Ngoại trưởng Đức cho rằng phe ly khai ở Ukraine đang hành động theo kịch bản Nga "dàn dựng" cái cớ để động binh mà Mỹ đã cảnh báo.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm nay nói chính phủ Ukraine những ngày qua không có động thái nào đáng nghiêm trọng đến mức phe ly khai phải tuyên bố sơ tán dân thường và phát lệnh tổng động viên.
Bà đồng thời cho rằng những phát ngôn từ lực lượng ly khai ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, trong 24 giờ qua đang diễn ra theo kịch bản Nga "dàn dựng" lý do để hợp thức hóa quyết định đưa quân vào nước láng giềng và khả năng này đã được nhiều bên cảnh báo từ lâu. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh các bên tránh để chiến sự nổ ra.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người tham dự cuộc họp với bà Baerbock hôm nay, tái khẳng định những diễn biến trong 24 - 48 tiếng qua "là một phần kịch bản Nga tạo vấn đề khiêu khích giả tạo, tự cho là cần phải phản ứng với mục tiêu tối thượng là hành động quân sự nhắm vào Ukraine".
Phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng G7 tại thành phố Munich của Đức, bà Baerbock cho rằng các bên "không thể phỏng đoán" trong bối cảnh khủng hoảng, song bà từ chối bình luận liệu Berlin có cùng quan điểm với Washington về khả năng Nga tấn công Ukraine hay không.
Nga hiện chưa phản hồi về những phát biểu trên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn chiến tranh và giới chức Washington liên tục cảnh báo Moskva có thể phát lệnh tấn công trong vài ngày nữa.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày nói rằng những cáo buộc từ phía Nga rằng quân chính phủ Ukraine phạm tội ác diệt chủng ở vùng Donbass là "ngớ ngẩn". Ông nhận định tương tự các đánh giá thời gian qua từ Mỹ rằng Nga đang đưa ra những tuyên bố vô căn cứ nhằm tạo cớ gây chiến.
Bộ Ngoại giao Nga phản pháo phát biểu của Thủ tướng Scholz là "không thể chấp nhận được" và chỉ trích giới lãnh đạo Đức "không được mang vấn đề diệt chủng làm trò đùa".
Giao tranh ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, leo thang đột ngột hai ngày qua. Quân chính phủ và lực lượng ly khai liên tục cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn, pháo kích gây nguy hiểm cho dân thường.
Mỹ và các thành viên NATO trước đó đã chuyển đến Ukrain nhiều vũ khí, lấy lý do lo ngại chiến tranh bùng phát vì phát hiện Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới và điều động đến các vị trí tối ưu cho kịch bản tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.
Nga ngày 16/2 nêu ra 5 bước giải quyết xung đột ở Donbass, trong đó có buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk và dừng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Nga còn kêu gọi phương Tây rút cố vấn quân sự và dừng mọi cuộc diễn tập giữa Ukraine với NATO, sau đó thu hồi toàn bộ khí tài nước ngoài được chuyển tới đây.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Trung Nhân (Theo Reuters, AFP, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét