Cuba thúc giục Mỹ và NATO giải quyết nghiêm túc yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh và kêu gọi giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
Bộ Ngoại giao Cuba hôm 23/2 ra tuyên bố, nói rằng Mỹ quyết tâm mở rộng NATO về phía biên giới Nga và gọi đây là "mối đe doạ an ninh" tới nước đồng minh. Havana còn cáo buộc Mỹ "đe dọa Nga trong nhiều tuần" và "thao túng cộng đồng quốc tế bằng chiến dịch tuyên truyền chống Nga".
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ và NATO phản hồi nghiêm túc và thực tế các yêu cầu có căn cứ của Nga về đảm bảo an ninh. Nga có quyền tự vệ", tuyên bố có đoạn.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 22/2 cũng bày tỏ sự ủng hộ với Nga giữa khủng hoảng Ukraine. "Venezuela tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Tổng thống Vladimir Putin trong bảo vệ hòa bình ở Nga và khu vực", Maduro nói.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega hôm 21/2 cáo buộc Mỹ và các nước châu Âu "sử dụng Ukraine để khiêu khích Nga" trong khi Moskva chỉ đưa ra các "yêu cầu an ninh".
Chính phủ Syria cùng ngày tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng thống Nga khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai tại Ukraine, gồm hai chính quyền tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk trong vùng Donbass.
Nga cuối năm ngoái công bố 8 yêu cầu an ninh với phương Tây, trong đó đề nghị NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Nga còn kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.
Phương Tây và Mỹ từ cuối năm ngoái cáo buộc Nga dồn hơn 100.000 quân ở biên giới, có ý định thực hiện chiến dịch quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, Nga liên tục bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Mỹ thổi phồng nguy cơ và muốn đẩy họ vào xung đột với Ukraine để kiếm cớ áp lệnh trừng phạt. Giới chức Nga cũng nhấn mạnh cánh cửa ngoại giao vẫn để mở trong khủng hoảng Ukraine.
Căng thẳng tiếp tục dâng cao sau khi Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Ukraine. Mỹ cùng một số đồng minh như Canada, Nhật Bản, Australia, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã áp trừng phạt với Nga. Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói rằng Moskva đã chuẩn bị suốt nhiều tháng để đối mặt hậu quả của việc công nhận độc lập vùng ly khai ở đông Ukraine.
Xem thêm:
- Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine
- Trừng phạt của phương Tây có làm khó Putin?
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét