Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

UAV Mỹ quần thảo vùng trời đông Ukraine

Phi cơ RQ-4 Mỹ liên tục phát tín hiệu định vị trên vùng trời trống trải ở đông Ukraine, dường như thể hiện sự hiện diện trước quân đội Nga.

Căng thẳng giữa Kiev và Moskva khiến phần lớn không phận Ukraine trở nên trống trải, nhưng các máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk của Mỹ vẫn liên tục làm nhiệm vụ tại vùng trời phía đông quốc gia này, có thời điểm hiện diện tới 24 giờ liên tục.

Trong suốt một tháng qua, hai chiếc UAV thường xuyên xuất phát từ căn cứ ở Địa Trung Hải và quần thảo trên không phận Ukraine, theo dữ liệu từ trang theo dõi hàng không dân sự FlightRadar24. Các chuyến bay tầm xa trùng khớp với đợt điều chuyển lực lượng Nga đến gần biên giới Ukraine, gây lo ngại về nguy cơ Moskva mở chiến dịch tấn công nước láng giềng.

Trinh sát cơ RQ-4 Mỹ hạ cánh tại Nhật Bản năm 2014. Ảnh: USAF.

Trinh sát cơ RQ-4 Mỹ hạ cánh tại Nhật Bản năm 2014. Ảnh: USAF.

Có thời điểm máy bay RQ-4 Mỹ là phi cơ duy nhất bật định vị và xuất hiện công khai trên vùng trời đông Ukraine, khiến giới quan sát hàng không nhận định Washington đang phô trương thanh thế thông qua hành động này. "Bật hệ thống phát đáp trong những chuyến bay như vậy là hành động có chủ đích", Ian Petchenik, giám đốc thông tin liên lạc của FlightRadar24, cho hay.

Không quân Mỹ từ chối bình luận về chi tiết các chuyến bay, nhưng cho biết Washington thường xuyên triển khai phi cơ cho những nhiệm vụ tình báo. "Các chuyến bay đó thể hiện cam kết không thay đổi của chúng tôi với an ninh và an toàn trong khu vực", phát ngôn viên lực lượng này cho hay.

Đêm 21/2, chiếc RQ-4 mang hô hiệu Forte 11 trở về Địa Trung Hải sau gần 24 giờ hoạt động trên vùng trời Ukraine. Tín hiệu định vị của nó biến mất ở độ cao nhỏ khi đến gần căn cứ không quân hải quân Sigonella ở đảo Sicily của Italy.

Đường bay của phi cơ Mỹ nổi bật giữa không phận trống vắng của Ukraine, đặc biệt là khu vực miền đông giáp với Nga, sau khi các hãng hàng không quốc tế tránh vùng trời nước này để bảo đảm an toàn.

FlightRadar24 cho biết Forte 11 là chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên hệ thống của họ trong ngày 15/2, thêm rằng phi cơ Mỹ hoạt động liên tục hơn 21 giờ.

RQ-4 Global Hawk là UAV do thám tầm xa do Mỹ sản xuất, được trang bị các hệ thống radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và trinh sát quang điện tử - hồng ngoại hiện đại. Mỗi máy bay có thể hoạt động 32 giờ liên tục ở độ cao 18 km, có khả năng trinh sát khu vực có diện tích tương đương Hàn Quốc trong vòng 24 giờ.

Dòng RQ-4 được sản xuất từ năm 1998 và đóng vai trò quan trọng với các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới. Mỗi chiếc Global Hawk có giá gần 150 triệu USD khi xuất xưởng, chưa tính tới các hệ thống kỹ thuật đi kèm và chi phí vận hành trong thực tế, một số phiên bản có giá cao hơn.

Đường bay của chiếc RQ-4 Mỹ trên vùng trời Ukraine hôm 16/1. Ảnh: FlightRadar24.

Đường bay của chiếc RQ-4 Mỹ trên vùng trời Ukraine hôm 15/2. Ảnh: FlightRadar24.

Dữ liệu trên FlightRadar24 hôm 17/2 cũng cho thấy 9 trinh sát cơ NATO làm nhiệm vụ tại Đông Âu, trong đó phần lớn chuyến bay diễn ra gần biên giới Nga và Belarus, cùng không phận Ukraine. Đây đều là những trinh sát cơ hiện đại, có thể thu thập nhiều thông tin tình báo sâu bên trong lãnh thổ Nga dù đang hoạt động trên vùng trời các nước đồng minh của Mỹ hoặc không phận quốc tế.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng hoạt động của loạt trinh sát cơ này đã giúp Mỹ cùng đồng minh liên tục giám sát hoạt động của quân đội Nga gần Ukraine, thu thập lượng lớn tin tức tình báo về "đường đi nước bước" của lực lượng Nga ở biên giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Trong sắc lệnh, ông chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình", nhưng không nói rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ.

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga, trong lúc Moskva cáo buộc Kiev phá hoại thỏa thuận Minsk khi không trao đổi với phe ly khai ở phía đông, đồng thời tố phương Tây "đẩy" Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, đại sứ Nga nhấn mạnh cánh cửa ngoại giao vẫn để mở trong khủng hoảng Ukraine.

Xem thêm:

- Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine

- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?

- Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?

- Putin nghĩ gì về Ukraine?

- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine

Vũ Anh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét