Nga tuyên bố bắt đầu rút lực lượng gần Ukraine, nhưng các lãnh đạo, chuyên gia phương Tây chưa nhận thấy dấu hiệu rút quân trên thực địa của Moskva.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo nước này bắt đầu rút lực lượng gần Ukraine về căn cứ, đồng thời công bố video cho thấy nhiều xe tăng, thiết giáp được chuyển lên tàu hỏa. Lực lượng này cuối năm ngoái được Nga triển khai đến gần biên giới Ukraine và miền nam Belarus, khiến Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định động thái này cho thấy Nga đang tìm kiếm "con đường ngoại giao" để giải quyết bế tắc với phương Tây. Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO tới nay đều bày tỏ hoài nghi với tuyên bố rút quân của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/2 cho hay "chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine". Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo rằng các lực lượng Nga "vẫn ở vị thế có thể gây đe dọa", cho rằng nguy cơ Nga động binh với quốc gia láng giềng "còn rất lớn".
Một số chuyên gia phương Tây cũng tỏ ra thận trọng, cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về tuyên bố rút quân của Nga. Điện Kremlin chưa công bố rõ bao nhiêu đơn vị đã được rút và còn bao nhiêu quân vẫn triển khai gần biên giới Ukraine.
"Mới hai ngày trước đó, Nga đã chuyển nhiều khí tài đến các khu vực thuộc tỉnh Belgorod gần biên giới. Tôi vẫn chưa đoán hết được dụng ý từ động thái tuyên bố lui binh của Nga", chuyên gia Rob Lee thuộc Đại học Hoàng gia ở London nhận định.
Theo Lee, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam, lực lượng gần với Ukraine nhất và có thể dễ dàng tái triển khai tới biên giới. Trong khi đó, các đơn vị được điều động từ vùng Viễn Đông và phía bắc dường như vẫn giữ nguyên vị trí gần biên giới Ukraine.
Lee cùng một số chuyên gia khác nhắc lại rằng Nga từng tuyên bố rút quân trong đợt triển khai hồi tháng 4/2021, song vẫn để lại khí tại tại điểm đóng quân gần biên giới với Ukraine. Họ cho biết chiến thuật này giúp Nga có thể nhanh chóng điều động lực lượng tới gần Ukraine khoảng 6 tháng sau đó.
"Tôi lo rằng quân đội Nga lại dùng chiến thuật cũ, chỉ rút lực lượng và để lại khí tài ở những vị trí thuận tiện, có thể nhanh chóng sử dụng trong tương lai", chuyên gia Dara Massicot thuộc hãng nghiên cứu RAND cho biết.
Các chuyên gia phương Tây nhận định dù Nga rút lượng đáng kể đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam, lực lượng còn lại vẫn đủ để triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn ở biên giới Ukraine. Ngoài ra, Nga được cho là đã điều lực lượng lớn tới đồn trú tại bán đảo Crimea, bao gồm cường kích, đặc nhiệm phản ứng nhanh và các đơn vị đổ bộ đường không.
"Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ rút quân về căn cứ, song tôi chỉ tin khi chứng kiến điều đó", trung tướng Ben Hodges, người từng giữ chức chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, nhận định. "Cũng có khả năng đây là một đợt luân chuyển lực lượng. Sẽ rất thú vị nếu biết đơn vị nào được rút về, có lẽ là những đơn vị đã đóng quân lâu nhất tại đó trong thời tiết lạnh giá".
Trong khi đó, các quan chức Nga bác bỏ các hoài nghi, coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây sai lầm khi cáo buộc họ lên kế hoạch tấn công Ukraine. "Bộ máy tuyên truyền chiến tranh phương Tây đã bị bẽ mặt và thảm bại mà không cần nổ một phát súng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết sau thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Chủ tịch Hiệp hội Sĩ quan dự bị Nga Vladimir Bogatyrev cũng cho rằng thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rút các đơn vị về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập ở Belarus và Crimea "cho thấy hoạt động tuyên truyền phóng đại của phương Tây đã hoàn toàn thất bại".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo NY Times, RIA Novosti)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét