Trong thời gian ngồi tù vì tội cướp có vũ trang, Thomas Silverstein giết 4 người, khiến ông ta bị biệt giam gần 4 thập kỷ.
Thời điểm Thomas Edward Conway được sinh ra vào ngày 4/2/1952, mẹ ông ta, Virginia, đã ly dị chồng cũ và kết hôn với Thomas Conway. Bà đệ đơn ly hôn lần hai vào năm 1952 để tái hôn với Sid Silverstein. Dù cuối cùng mang họ Silverstein, Thomas luôn coi Conway là cha mình.
Thomas Silverstein thời trẻ thường xuyên bị bắt nạt trong khu phố vì bị nhầm là người Do Thái. Virginia quyết định dạy con cách phản kháng. Bà khống chế Gary, người nhiều lần bắt nạt Silverstein, lôi cậu ta ra sân sau và để con trai mình đánh cậu ta.
"Mẹ tôi là võ sĩ đai đen, Gary không thể làm gì bà ấy. Tôi đã đấm vào mặt hắn mạnh hết sức có thể", Silverstein nhớ lại.
Ngày hôm sau, cha của Gary lôi Silverstein về nhà mình để Gary đáp trả y hệt. Quá tức giận, Virginia lái xe đến nhà Gary và ném gạch qua cửa sổ, dạy con trai mình rằng hai sai sẽ thành đúng.
Khi mới 14 tuổi, Thomas Silverstein trộm một chiếc xe hơi và tấn công cả cảnh sát. Bị đưa vào trường giáo dưỡng ở California, Silverstein không học được gì ngoài bạo lực. "Tôi ghét chính quyền, giống như tôi ghét những kẻ bắt nạt", Silverstein nói. Sau khi được thả, Silverstein bắt đầu sử dụng heroin.
Thực hiện các vụ cướp có vũ trang để lấy tiền hút hít, Silverstein bị bắt cùng với anh họ và cha dượng Thomas Conway vào năm 1971. Gã trai 19 tuổi bị đưa đến nhà tù San Quentin, được tạm tha vào năm 1975 nhưng bị bắt lại vì hai vụ cướp có vũ trang khác với số tiền 11.000 USD.
Silverstein bị kết án 15 năm tại nhà tù ở Leavenworth, Kansas, năm 1977. Peter Earley, tác giả một cuốn sách về nhà tù này, cho hay những việc Silverstein làm khi thụ án đã thúc đẩy giới chức thành lập những nhà tù siêu an ninh và áp dụng hình thức biệt giam.
Tại nhà tù Leavenworth, Silverstein gia nhập băng đảng Aryan Brotherhood để được bảo vệ. Hắn được cho là đã giết tù nhân Danny Atwell vì người này từ chối làm kẻ tuồn ma túy cho nhóm. Lĩnh án chung thân sau vụ giết người, Silverstein bị chuyển đến trại giam ở Marion, Illinois.
Bản án của Silverstein được lật lại vào năm 1985 khi có thông tin rằng các nhân chứng đã khai man. Tuy nhiên, thời điểm đó, Silverstein cùng một tù nhân khác, Clayton Fountain, đã sát hại Robert Chappelle của băng đảng nhà tù D.C. Blacks.
Thủ lĩnh của băng này là Raymond "Cadillac" Smith được chuyển đến nhà tù Marion khi phiên tòa xét xử Silverstein diễn ra. Trong lúc Smith lên kế hoạch trả thù cho Chappelle, Silverstein và Fountain đã hành động trước, đâm chết Smith với 67 nhát dao. Với hai bản án chung thân mới, Silverstein lại tiếp tục giết người vào ngày 22/10/1983.
Dùng một chiếc chìa khóa tự chế để mở còng, Silverstein đâm chết quản giáo Merle E. Clutts vì cho rằng anh này bắt nạt và phá hủy tranh của mình. Trước tình trạng bạo lực trong tù, giới chức bắt đầu thiết kế các nhà tù liên bang có cấp độ an ninh nghiêm ngặt.
Silverstein bị biệt giam trong căn phòng với một chiếc đèn không bao giờ tắt trên trần nhà, nhằm cho phép giám sát video không bị gián đoạn. Các bữa ăn của Silverstein được giao qua một khe nhỏ trên cửa. Silverstein chỉ được gọi điện thoại hai lần mỗi tháng. Năm 2005, hắn bị chuyển đến nhà tù siêu an ninh ADX Florence, Colorado.
Do những cảnh báo từ giám đốc Cục Trại giam Norman Carlson, Silverstein tiếp tục bị biệt giam tại ADX Florence và "không được tiếp xúc với con người". Silverstein ở trong căn buồng rộng 7,5 m2 mỗi ngày 23 tiếng và được vận động trong lồng một tiếng.
Trở thành tù nhân bị biệt giam lâu nhất nước Mỹ, Silverstein từng viết trong hồi ký rằng chỉ có cái chết mới là niềm an ủi. "Từng giọt, từng giọt, từng giọt. Từng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm cứ thế nhỏ xuống mà không có hồi kết hay sự giải thoát nào trong tầm mắt".
Năm 2019, Silverstein bị biến chứng sau một cuộc phẫu thuật tim. Thời gian điều trị ngắn ngủi tại bệnh viện St. Anthony ở Denver, Colorado, là lần đầu tiên ông ta thoát khỏi buồng giam kể từ đầu những năm 1980.
Silverstein chết vào ngày 11/5/2019 ở tuổi 67 tại bệnh viện, chấm dứt 36 năm biệt giam của tù nhân nguy hiểm nhất nước Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo ATI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét