Giữa căng thẳng cao độ với phương Tây về Ukraine, Putin mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Mỹ Latinh, khiến Washington lo ngại về cách Moskva gây áp lực.
Hồi tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với người đồng cấp Nicaragua Daniel Ortega, chúc mừng ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp sau cuộc bầu cử bị phương Tây cáo buộc bất công hồi tháng 11/2021. Đây là lần đầu tiên Putin trò chuyện với Ortega kể từ năm 2014.
Cũng trong tháng trước, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố tăng cường quan hệ với các đối tác Mỹ Latinh trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Đến ngày 3/2, ông tiếp đón Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, người cam kết giảm sự phụ thuộc của Argentina vào Mỹ.
Các bình luận viên Jack Nicas và Anton Troianovski của NY Times đánh giá một loạt hoạt động ngoại giao cá nhân của Putin hướng đến Mỹ Latinh, khu vực được ví như sân sau của Mỹ, là lời nhắc nhở về mục tiêu lớn bao trùm chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga: Mở rộng ảnh hưởng đến những khu vực xa xôi, đưa Moskva trở lại vị thế cường quốc có khả năng thách thức Washington.
Putin còn tích cực tiếp cận Mỹ Latinh, trong đó có những nước vốn gần gũi với Mỹ như Argentina và Brazil, ngay thời điểm Nga và phương Tây căng thẳng vì vấn đề Ukraine. Tổng thống Nga từng cảnh báo sẽ tiến hành "những biện pháp quân sự - kỹ thuật thích hợp" nếu phương Tây "tiếp tục mang lập trường gây hấn rõ ràng", khiến giới phân tích suy đoán Moskva thậm chí có thể triển khai vũ khí đến những nước Mỹ Latinh thân thiện với họ, như cách Mỹ đưa tên lửa đến các đồng minh ở châu Âu.
"Putin cho rằng Mỹ Latinh vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Washington. Vì vậy, những động thái xích lại họ là nhằm chọc giận Mỹ khi khủng hoảng Ukraine đang diễn ra", giáo sư Vladimir Rouvinski tại Đại học Icesi ở Colombia, người chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Nga với Mỹ Latinh, nhận định.
Putin được cho là nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh suốt những năm qua. Trong thời kỳ đại dịch, khi các nước giàu tích trữ vaccine, Nga đã nắm bắt cơ hội, chuyển những lô Sputnik V đầu tiên tới ít nhất 5 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm Argentina, Venezuela, Nicaragua, Bolivia và Paraguay.
"Ngài đã có mặt khi phần còn lại của thế giới quay lưng", Tổng thống Argentina Fernandez nói với Putin khi hai người gặp nhau tại Điện Kremlin. Bộ Ngoại giao Nga cũng từng cho biết đối với Moskva, Mỹ Latinh "đã và vẫn là khu vực mang thiện chí chính trị, cơ hội kinh tế, gần gũi về văn hóa và tương đồng về tư tưởng".
Bất chấp những nỗ lực của Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn có quan hệ kinh tế gắn bó hơn với Mỹ Latinh. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ sang Nga đạt 5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 66 tỷ USD sang Mỹ và 119 tỷ USD sang Trung Quốc, theo dữ liệu của Đại học Harvard. Ảnh hưởng của Trung Quốc đặc biệt gia tăng nhờ đầu tư hàng chục tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng khắp Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, các bình luận viên của NY Times chỉ ra điểm đặc biệt của Nga là ủng hộ về mặt chính trị đối với những lãnh đạo Mỹ Latinh đang chịu áp lực trên trường quốc tế. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người từng chỉ trích Trung Quốc kịch liệt và nghi ngờ chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, nhận được lời mời thăm Nga của Putin giữa lúc các nước khác dường như không hồ hởi chào đón ông.
Khi tổng thống Donald Trump còn đương nhiệm, quan hệ giữa Mỹ và Brazil gắn bó như truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Biden đã không liên hệ với Bolsonaro sau khi vào Nhà Trắng. Tổng thống Brazil cuối cùng đề nghị giới chức Mỹ gửi lời mời ông đến Washington, hoặc ít nhất là một cuộc gọi từ Biden, theo hai quan chức Mỹ cấp cao giấu tên. Bolsonaro được cho là còn cảnh báo nếu không được liên hệ, ông sẽ tìm đến một cường quốc khác.
Đến tháng 12/2021, giữa lúc căng thẳng tại Đông Âu leo thang, Bolsonaro nhận lời mời thăm Moskva khi không nhận được cuộc gọi nào từ phía Biden, khiến Nhà Trắng lo ngại. Các quan chức cấp cao Mỹ đã hai lần liên lạc với chính quyền Bolsonaro cảnh báo đây không phải thời điểm thích hợp để đến Moskva, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Ukraine đang diễn ra.
Trong cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi về tình trạng thiếu liên lạc giữa Biden và Bolsonaro, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn duy trì thảo luận với người đồng cấp Brazil, trong đó ông nhấn mạnh hai bên cần "đoàn kết phản ứng mạnh mẽ chống lại hành động của Nga đối với Ukraine".
Bất chấp lo ngại của Mỹ, Bolsonaro hôm 16/2 gặp Putin trong chuyến công du đầu tiên đến Moskva. Sau cuộc hội đàm mà Tổng thống Nga mô tả là "cụ thể và mang tính xây dựng", Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết hai lãnh đạo đã nhất trí hợp tác sâu sắc hơn về năng lượng và thương mại, đồng thời "chung quan điểm rằng xung đột nên được giải quyết thông qua những biện pháp ngoại giao và hòa bình".
Một số người đánh giá bước đi táo bạo nhất mà Putin có thể thực hiện nhằm gây áp lực lên phương Tây là cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc triển khai vũ khí đến Mỹ Latinh. Trong cuộc phỏng vấn hồi giữa tháng 1, khi được hỏi về khả năng Nga thiết lập hạ tầng quân sự ở Venezuela hoặc Cuba nếu căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết ông "không loại trừ bất cứ điều gì".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tại Mỹ Latinh nghi ngờ khả năng Nga thực hiện phương án này, một phần bởi điều đó có nguy cơ hủy hoại hầu hết thiện chí mà Moskva đã nỗ lực kiến tạo trên khắp Mỹ Latinh.
Dù vậy, Nga vẫn đóng vai trò quan trọng về trang bị vũ khí cho những đồng minh thân cận nhất ở Mỹ Latinh. Họ đã bán vũ khí và xe tăng cho Cuba và Nicaragua, cung cấp máy bay và hệ thống phòng thủ tên lửa cho Venezuela, đồng thời tổ chức các cuộc diễn tập quân sự với nước này.
Giới phân tích đánh giá trong tương lai gần, lợi ích quan trọng nhất mà Mỹ Latinh mang lại cho Nga có khả năng vẫn sẽ là ủng hộ về mặt ngoại giao, được thể hiện qua chuyến thăm Moskva của Tổng thống Argentina, quốc gia đang nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hơn 40 tỷ USD.
"Tôi xác định rằng Argentina phải ngừng phụ thuộc quá nhiều vào IMF và Mỹ. Đó là điểm khiến tôi nhận thấy Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng", Fernandez nói với Putin.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
- 20 năm Putin lãnh đạo nước Nga
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét