Moskva cho biết lệnh trục xuất phó đại sứ Mỹ nhằm trả đũa hành động tương tự của Washington đối với nhà ngoại giao Nga.
"Chúng tôi muốn nói rõ quyết định buộc phó đại sứ Mỹ ở Moskva Bart Gorman rời đi, đang bị một bộ phận truyền thông tìm cách mô tả là hành động cố ý leo thang từ phía Nga. Chính xác là nhà ngoại giao Mỹ đã bị yêu cầu rời khỏi Nga, nhưng đây là quyết định đáp trả lệnh trục xuất vô cớ đối với một tham tán công sứ tại đại sứ quán chúng tôi ở Washington, dù ông ấy đang giữ hàm ngoại giao cấp cao", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17/2 cho biết.
Theo Zakharova, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm ngơ yêu cầu gia hạn thời gian công tác cho nhà ngoại giao Nga cho đến khi Moskva cử được người thay thế.
"Hậu quả là tham tán công sứ phải rời Mỹ trong khi chưa có người kế nhiệm. Điều này khiến vấn đề thiếu hụt nhân sự ở đại sứ quán Nga thêm nghiêm trọng. Tình trạng hiện nay là kết quả từ cuộc chiến thị thực do phía Mỹ khơi mào", bà nhấn mạnh.
Gorman là đại diện tại đại sứ quán Mỹ ở Nga, sau khi người tiền nhiệm từ chức năm 2019. Năm 2020, Gorman trở thành phó đại sứ. Đầu tuần này có thông tin cho rằng Gorman đã rời Moskva cùng gia đình từ hôm 10/2, trùng Ngày Ngoại giao của Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định thị thực ngoại giao của Gorman vẫn còn hiệu lực và mới ở Nga chưa đầy ba năm. Trong khi đó, những nhà ngoại giao Nga bị yêu cầu về nước thuộc diện thị thực đã quá ba năm.
"Nga buộc nhà ngoại giao Mỹ rời đi sớm hơn thời hạn ba năm rất nhiều, chỉ cho họ hai tuần chuẩn bị, mà lại gọi là hành xử tương tự. Hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng song phương gia tăng vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Mỹ và phương Tây cuối năm ngoái cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trong ba ngày qua, Nga thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập, song chưa công bố cụ thể quân số và lượng khí tài được rút về. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng "chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine". Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga - Ukraine đã giảm.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Thanh Danh (Theo TASS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét