Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, sau khi Moskva công nhận hai vùng ly khai Ukraine độc lập.
"Hiện nay, chúng tôi nhận thấy cuộc tấn công đang bắt đầu. Nga đã thể hiện rõ rằng họ hoàn toàn khước từ ngoại giao. Chẳng còn nghĩa lý gì khi tiếp tục tiến hành cuộc gặp vào lúc này", Blinken cho biết trong cuộc họp báo tại Washington hôm 22/2, đề cập đến cuộc hội đàm với Lavrov được lên lịch vào ngày 24/2 tại Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến thảo luận về Ukraine.
Theo Blinken, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện mục tiêu "kiểm soát hoàn toàn Ukraine". Ông tuyên bố Mỹ sẽ "luôn luôn theo đuổi" bất kỳ khả năng nào giúp ngăn chặn một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine.
"Nếu cách tiếp cận của Moskva thay đổi, chúng tôi vẫn vô cùng sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, họ cần chứng minh thái độ nghiêm túc. Những diễn biến trong 24 giờ qua cho thấy điều ngược lại", Blinken đề cập tới quyết định đưa quân đến Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine.
"Nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng, chúng tôi cũng vậy", Blinken cảnh báo. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tinh hoa Nga, đồng thời cam kết sẽ còn nhiều lệnh trừng phạt hơn.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người tham gia họp báo tại Washington cùng Blinken, hoan nghênh các lệnh trừng phạt của Mỹ. "Những bình luận lên án quan trọng, nhưng hành động mới là điều thực sự đáng chú ý trong những ngày này", ông cho hay, nói thêm rằng chiến lược áp đặt trừng phạt theo từng đợt của Mỹ, thay vì cùng lúc, "có thể hiệu quả nếu duy trì bền vững".
Vài giờ sau thông báo hủy họp với Lavrov của Blinken, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho hay Tổng thống Biden không có kế hoạch tham gia hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin
"Ngoại giao không thể thành công trừ khi Nga thay đổi phương hướng", Psaki phát biểu. "Như Blinken đã nói, không thích hợp để gặp người đồng cấp Lavrov trong thời điểm này. Bất kỳ cuộc gặp nào với Tổng thống Putin cũng tuân thủ quy tắc đó. Vì vậy, vào thời điểm này, không có cuộc họp thượng đỉnh nào nằm trong kế hoạch".
Biden trước đó đã đồng ý tổ chức họp với Putin "về nguyên tắc". Tuy nhiên, Psaki thông báo điều kiện để hai bên tổ chức đàm phán là Nga phải giảm leo thang hành động tại Ukraine.
Căng thẳng xung quanh Ukraine leo thang từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây với kế hoạch tấn công nước láng giềng. Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Tình hình tiếp tục tăng nhiệt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.
Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới đây để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ. Thượng viện Nga hôm qua phê duyệt đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Putin, mở đường cho hoạt động hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine.
Xem thêm:
-Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
Ánh Ngọc (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét