Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Nỗ lực đông tiến của NATO đẩy Ukraine vào khủng hoảng

Khi hơn 100.000 lính Nga tập trung sát biên giới Ukraine, Putin ra tối hậu thư: họ sẽ không rút tới khi NATO cam kết không tiếp tục "đông tiến".

Được thành lập năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ban đầu là một khối an ninh thời Chiến tranh Lạnh phục vụ mục tiêu đối đầu với Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã năm 1990, NATO không còn mục tiêu chính để tồn tại, nhưng khối này dần biến thành một tổ chức của thế kỷ 21 và ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên ở Đông Âu.

Xu hướng này trái ngược với quan điểm ban đầu của phương Tây. Ba thập kỷ trước, một số nhà hoạch định chính sách đối ngoại nổi tiếng của Mỹ cho rằng NATO không nên "lảng vảng" đến gần Ukraine, nơi từng được coi là thuộc vùng ảnh hưởng của Nga.

Ukraine là một nước thuộc Liên Xô cũ. Sau thời điểm năm 1997, khi NATO kết nạp một loạt thành viên Đông Âu, giấc mơ trở thành một thành viên của khối này trỗi dậy và lớn dần lên ở Ukraine, nhất là khi tổng thống Mỹ George W. Bush bày tỏ ủng hộ ý tưởng đó vào năm 2008.

Tuy nhiên, chính sách mở cửa của NATO, nguyên tắc nền tảng của liên minh cho phép tất cả quốc gia châu Âu có thể gia nhập, giống như con dao hai lưỡi. Với phương Tây, nó là tuyên bố thể hiện quyền tự trị, nhưng với Nga nó là mối đe dọa.

Cốt lõi của hiệp ước NATO là Điều 5, trong đó cam kết một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào đều được xem là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Điều này có nghĩa nếu Ukraine trở thành thành viên NATO, bất kỳ động thái quân sự nào của Nga với Ukraine đều sẽ khiến Moskva vướng vào xung đột với Mỹ, Anh, Pháp và 27 thành viên NATO khác.

Bởi vậy, lời hứa hẹn của NATO về xem xét kết nạp Ukraine hay Gruzia đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại.

"Đó là một sai lầm thực sự", Steven Pifer, đại sứ Mỹ tại Ukraine giai đoạn 1998-2000 dưới thời tổng thống Bill Clinton, nói. "Nó khiến người Nga tức giận, đồng thời tạo ra những kỳ vọng ở Ukraine và Gruzia mà sau đó không được đáp ứng. Do đó, nó chỉ khiến cho toàn bộ vấn đề về mở rộng liên minh trở nên phức tạp".

Quân Ukraine tham gia tập trận chung cùng quân Mỹ và NATO tại Lviv, Ukraine hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.

Quân Ukraine tham gia tập trận chung cùng quân Mỹ và NATO tại Lviv, Ukraine hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.

Không quốc gia nào có thể gia nhập NATO mà không có sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên của khối. Nhiều thành viên NATO đã phản đối Ukraine gia nhập, một phần vì nước này không đáp ứng các điều kiện tham gia liên minh. Tất cả những điều này đẩy Ukraine vào tình thế bấp bênh, khi đơn xin gia nhập chưa được NATO chấp thuận và nhận được bảo vệ từ liên minh, nhưng lại chọc tức nước láng giềng Nga.

"Chính sách mở cánh cửa gia nhập NATO đã làm tăng thêm xích mích với Nga, vốn đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang có", Mary Sarotte, nhà sử học về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nói. "Tôi tin Putin thực sự tức giận với cách mà trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh cho Nga ra rìa".

Rajan Menon, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu Defense Priorities, cho hay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO có nhiệm vụ đối trọng Khối Warsaw, gồm những nước có liên kết với Liên Xô. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã bị hoài nghi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi ngay cả cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng từng hỏi về khả năng Nga gia nhập NATO.

Vai trò của Mỹ ở châu Âu cũng không chắc chắn. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, dư luận Mỹ quan tâm nhiều hơn tới chính sách đối nội. Bill Clinton được bầu với một khẩu hiệu chiến dịch tập trung vào nền kinh tế. Là người chưa có kinh nghiệm chính khách, ông dường như sẽ kiềm chế tham vọng toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Clinton nhiều lần đến Nga và nhanh chóng hiểu được nghệ thuật lãnh đạo đất nước, thúc đẩy dân chủ ở châu Âu nổi lên như một chính sách đối ngoại chính của Mỹ. Nhưng không rõ liệu một liên minh quân sự như NATO có phải là cách tốt nhất để thúc đẩy điều đó hay không.

Cuộc tranh luận về giá trị của NATO nổ ra ở Washington vào những năm 1990. George Kennan, kiến trúc sư nổi tiếng về chiến lược "ngăn chặn" Liên Xô và là cựu đại sứ tại Moskva, năm 1997 từng viết việc mở rộng NATO sẽ là sai lầm vì nó "thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chống phương Tây trong dư luận Nga". Kennan không phải người duy nhất có quan điểm này.

Thomas Friedman, nhà bình luận nổi tiếng về chính sách đối ngoại của Mỹ, từng nói "đây là dự án thiếu suy nghĩ nhất thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh". Daniel Patrick Moynihan, cựu thành viên Thượng viện Mỹ, cảnh báo "chúng ta không biết đang vướng vào thứ gì".

Các chỉ huy quân sự coi mở rộng NATO là bất lợi cho Mỹ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội coi nó là quá tốn kém, trong khi các cơ quan tình báo Mỹ hoàn toàn phản đối thêm Ukraine và Gruzia vào danh sách thành viên liên minh. William Perry, bộ trưởng quốc phòng của Clinton, viết trong hồi ký rằng ông gần như từ chức vì quyết định mở rộng NATO.

Liên minh châu Âu non trẻ có thể là kênh để củng cố phát triển dân chủ ở các nước hậu Liên Xô. Châu Âu cũng có thể theo đuổi mục tiêu thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hoặc tập trung vào các mối quan hệ gắn bó với từng nước. Nhưng Washington lại quyết định chọn NATO.

Jenonne Walker, người từng phục vụ trong Nhà Trắng dưới thời Clinton, nói bà là một trong số ít người muốn chọn Liên minh châu Âu. "Hầu hết những quan chức khác đều muốn NATO, bởi đó là nơi ảnh hưởng của Mỹ được xem là mạnh mẽ nhất", bà nói.

Cựu tổng thống Clinton ban đầu đưa ra chương trình mở cửa để kết nạp thành viên NATO có tên Partnership for Peace (Quan hệ Đối tác vì Hòa bình), nhưng nó cuối cùng bị loại bỏ. Đến năm 1994, NATO cho biết họ "hoan nghênh mở rộng NATO khi nó giúp tiếp cận các quốc gia dân chủ ở sườn đông", thêm rằng Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary là ba quốc gia đầu tiên tham gia.

Tổng thống Clinton, cố vấn an ninh quốc gia Tony Lake và ngoại trưởng Warren Christopher lạc quan rằng NATO có thể mở rộng, với khả năng hình thành mối quan hệ mang tính xây dựng giữa NATO và Nga. Khi cả ba người đều ủng hộ thêm thành viên, liên minh NATO đã trở thành nguyên tắc tổ chức trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai.

Ban đầu, phải mất rất nhiều công sức để nước Đức mới thống nhất gia nhập NATO. Liên minh đã bổ sung thêm các nước ở phía đông vào cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000. Các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva, nằm ở phía bắc biên giới phía tây của Nga, gia nhập NATO năm 2005 mà không có quá nhiều phản đối từ phía Moskva.

Khi liên minh tiếp tục phát triển, NATO trở thành phương tiện để giải quyết các vấn đề toàn cầu mới mà giới lãnh đạo Mỹ lo lắng. Joshua Shifrinson, học giả quan hệ quốc tế tại Đại học Boston, thêm rằng mở rộng liên minh về phía đông cũng là cách để cho thấy Mỹ vẫn có sứ mệnh ở châu Âu, cũng như thể hiện sức mạnh và kiềm chế các hệ thống khác như Liên minh châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và tổng thống Mỹ Bill Clinton tại hội nghị ở Auckland, New Zealand hồi tháng 9/1999. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và tổng thống Mỹ Bill Clinton tại hội nghị ở Auckland, New Zealand hồi tháng 9/1999. Ảnh: AFP.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO không tham gia bất cứ chiến dịch quân sự nào. Nhưng trong cuộc xung đột Nam Tư và chiến tranh Kosovo những năm 1990, liên minh đã áp đặt một vùng cấm bay, sau đó triển khai lực lượng và ném hàng trăm quả bom xuống Nam Tư năm 1999. Các nhà ngoại giao cho biết quá trình thực hiện chiến dịch nhiều lần bị trì hoãn và thiếu tổ chức, phơi bày những bất cập của NATO khi đối phó với một cuộc xung đột.

Điều đó khiến Clinton tăng áp lực với NATO. "Khi không hành động, chúng ta khiến NATO trông yếu đuối và không phù hợp với tình hình. Quan điểm thống nhất trong các cơ quan quyền lực ở Washington là 'chúng ta phải mở rộng NATO để cứu nó, để khiến nó trông năng động và không trì trệ", Walker, đại sứ tại Cộng hòa Czech năm 1995-1998, nói.

Bằng cách đảm nhận các vai trò quân sự mới, NATO đã tạo ra những quy định mới. Vào thập niên 2000, NATO tham chiến ở Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, đào tạo lực lượng Afghanistan từ năm 2003, chống cướp biển gần Somalia, can thiệp quân sự để bảo vệ thường dân ở Libya cùng nhiều hoạt động khác.

Tuy nhiên, chính sách đông tiến của NATO giờ đây gây ra nhiều hệ lụy cho Mỹ. James Dobbins, từng là nhà ngoại giao cấp cao ở châu Âu trong thập niên 1990, 2000, nói cam kết mở rộng NATO đã hạn chế lựa chọn của Biden.

"Ý tưởng rằng Mỹ nên mở rộng vành đai phòng thủ đến nửa tá quốc gia châu Âu không còn phù hợp, khi chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang Trung Quốc", Dobbins nói.

Vấn đề cốt lõi ở đây là về sức mạnh của Mỹ và sự thay đổi của nó kể từ khi Liên Xô tan rã. "Nó trở thành một cuộc tranh luận rằng liệu Mỹ có nên xông pha ra thế giới để bảo vệ nhân quyền và truyền bá dân chủ hay không? Liệu Mỹ đang bảo vệ an ninh của chính họ hay là một lực lượng viễn chinh mãi mãi?", Emma Ashford của Hội đồng Atlantic đặt câu hỏi.

Và giờ là lúc chính quyền Biden phải đi tìm câu trả lời, khi nỗ lực đông tiến của NATO đang đẩy Ukraine vào tình thế mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây.

Xem thêm:

- Nga muốn gì ở Ukraine?

- Thế trận của Nga quanh Ukraine

- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt

Thanh Tâm (Theo Vox)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét