Là một cựu điệp viên KGB, Putin cực kỳ cẩn trọng và ít chia sẻ, điều khiến giới tình báo Mỹ khó nắm bắt được tính toán của ông.
Năm 2016, khi Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nắm trong tay một vũ khí bí mật: Một điệp viên có khả năng tiếp cận với thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có thể báo cho Washington về cách ông chủ Điện Kremlin, nhà chiến thuật bậc thầy, đang suy tính về bước tiếp theo của mình.
Nhưng đến năm 2017, điệp viên này bị trục xuất khỏi Nga, khiến tình báo Mỹ đánh mất nguồn thông tin duy nhất có thể thăm dò được Putin. Giờ đây, sau 5 năm từ từ xây dựng lại mạng lưới tiếp cận các nhân sự cấp cao nhất của Điện Kremlin, tình báo của Mỹ vẫn phải đối mặt thách thức lớn: Giải mã tính toán của Putin khi điều hơn 100.000 quân tới biên giới Ukraine.
Họ không rõ Tổng thống Nga sẽ dùng lực lượng này để tấn công Ukraine, hay đơn giản chỉ coi đây như một công cụ tạo đòn bẩy cho giải pháp ngoại giao.
Theo các quan chức Mỹ và nhiều nước đồng minh, Mỹ và Anh hiện nay có một số công cụ để nắm bắt suy nghĩ của Tổng thống Nga, thông qua một số biện pháp nghiệp vụ tình báo như chặn thu liên lạc điện tử, hay qua các cuộc trao đổi định kỳ giữa Biden với Tổng thống Joe Biden. Theo giới chức tình báo Mỹ, những thông tin này thực sự hữu ích trong nỗ lực tìm hiểu thế giới quan cũng như cách xử lý vấn đề của Putin.
Nhưng để nắm được tính toán của Putin, một cựu điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), tình báo Mỹ đối mặt nhiệm vụ thách thức hơn rất nhiều. Ông luôn hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị điện tử, đôi khi không cho người ghi chép tham gia các buổi họp và chia sẻ rất ít với các phụ tá.
Một số quan chức Mỹ cho rằng Tổng thống Nga thường có xu hướng chờ tới những những giây phút cuối cùng mới đưa ra quyết định, liên tục đánh giá lại, cân nhắc thiệt hơn các lựa chọn của mình trong quá trình này, khiến nỗ lực tìm hiểu ý định thực sự của ông trở nên bất khả thi.
"Chúng tôi không hiểu, không ai hiểu điều gì diễn ra trong đầu Tổng thống Putin, vì thế chúng tôi không thể dự đoán mọi chuyện sẽ đi đến đâu", Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith nói với phóng viên hôm 15/2, đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một quan chức cấp cao Mỹ từng tiếp xúc với những người đồng cấp Nga trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng hiện tại cho biết gần đây phái đoàn Mỹ đang có cảm giác rằng các quan chức cấp cao của Nga đang thể hiện quan điểm cứng rắn vì họ cũng không biết ông chủ Điện Kremlin muốn gì.
Trong lúc đó, các quan chức Mỹ đang nghiên cứu, đào sâu thông tin tình báo để cố gắng trả lời một câu hỏi quan trọng: Tổng thống Putin đánh giá khả năng thành công của mình như thế nào.
Tình báo Mỹ và Anh nói rằng những phân tích của họ đều dẫn đến một kết luận chung rằng đánh giá của Putin về vị thế Nga trên trường quốc tế đã thay đổi.
Sau khi đầu tư mạnh tay cho quân đội, giờ đây, ông tin rằng Nga đang ở vị thế tốt nhất để gây sức ép lên Ukraine và phần còn lại của châu Âu kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Dự trữ tài chính của Nga cũng giúp cải thiện đáng kể khả năng chống chịu trước các lệnh trừng phạt.
Gần đây, Nga còn được hưởng lợi từ giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao và Putin dường như nhận ra rằng mối đe dọa chiến tranh càng lớn, giá của chúng càng cao.
Nhiều quốc gia châu Âu tỏ ra ngần ngại trước phương án thay thế các nguồn năng lượng từ Nga bởi chi phí là quá cao, vì thế một số lãnh đạo muốn hướng tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine mà không cần áp đặt trừng phạt vào Moskva.
Tổng thống Putin cũng có lợi thế về thời gian. Ông sẽ không phải đối mặt với áp lực bầu cử trong hai năm rưỡi nữa, giúp ông có khả năng khôi phục tín nhiệm trước bất kỳ chỉ trích nào từ trong nước hay nếu Nga bị trừng phạt vì quyết định động binh với Ukraine.
Dù giới tình báo Mỹ đồng thuận rõ ràng về những phân tích này, các cựu quan chức cảnh báo rằng họ vẫn cần hết sức cảnh giác khi dự báo một lãnh đạo khó đoán như Putin.
"Các nhà phân tích hiểu Putin suy nghĩ như thế nào, những bất bình hay tức giận của ông ấy đối với phương Tây và Mỹ", John Sipher, cựu quan chức CIA từng công tác tại Nga, cho hay. "Liệu điều đó có nghĩa chúng ta biết ông ấy sẽ làm gì và khi nào ông ấy sẽ làm điều đó không? Câu trả lời là không, bởi để làm như vậy, bạn phải đi vào trong đầu ông ấy".
Theo giới quan sát, Mỹ chắc chắn đã xây dựng mạng lưới thông tin tình báo về kế hoạch chiến tranh của quân đội Nga, thể hiện ở việc dự đoán được động thái điều quân nhiều tuần trước khi nó xảy ra. Nhưng Mỹ đã không ít lần bị Tổng thống Putin làm cho bất ngờ, từ quyết định sáp nhập Crimea năm 2014 đến việc ông triển khai lực lượng tới Syria năm 2015.
Một nguồn thông tin có thể cung cấp hiểu biết sâu rộng về Putin nằm chính ở các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga, vậy nên tình báo Mỹ quyết tâm giữ cho ông nói chuyện.
Không lâu sau khi Giám đốc CIA William J. Burns đến thăm Moskva hồi tháng 11 năm ngoái để cảnh báo Nga không xâm lược Ukraine, các phụ tá của Tổng thống Biden đã đưa ra một kế hoạch can dự liên tục, thiết lập hàng loạt cuộc đàm phán, ở Brussels và Geneva, với niềm tin rằng trong lúc Nga bày tỏ bất bình và đưa ra các yêu cầu, họ sẽ không động binh.
Theo Paul Kolbe, người nhiều năm giám sát hoạt động thu thập thông tin tình báo Nga cho CIA, thuyết phục Nga nói chuyện cũng là cách để "tìm ra những gì họ muốn, tìm ra một lối thoát khác".
Putin lâu nay vẫn sử dụng thông tin như một vũ khí. Ông có đội ngũ tư vấn riêng và giấu các chi tiết về kế hoạch của mình với cả những trợ lý thân cận.
Khi Burns đến thăm Moskva, ông đã nêu chi tiết những gì Mỹ biết được về các kế hoạch quân sự của Nga. Những tiết lộ từ ông dường như khiến một số quan chức Nga bất ngờ, như thể chính họ cũng không biết về những ý định của Tổng thống Putin, theo một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề.
"Putin không phải là người muốn chia sẻ", Beth Sanner, cựu quan chức tình báo hàng đầu Mỹ, nhận xét. "Putin là một điệp viên, vì thế ông được đào tạo để không chia sẻ và biết cách lôi kéo, điều khiển người khác".
Nhưng các cựu quan chức tình báo nói rằng hồ sơ về Nga trong CIA vẫn hữu ích nhờ rất nhiều chuyên viên phân tích tình báo đã cống hiến cả sự nghiệp của họ để nghiên cứu về Putin. Họ cho rằng việc Putin nắm quyền lâu cũng mang đến những lợi ích nhất định, khi cơ quan tình báo có thêm thời gian tìm hiểu về ông.
Theo Marc E. Polymeropoulos, cựu quan chức CIA giám sát các hoạt động ở châu Âu và Nga, có những giới hạn nhất định về điều mà chính phủ yêu cầu cơ quan tình báo thực hiện. Họ có thể đưa ra cảnh báo, nhưng khó có thể làm nhiều hơn thế.
"Tình báo không nhất thiết phải dự đoán được ngày giờ. Cộng đồng tình báo đã làm rất tốt khi cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách nhận thức tình huống tuyệt vời để họ phát triển những kế hoạch riêng nếu Nga đi theo cách này hay cách khác", ông nói. "Đó là những gì tình báo thực hiện. Yêu cầu nhiều hơn thế sẽ là một thách thức".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Hoàng (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét