Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Loạt đòn châm chọc Nga tung vào phương Tây

Hôm 16/2, khi truyền thông phương Tây đưa tin "Nga sẽ tấn công Ukraine", Moskva đáp lại rằng "cuộc chiến lại không bắt đầu, trước sự tiếc nuối của họ".

"Chiến tranh đã bùng nổ trên các trang thông tin của họ, nhưng thực tế không như vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 16/2.

Trong một bài đăng trên Facebook, Zakharova còn đề nghị "các kênh truyền thông đại chúng đưa tin giả" tại phương Tây tiết lộ "lịch trình tiến đánh của Nga trong năm tới". "Tôi muốn lên kế hoạch đi nghỉ dưỡng", bà mỉa mai.

Trước những cảnh báo liên tiếp của Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng bùng phát chiến tranh tại Ukraine, Nga không tỏ ra bị kích động hay trở nên mềm mỏng hơn, mà phản công bằng một loạt đòn châm biếm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc họp báo ở Moskva hôm 20/1. Ảnh: AP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc họp báo ở Moskva hôm 20/1. Ảnh: AP.

Giới quan sát đánh giá cách phát ngôn này là công cụ mà giới chức Nga đã sử dụng từ lâu để hạ thấp lập trường của đối thủ, đồng thời đánh lạc hướng chú ý khỏi những hành động bị cáo buộc là đe dọa phương Tây và láng giềng. Theo một số chuyên gia, những bình luận châm biếm súc tích còn giúp Moskva xây dựng hình ảnh điềm tĩnh và sáng suốt, giữa lúc phương Tây tỏ ra hoảng loạn.

Biện pháp này nhiều lần được Moskva sử dụng trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng cao độ về vấn đề Ukraine, đặc biệt sau khi một số hãng truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết "Nga có thể tấn công Ukraine vào rạng sáng 16/2", nhưng không đưa ra bằng chứng nào.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Đức Welt, đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov cáo buộc phương Tây "vu khống" khi cảnh báo về nguy cơ chiến tranh. Ông nhấn mạnh "sẽ không có cuộc tấn công nào vào ngày 16/2".

Sau đó, Chizhov nói thêm một cách dí dỏm: "Các cuộc chiến tại châu Âu hiếm khi nổ ra vào một ngày thứ tư".

Giới quan sát cho rằng phát ngôn này dường như mang tính đùa giỡn hơn là đề cập đến yếu tố lịch sử. Thế chiến I bùng phát vào ngày thứ ba, còn Thế chiến II bắt đầu ở châu Âu vào thứ sáu. Tuy nhiên, lịch sử chiến tranh tại châu Âu những thế kỷ qua ghi nhận các cuộc chiến nổ ra vào bất cứ ngày nào trong tuần.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tỏ ra không bận tâm đến nỗi lo ngại ngày càng lớn của phương Tây. Trong cuộc họp báo hôm 16/2, khi được hỏi chính quyền Nga đêm hôm trước có hoạt động gì khác biệt hay không, ông cho biết mọi người đã ngủ ngon và tiếp tục công việc vào buổi sáng như thường lệ.

Trước đó, Peskov còn nói vào hôm 15/2 rằng những người Ukraine tin vào truyền thông phương Tây "tốt nhất không nên đi ngủ sớm". "Họ cũng có thể đặt báo thức và tự kiểm chứng thông tin", ông nói thêm, đề cập đến thông tin "Nga sẽ tấn công vào 3h sáng 16/2".

"Sự cuồng loạn của phương Tây vẫn chưa tới đỉnh điểm. Chúng ta cần kiên nhẫn, bởi tình trạng đó sẽ không thuyên giảm nhanh chóng", Peskov mỉa mai.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người nổi tiếng với những phát ngôn châm biếm trong 18 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng mỉa mai phương Tây "thiếu giáo dục cơ bản" khi cố gắng áp đặt hoặc dự đoán các kế hoạch của Nga.

Sau một loạt cảnh báo của phương Tây về khả năng Nga tấn công Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/2 thông báo rút một phần lực lượng về căn cứ sau khi hoàn tất đợt diễn tập gần biên giới với Ukraine. "15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại. Họ đã bị làm bẽ mặt và thảm bại mà không cần một phát súng nào", phát ngôn viên Zakharova nói.

Tuy nhiên, NATO sau đó nói rằng họ không thấy dấu hiệu Nga rút quân mà thậm chí còn tăng lực lượng. Đáp lại, Nga ngày 17/2 thông báo rút thêm các đơn vị đã hoàn tất diễn tập trên bán đảo Crimea về căn cứ thường trực.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rút quân là quá trình mất nhiều thời gian. "Các lực lượng không thể lập tức cất cánh lên không trung và bay đi hết được", ông nói.

Xem thêm:

- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine

- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi

- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?

- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?

Ánh Ngọc (Theo AP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét