết bất đồng quan trọng bằng cách cho phép Nga giữ quyền sở hữu phần lớn tàu trong hạm đội Biển Đen đóng tại bán đảo Crimea, trong khi yêu cầu Moskva trả cho Kiev một khoản tiền thuê khiêm tốn để sử dụng cảng Sebastopol.
Moskva vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Kiev, khi Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga.
Vào năm 2003, khi Ukraine ký thỏa thuận với Nga, Belarus và Kazakhstan về Không gian Kinh tế chung, EU đã đưa ra lời cảnh báo cho Kiev, nói rằng điều này có thể cản trở Ukraine hợp tác với khối và tư cách thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 của Ukraine bị cáo buộc có gian lận và chiến thắng của Viktor Yanukovych, người có xu hướng thân Nga, đã kích động các cuộc biểu tình chưa từng có trong cuộc cách mạng Cam.
Tình trạng hỗn loạn ở Ukraine đã khiến kết quả bỏ phiếu bị hủy và vào tháng 12, lãnh đạo phe đối lập có xu hướng thân phương Tây Viktor Yushchenko trở thành tổng thống. Nó đánh dấu khởi đầu kỷ nguyên chính trị mới ở Ukraine sau 10 năm dưới sự điều hành của Leonid Kuchma, người đã bị giằng xé giữa châu Âu và Nga.
Yuschenko nhanh chóng khẳng định lại mong muốn gia nhập EU của Ukraine, bất chấp sự dè dặt của khối 27 quốc gia và NATO.
Trong một hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, lãnh đạo NATO đồng ý rằng Ukraine sẽ có tương lai trong liên minh, làm dấy lên cơn giận dữ của Moskva.
Nga và Ukraine từng vướng vào một số tranh chấp, đặc biệt là về khí đốt năm 2006 và 2009, khiến nguồn cung năng lượng cho châu Âu bị gián đoạn.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2010, Yanukovych đã trở thành tổng thống. Tháng 11/2013, ông đình chỉ tất cả các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại với EU, để ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Điều này đã khiến phe ủng hộ châu Âu biểu tình nhiều tuần, yêu cầu tổng thống từ chức. Cuộc nổi dậy, tập trung ở quảng trường Độc Lập của Kiev, đã bùng nổ vào tháng 2/2014 khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình. Khoảng 100 người biểu tình và 20 cảnh sát thiệt mạng trong suốt 3 tháng hỗn loạn.
Tổng thống Yanukovych bị phế truất và chạy sang Nga.
Nga đã đáp trả cuộc nổi dậy bằng cách điều lực lượng đặc biệt đến kiểm soát các địa điểm chiến lược trên bán đảo Crimea. Tháng 3/2014, Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga.
Quyết định sáp nhập Crimea của Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất giữa phương Tây và Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.
Tới tháng 4, một cuộc nổi dậy của những người ủng hộ Nga đã nổ ra ở các khu công nghiệp phía đông Ukraine. Phe ly khai ở Donetsk và Lugansk sau đó tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.
Kiev và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga xúi giục cuộc nổi dậy, đồng thời cung cấp vũ khí và quân đội để hỗ trợ các khu vực ly khai. Các cuộc đụng độ đã trở thành xung đột toàn diện vào tháng 5 và cho đến nay đã khiến hơn 14.000 thiệt mạng.
Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận chưa từng được triển khai đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp diễn suốt 7 năm qua.
Căng thẳng ở khu vực miền đông Ukraine leo thang khi Putin ngày 21/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Động thái này được đưa ra sau khi ông đã điều động hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine từ cuối năm 2021.
Căng thẳng đang được đẩy lên đỉnh điểm khi Tổng thống Nga sớm 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. Putin cáo buộc Ukraine dàn dựng "cuộc diệt chủng" ở miền đông đất nước, cũng như chính sách hung hăng của NATO đối với Nga.
"Cỗ máy chiến tranh của NATO hỗ trợ 'Đức quốc xã mới' ở Ukraine đang di chuyển và áp sát biên giới Nga", Putin cho hay, thêm rằng các hành động của NATO đi ngược đạo đức và Nga không thể phát triển, cảm thấy an toàn hoặc tồn tại với những mối đe dọa thường xuyên từ Ukraine.
Động thái mới nhất của Putin được đưa ra sau khi phương Tây đồng loạt áp trừng phạt với Moskva vì công nhận hai khu vực ly khai. Nga trước đó nói để ngỏ khả năng đàm phán, nhưng tuyên bố lợi ích của Nga luôn được đặt hàng đầu.
"Lợi ích của nước Nga và an ninh của người dân là những yếu tố không thể thương lượng", Tổng thống Nga nói trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, nhân dịp Ngày Bảo vệ Tổ quốc 23/2.
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Nga sẽ làm gì tiếp theo tại Ukraine?
- Vì sao phương Tây lo Nga tiến quân vào đông Ukraine?
Thanh Tâm (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét