Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Lý do nhiều người Ukraine không tin Nga động binh

Một cuộc khảo sát hồi giữa tháng cho thấy nhiều người Ukraine không tin Nga sẽ đưa quân vào nước này, một số nghĩ ông Biden lợi dụng họ để lấy lòng cử tri Mỹ.

"Đến mùa thu, Joe Biden sẽ trông như một siêu nhân, siêu anh hùng, bởi ông ấy như thể đã ngăn chặn Thế chiến III", Oksana Afenkina, cư dân sinh sống tại thủ đô Kiev của Ukraine sau khi rời khu vực Donetsk ở miền đông hồi năm 2020, nêu suy nghĩ.

Bất chấp loạt cảnh báo từ Mỹ rằng Nga có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào", Afenkina nằm trong số đông người dân Ukraine không tin điều đó. Theo cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 2/2 đến 14/2 của Viện Gorshenin, tổ chức thăm dò độc lập ở Ukraine, chỉ 20,4% người dân nước này cho rằng "cuộc tấn công toàn diện" sẽ sớm xảy ra và 4,4% tin rằng chiến tranh "chắc chắn" bùng phát.

Trong khi đó, 62,5% đánh giá cuộc tấn công sẽ không xảy ra "trong tương lai gần", ngay cả khi hơn 100.000 binh sĩ Nga được cho là tập trung gần biên giới với Ukraine. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phương Tây là có ý định tiến đánh Ukraine, khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ, chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Thượng viện Nga đã thông qua đề xuất điều quân ra nước ngoài, mở đường để Moskva đưa quân đến miền đông Ukraine, tuy nhiên, Putin nói hôm 22/2 rằng quyết định điều quân "phụ thuộc vào tình hình thực địa".

Một cuộc khảo sát được CNN công bố ngày 23/2 cho thấy 45% người Ukraine cho rằng ít khả năng Nga tiến hành hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần, trong khi 43% nói rằng kịch bản này có khả năng diễn ra và 13% trả lời rằng họ không biết.

Nhiều người Ukraine như Afenkina cho rằng đất nước 44 triệu dân của họ chỉ là con tốt trên bàn cờ địa chính trị tại Mỹ, công cụ hữu ích để phe Dân chủ củng cố sự ủng hộ và giành phiếu bầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm nay.

"Các chính trị gia Mỹ đang dối trá, bởi những thông điệp họ đưa ra tác động đến thị trường chứng khoán, làm giàu cho doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề cá nhân của họ", người phụ nữ 35 tuổi đánh giá.

Binh sĩ Ukraine đi bên ranh giới ngăn cách với khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donetsk, phía đông đất nước, hôm 2/1. Ảnh: AP.

Binh sĩ Ukraine đi bên ranh giới ngăn cách với khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donetsk, phía đông đất nước, hôm 2/1. Ảnh: AP.

Ihar Tyshkevich, nhà phân tích chính trị tại Viện Tương lai Ukraine, nhận định tâm lý hoài nghi nguy cơ chiến tranh đi đôi với sự ngờ vực phương Tây. "Những dự đoán từ phương Tây bị chỉ trích gay gắt, cụ thể là cảnh báo sẽ có chiến tranh, cũng như đánh giá về tiềm lực của Ukraine", chuyên gia cho hay. "Đối với Ukraine, tình hình hiện nay là mối đe dọa, nhưng không phải thảm họa".

Tyshkevich đánh giá dù người Ukraine bất đồng với nhau về chính trị và ý thức hệ đến đâu, họ vẫn đoàn kết khi đối mặt mối đe dọa từ nước ngoài.

Một số nhà quan sát đồng tình với quan điểm của người dân Ukraine, cho rằng những cảnh báo của Mỹ và cuộc giằng co địa chính trị xung quanh Ukraine đem lại lợi ích cho cả phương Tây và Nga.

"Mỗi bên đều đạt được các mục tiêu của mình", nhà phân tích Aleksey Kushch tại Kiev đánh giá. "Nga gây được áp lực lên Ukraine và phương Tây bằng cách tăng nhiệt căng thẳng và gieo hoang mang. Phương án này không tốn nhiều sức lực nhưng đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine".

Hệ quả mà Moskva phải hứng chịu là một loạt đòn trừng phạt từ Washington và các đồng minh hôm 22/2, sau khi ông Putin duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 đã không làm tê liệt kinh tế Nga. Loạt biện pháp mới cũng được đánh giá sẽ không tác động đáng kể. Nhiều người Ukraine thất vọng khi phương Tây hành động không đủ cứng rắn, như loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Giới lãnh đạo Ukraine cũng từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về những thông điệp đáng báo động từ phương Tây. Hồi cuối tháng một, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc phương Tây đang gieo rắc hoảng loạn.

"Ngay cả những lãnh đạo đáng kính của các quốc gia cũng cảnh báo ngày mai có thể xảy ra chiến tranh. Đó là cơn hoảng loạn. Đất nước chúng ta sẽ phải trả giá bao nhiêu cho nó?", ông Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/1. "Rủi ro lớn nhất với Ukraine là bất ổn trong nước. Chúng ta không cần cơn hoảng loạn này".

Sau khi Nga công nhận hai vùng ly khai, Ukraine ban sắc lệnh yêu cầu người trong độ tuổi 18-60 tham gia lực lượng dự bị, song bác khả năng kêu gọi tổng động viên.

Dù vậy, một bộ phận nhỏ người dân Ukraine vẫn lo lắng và quyết định rời đi. "Tôi không thể ngủ suốt hai ngày và đang chuẩn bị đồ đạc để lên đường", Hanna Glushko, một kỹ sư phần mềm sống tại Kiev, cho hay. Cô và đồng nghiệp dự định đến vùng Transcarpathia phía tây nam Ukraine, giáp với một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Họ đã đặt phòng khách sạn và sẵn sàng sang Hungary nếu Ukraine có biến cố.

Serhiy Omelyanenko, tài xế taxi làm việc tại sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev, cho biết sảnh khởi hành giờ đây chật cứng. "Những người có tiền muốn rời Ukraine", anh nói. Truyền thông Ukraine cũng đưa tin hàng chục nhà tài phiệt ở nước này cùng các thành viên gia đình họ đã chuyển đến những nơi yên bình hơn, quyết định bị ông Zelensky chỉ trích.

"Có một vấn đề lớn với các nhà tài phiệt. Họ đã tự kết án chính mình", Tổng thống Ukraine nói hôm 14/2.

Xem thêm:

- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?

- Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?

- Putin nghĩ gì về Ukraine?

- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine

Ánh Ngọc (Theo Al Jazeera)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét