Sau khi được Nga công nhận độc lập, nhiều cư dân Donetsk bày tỏ niềm vui và biết ơn, nhưng phần còn lại lo lắng về tương lai.
"Điều này vô cùng quan trọng với tôi. Vậy là những lần đổ máu của tôi và đồng đội, nỗ lực và công sức của chúng tôi, cũng như những mất mát của dân thường đã không phí hoài suốt thời gian qua", Dmitry, cựu thành viên lực lượng dân quân ly khai ủng hộ Nga tại Donetsk, đề cập đến quyết định công nhận Donetsk và Lugansk độc lập của Moskva.
Sau khi duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai khu vực ly khai thuộc vùng Donbass phía đông Ukraine hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này, đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới đây để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ.
Dmitry bày tỏ mong đợi ngày quân đội Nga tiến vào. "Những người dân Donbass vĩ đại đã phải chịu đựng quá nhiều. Họ cần sự hiện diện của quân đội Nga ngay bây giờ, sau khi trải qua quá đủ đổ máu và thương vong", anh nói.
Một đoàn xe gồm ít nhất hơn 10 chiếc treo quốc kỳ Nga cỡ lớn bấm còi và nối đuôi nhau chạy qua trung tâm Donetsk, thành phố lớn nhất trong khu vực ly khai phía đông Ukraine. "Hoan hô nước Nga!", một tài xế hô lớn.
Trong khi đó, những cư dân khác tại Donetsk đang cố gắng sinh hoạt như bình thường, ra phố cùng con cái hoặc mua sắm ở chợ, một nhân chứng cho hay. Tại một khách sạn, đám cưới vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, 6 vụ nổ sau đó được ghi nhận ở trung tâm thành phố, chưa rõ nguyên nhân. Theo một nguồn tin ngoại giao giấu tên, các cuộc pháo kích giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai lại tiếp diễn.
Khác với Dmitry, Irina, người phụ nữ 40 tuổi sống tại Donetsk, cho biết quyết định của Nga không bất ngờ, nhưng mọi người không dám chắc họ nên đón nhận ra sao. "Tôi không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra. Mọi người đều không chắc chắn", Irina nói, đồng thời bày tỏ hy vọng sự ủng hộ của Nga sẽ giúp chấm dứt xung đột.
"Quân đội Nga xuất hiện có nghĩa là không còn lý do gì để xung đột, bởi Nga là cường quốc hùng mạnh, có vũ khí hạt nhân", Irina nêu quan điểm.
Một người đàn ông khoảng 60 tuổi tên Vyacheslav cũng hy vọng sự hiện diện của quân đội Nga sẽ giúp chấm dứt "những hành vi khiêu khích" của chính phủ Ukraine. "Tôi nghĩ đối phương cũng sẽ suy nghĩ và quyết định tiến tới đàm phán hòa bình", ông cho hay.
Tuy nhiên, một cô gái trẻ tên Karina đã bật khóc khi bày tỏ tâm trạng. "Thật lòng mà nói, tình huống hiện nay gây phiền muộn đến mức tôi không biết quyết định đó thực sự tốt như thế nào và có thể dẫn đến hòa bình ra sao", cô cho hay, đồng thời đề cập đến lệnh sơ tán hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em từ Donetsk và Lugansk sang Nga của phe ly khai vài ngày gần đây.
"Giờ đây, mọi người đều vô cùng lo lắng. Ai cũng bị buộc phải rời xa người cha, người anh, người chồng của họ. Thực tế là ai cũng sợ hãi", Karina nói.
Donetsk và Lugansk trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
Ánh Ngọc (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét