Trung Quốc lên án những chỉ trích quốc tế về luật an ninh Hong Kong, nói rằng vấn đề đặc khu "không liên quan" đến các nước khác.
"Tại sao các người lại phản đối? Như người Hong Kong thường nói 'Các người bị gì vậy? Cái này liên quan gì tới các người cơ chứ?'. Thời kỳ người Trung Quốc phải chiều lòng kẻ khác đã qua rồi", Phó giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau Trương Hiểu Minh nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Tuyên bố được ông Trương đưa ra khi được hỏi về việc một số quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó với Trung Quốc vì áp đặt luật an ninh Hong Kong. Quan chức này tuyên bố đạo luật an ninh Hong Kong đơn thuần là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không chính phủ nước ngoài nào được can thiệp.
Nhiều chính phủ và nhà phê bình phương Tây cảnh báo luật an ninh Hong Kong được thông qua hôm 30/6 sẽ hạn chế các quyền tự do của thành phố và làm suy yếu mô hình quản lý "một quốc gia, hai chế độ".
Quan chức Trung Quốc khẳng định đã tham vấn rộng rãi người dân Hong Kong và phản bác những chỉ trích cho rằng luật an ninh mới đang phá hoại quyền tự chủ của Hong Kong.
"Nếu những gì chúng tôi muốn là một quốc gia một chế độ thì mọi việc sẽ rất đơn giản", Trương Hiểu Minh nói. "Chúng tôi hoàn toàn có thể áp đặt luật hình sự, tố tụng hình sự và luật an ninh quốc gia cũng như các luật quốc gia khác của đại lục với Hong Kong. Tại sao chúng tôi cần nỗ lực nhiều như vậy để xây dựng luật an ninh riêng cho Hong Kong?".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhiều nghị sĩ Mỹ khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. "Theo chỉ thị của Tổng thống, chúng tôi sẽ loại bỏ các chính sách miễn trừ giúp Hong Kong hưởng đối xử đặc biệt", Pompeo nói, trong khi thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi chính quyền xem xét "tất cả lựa chọn" nhằm tước bỏ những lợi ích Bắc Kinh được hưởng từ các đặc quyền kinh tế của Hong Kong.
Liên minh châu Âu (EU) nói luật có nguy cơ gây suy yếu nghiêm trọng mức độ tự trị cao của Hong Kong, đồng thời tác động tiêu cực đến sự độc lập tư pháp và pháp trị tại đặc khu, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng luật an ninh mới đã làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu.
Thượng viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật Cơ bản của Hong Kong. Thượng nghị sĩ Cotton hối thúc Hạ viện sớm thông qua phiên bản dự luật tương tự để sớm trình lên Tổng thống Donald Trump xem xét ký thành luật.
Tại buổi họp báo, Trương Hiểu Minh cũng lên án đề xuất trừng phạt của các nước. "Đối với một số quốc gia nói rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với quan chức Trung Quốc, tôi nghĩ đây là logic của kẻ cướp" , ông Trương nói.
Luật an ninh Hong Kong được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thông qua chiều 30/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7. Vài giờ sau khi ông Tập ký luật, chính quyền Hong Kong cũng thông qua và công bố chi tiết các điều khoản của luật mới.
Luật này hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Một thẩm phán New York tạm thời chặn xuất bản cuốn sách của cháu gái Trump, dự kiến được nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành trong tháng này.
Thẩm phán Hal B. Greenwald của Tòa án Tối cao bang New York hôm 30/6 ra phán quyết chặn xuất bản cuốn hồi ký "Quá nhiều và Không bao giờ đủ: Gia đình tôi tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào" của Mary Trump, cháu gọi Tổng thống Mỹ là chú ruột. Cuốn hồi ký dự kiến được phát hành ngày 28/7, theo nhà xuất bản Simon & Schuster.
Phán quyết này là chiến thắng pháp lý đầu tiên cho Robert S. Trump, em trai của Tổng thống. Robert Trump đã yêu cầu tòa của Mary Trump vì vi phạm thỏa thuận bảo mật liên quan đến việc chuyển giao gia sản của ông Fred Trump, cha của Tổng thống Mỹ.
"Robert Trump rất hài lòng với lệnh cấm của Tòa án tối cao New York đối với Mary Trump và Simon & Schuster", Charles Harder, luật sư của Robert Trump, cho biết trong một tuyên bố, đồng thời gọi hành động của Mary Trump và Simon & Schuster là "đáng trách".
Harder tuyên bố rằng ông mong sẽ có phán quyết quyết liệt hơn trong vụ kiện này. "Thiếu hành động khắc phục để chấm dứt ngay lập tức hành vi nghiêm trọng của họ, chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng", Harder nói.
Ted Boutrous, luật sư đại diện cho Mary Trump, cho biết phán quyết này "vi phạm hoàn toàn Tu chính án thứ nhất". "Chúng tôi sẽ lập tức kháng cáo", Boutrous nói. "Cuốn sách đề cập các vấn đề công chúng quan tâm và tầm quan trọng về một Tổng thống đương nhiệm trong năm bầu cử không nên bị cấm dù chỉ một ngày".
Jonathan Karp, giám đốc điều hành Simon & Schuster, nói rằng việc chặn xuất bản sẽ gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho công ty.
Cuốn sách dài 240 trang sẽ kể chi tiết những sự kiện Mary Trump chứng kiến khi ở nhà ông bà tại Queens thời thơ ấu, nơi Trump và bốn anh chị em của ông trưởng thành. Mary, 55 tuổi, cũng dự kiến tiết lộ bà là người cung cấp tin chính cho cuộc điều tra của New York Times về các tài liệu thuế bí mật của Trump.
Mary Trump là con gái của Fred Trump Jr., anh trai của Tổng thống Mỹ, người đã qua đời năm 1981. Bà ít xuất hiện trước công chúng, ngoại trừ những ồn ào liên quan đến bất hòa với gia đình ông nội. Cha của Tổng thống Mỹ đã qua đời năm 1999.
Nội dung cuốn sách của Mary cũng kể chi tiết về người chú của mình trong vị trí con trai cưng của ông Fred Trump. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ phải đối mặt với những thông tin có thể gây bất lợi được đưa ra từ một thành viên trong gia đình.
"Nỗ lực của nó nhằm giật gân và làm sai lệch mối quan hệ gia đình của chúng tôi vì lợi ích tài chính, vừa là trò hề vừa là sự bất công đối với ký ức về cha mẹ kính yêu của chúng tôi", Robert nói sau khi yêu cầu tòa án ở New York chặn cuốn sách. "Tôi và các thành viên còn lại của gia đình rất tự hào về Tổng thống, người anh trai tuyệt vời của tôi, và cảm thấy hành động của Mary thực sự là nỗi ô nhục".
Cơn đau đầu của HLV Park Hang-seo về nhân sự cho hàng công đội tuyển Việt Nam ngày một nặng nề khi nhìn vào bức tranh ở V-League.
Chỉ bốn bàn thắng trong tổng số 15 bàn của vòng 7 được ghi bởi các tiền đạo nội, tỷ lệ là 26%. Vòng 6 trước đó, tỷ lệ chỉ là 33%.
Sau hai trận liền "nổ súng", Công Phượng "tịt ngòi" ở trận đấu thứ ba, và TP HCM lại có trận không thắng - bị Đà Nẵng hôm 29/6. Đây có thể không phải là vấn đề quá nghiêm trọng của HLV TP HCM Chung Hae-seung, vì ít ra trong tay ông vẫn có những cầu thủ ngoại. Nhưng câu chuyện của Công Phượng lại cho thấy điểm yếu bao lâu nay của bóng đá Việt Nam chẳng thay đổi.
Trước Đà Nẵng, HLV Chung Hae-seung để Phượng đá 58 phút, sau đó "giở bài cũ" đưa Xuân Nam vào sân để hy vọng cái duyên ghi bàn của "siêu dự bị" sẽ giúp TP HCM tạo đột biến. Mọi thứ vẫn chẳng khá hơn. Kể từ khi V-League trở lại, Xuân Nam không hề ghi bàn, dù đá dự bị hay xuất phát từ đầu. "Kép chính" trong trên sân Thống Nhất vẫn là các ngoại binh. Với các tiền đạo nội, có vẻ khi bị bắt bài, họ dễ rơi vào trạng thái bế tắc, chịu trận. Ngược lại, với các ngoại binh, nhờ thể lực và chiều cao, mỗi cá nhân có thể tạo ra đột biến và gợi mở nhiều phương án để giúp HLV giải quyết trận đấu.
Trong danh sách ghi bàn hiện nay của V-League, ở top 10 chân sút, chỉ có duy nhất một nội binh. Đó là Phan Văn Long của Đà Nẵng, đội đang sở hữu Hà Đức Chinh - tiền đạo mới ghi một bàn dù được HLV Lê Huỳnh Đức tạo điều kiện ra sân liên tục gần đây. Đà Nẵng lại là đội sở hữu nhiều bàn thắng nhất giải. Nếu mở rộng danh sách, trong 20 chân sút hàng đầu, chỉ năm cầu thủ Việt, chiếm tỷ lệ 25%.
Không có gì mô tả một cách chân thực nhất thực trạng khan hiếm tiền đạo nội ở -V-League bằng chính trận ngay sân Hàng Đẫy. Người ghi bàn duy nhất của trận đấu cho Sài Gòn là một cầu thủ ngoại, đến từ một tình huống khó, sút xa. Ngược lại, chân sút nội hàng đầu của Hà Nội - Nguyễn Văn Quyết - lại thất bại ở tình huống dễ dàng hơn nhiều, với cú sút phạt đền đưa bóng lên trời. Chừng đó đủ thấy vai trò của ngoại binh quan trọng thế nào trong việc quyết định kết quả của trận đấu, cũng như sinh mệnh của đội bóng.
Một ví dụ khác là HAGL - đội mới ghi ba bàn từ khi V-League tái đấu đến nay. Những người yêu quý CLB này có thể phiền trách các đối thủ của họ đã chơi bóng quá rắn, như trong trận tại vòng 7, khiến cho những phẩm chất về kỹ thuật của HAGL không có chỗ để phát huy. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chỉ gặp các đối thủ rắn như vậy, những gì hay nhất của một đội bóng tấn công mới phát lộ được. Nếu đối phương không cho bạn chơi bóng, thì bạn lại càng phải phát huy tối đa điểm mạnh của bản thân là tấn công. Nên khi HAGL cứ đá mãi mà không thể ghi bàn, khái niệm "bóng đá tấn công" vốn dành cho họ cần phải được suy xét lại. Trong đội tuyển của HLV Park Hang-seo, các cầu thủ được gọi lên từ HAGL chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu về bàn thắng. Họ không thành công, thầy Park hẳn cũng chẳng vui vẻ gì.
V-League không phải là mảnh đất màu mỡ cho các chân sút. Lối chơi thực dụng đang là một lựa chọn hàng đầu trong cuộc đua ngày càng khốc liệt. Sài Gòn FC, đội đang bất bại và đứng nhì bảng, chỉ ghi được tám bàn qua bảy trận, nhưng họ chỉ mới nhận ba bàn thua. Cựu HLV Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Công, khi về làm việc tại Thanh Hóa, đã tạo ra những thay đổi toàn diện với 10 điểm sau bốn trận liên tục bất bại, trong đó có đến ba chiến thắng. Bí quyết thành công của ông? Rất đơn giản: chỉ thủng lưới một bàn duy nhất, trong khi chỉ ghi có bốn bàn. Như vậy, nếu chuyện thành - bại của V-League liên quan đến số bàn thua hơn là số bàn thắng, thì các chân sút nội sẽ khó có cơ hội thể hiện bản thân, chưa nói đến việc họ phải tranh đua vị trí ra sân với ngoại binh.
HLV Park Hang-seo phiền lòng... cũng đành chịu. Thể thức thi đấu mới, theo lý giải của Chủ tịch kiêm HLV đội Sài Gòn Vũ Tiến Thành, buộc các đội bóng phải lựa chọn sự thực tế, nhằm tồn tại trước đã. Nếu Sài Gòn tiếp tục không thua, họ có thể đứng trong nhóm tám đội đầu bảng để đá giai đoạn hai tranh chức vô địch. Khi đó, không còn lo trụ hạng, có muốn chơi "tất tay" hoặc phiêu lưu một chút cũng chẳng ảnh hưởng gì. Quan điểm đó đã giúp Sài Gòn đánh bại lần lượt hai ứng cử viên được xem có hàng công mạnh nhất - TP HCM rồi Hà Nội - ngay trên sân khách.
Ngược lại, với Hà Nội, dù thiếu vắng hàng loạt trụ cột ở hàng phòng ngự vì chấn thương, vấn đề lớn nhất của họ không phải là số bàn thua, mà là năng lực ghi bàn bị giảm đi quá nhiều. Hiện nay Hà Nội chỉ mới lọt lưới tám bàn, tỷ lệ là 1,2 bàn mỗi trận, như vậy là quá ít so với chính họ, khi mà các mùa trước, trung bình họ thủng lưới đến 1,5 bàn mỗi trận. Nhưng nếu mùa 2018, họ ghi trung bình 2,7 bàn mỗi trận, mùa 2019 là 2,3 bàn mỗi trận, thì sau bảy vòng của V-League 2020, tỷ lệ này chỉ là 1,4 bàn mỗi trận.
Hà Nội từng bất lực suốt cả hiệp hai trong trận thua SLNA ở vòng 5. Còn trong trận thua Sài Gòn, ngoài tình huống đá phạt đền bị hỏng của Văn Quyết, gần như nhà vô địch không tạo ra nhiều những cơ hội nguy hiểm tương tự. Một đội bóng có hàng công như Hà Nội mà bị hóa giải quá dễ dàng trước các đội chủ động đá phòng ngự, thì đó là tín hiệu xấu cho khâu tìm kiếm tiền đạo của HLV Park Hang-seo.
Thầy Park có thể lo, nhưng nếu nhìn toàn cục, thì V-League đang hấp dẫn hơn nhiều. Các đội bóng chơi thực dụng có các kết quả thuận lợi ở đầu giải, nhưng trong cuộc đua đường dài, họ sẽ không thể cứ an toàn mãi. SLNA là ví dụ. Họ vừa nhận trận thua thứ hai liên tiếp với ba bàn thủng lưới, trong khi số bàn thắng thì vẫn là bốn, kém nhất giải. Không nằm ngoái dự báo, SLNA có nguy cơ càng đá càng tụt dần xuống dưới nếu không cải thiện được khâu ghi bàn.
Nam Định - đội vừa đánh bại SLNA - chính là sự tương phản. Trước vòng 7, Nam Định xếp chót bảng nhưng không ai đánh giá thấp đội bóng đang sở hữu Đỗ Merlo, tay săn bàn vĩ đại của lịch sử V-League. Dàn ngoại binh của Nam Định chẳng thua kém ai, trong khi tập thể cầu thủ nội thì chơi chung với nhau từ lâu. Vấn đề của Nam Định có thể nằm ở HLV Nguyễn Văn Sỹ. Nhà cầm quân này có một cái "dớp" không tốt khi ngồi ghế HLV. Ông từng cầm quân trong mùa giải đội Vissai Ninh Bình... giải thể. Đến làm ở đội Xuân Thành Hà Tĩnh, thì đội này cũng... xóa tên, chuyển hộ khẩu vào TP HCM hồi năm 2010.
Dù là người đứng sau mọi thành công của đội bóng quê hương Nam Định, khi đăng ký ông Sỹ làm HLV chính thức, thì đội có chơi tốt, vẫn phải nhận kết quả rất tệ. Sau khi giúp đội nhà thắng trận play-off trụ hạng ở mùa 2018, từ đó đến nay, cứ mỗi lần đội có thành tích quá kém, thì ông Sỹ phải "hy sinh" vị trí để "đổi vận" cho đội bóng. Năm ngoái, phải nhờ ông Sỹ chuyển ghế cho người anh Nguyễn Văn Dũng, Nam Định mới dễ dàng trụ hạng cuối mùa. Năm nay, chỉ vừa mới thay HLV, Nam Định đã thắng tưng bừng 3-0 trước SLNA. Người được chỉ định "thế vai" cho ông Sỹ là trợ lý Phạm Hồng Phú, ông này cũng từng làm điều tương tự ở mùa 2017, nhờ thế mà Nam Định mới thăng hạng V-League dù chính ông Nguyễn Văn Sỹ mới là kiến trúc sư.
Thay tướng, đổi vận. Chỉ cần một trận thắng, Nam Định đã thay đổi trạng thái nhanh chóng. Giá trị của việc ghi bàn, của những trận thắng bao giờ cũng quan trọng nhất trong các cuộc đua đường dài. Với thực lực của mình, Nam Định có thể cải thiện thứ tự trong sáu vòng còn lại của giai đoạn một. Ngược lại, những SLNA, HAGL hay Hải Phòng, Hà Tĩnh, dù ít thua, vẫn dễ đi vào vùng nguy hiểm.
TP HCMTheo các chuyên gia, Thành phố phía Đông cần được chính sách đặc thù để phát triển hiệu quả như mô hình Phố Đông (Thượng Hải) hay Gangnam (Seoul).
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - lý giải việc Trung ương nên cho TP HCM thí điểm cơ chế đặc thù ở bởi nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thành phố mới này rất lớn. Do đó phải có cơ chế thoáng với những giải pháp phù hợp để thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách, TP HCM mất nhiều thời gian mới có thể triển khai đề án.
Ngoài việc Thành phố phía Đông cần có một quy hoạch tổng thể, TP HCM phải lên lộ trình cụ thể như: thời gian xây dựng, nhu cầu vốn mỗi năm, hiệu quả kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách cho thành phố... "Không phải cứ nhập 3 quận sẽ mang lại hiệu quả mà còn nhiều việc phải làm để thành phố mới đóng góp trở lại cho TP HCM", ông Sơn nói.
Năm ngoái, theo ông Sơn, khi tổ chức cuộc thi thiết kế Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông, thành phố chỉ mới đặt vấn đề phát triển khu đô thị chứ chưa đề cập lập thành phố. Đề bài lúc đó đưa ra chỉ tập trung vào một số khu đất có thể phát triển dự án. Dựa vào đây các đơn vị tư vấn đã đề xuất trong 212 km2 chứ chưa bao trùm hết diện tích 3 quận.
Do đó với đề án Thành phố phía Đông, việc quy hoạch phải nâng lên tầm cao mới so với kết quả đạt được trong cuộc thi năm ngoái hàng chục lần. Vì lúc này không phải nghiên cứu cho một khu đô thị nữa mà cho cả một Thành phố rộng 212 km2 với hơn một triệu dân. Sáu khu đô thị ở phía Đông sẽ là động lực chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu.
"Việc xây dựng Thành phố phía Đông sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) thành phố tăng rất nhiều. Nhưng để thực hiện được cần có cách tiếp cận mới và những giải pháp phù hợp cho đề án tham vọng thế này", ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, đề xuất xây dựng Thành phố phía Đông mang tầm chiến lược quốc gia. Nếu đề án triển khai thành công góp phần giải quyết hai vấn đề có tính chiến lược của Việt Nam: tạo làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng an ninh quốc phòng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.
"Đây là thời điểm phù hợp triển khai đề án vì xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc do tác động của Covid-19 sẽ làm cho tiến trình này xảy ra nhanh hơn và TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về sự đột phá đang mong muốn lấy lại vị thế của mình", ông Du nói.
Từ kinh nghiệm triển khai những mô hình tương tự trên thế giới, nhất là Gangnam (phía Nam sông Hàn) ở Seoul, Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Du cho rằng Thành phố phía Đông cần được xem là dự án trọng điểm quốc gia với các cơ chế đặc biệt liên quan đến việc mở cửa ra bên ngoài, lựa chọn các đối tác chiến lược và trao quyền tự chủ cần thiết để TP HCM phát huy được khả năng, tiềm lực vốn có.
"Đây là sáng kiến tầm vóc và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của quốc gia nên Trung ương cần giao cho TP HCM để có thể triển khai thành công", ông Du nói và cho rằng lúc này TP HCM cần có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ thông tin để chứng minh đề án hiệu quả.
Về tổ chức bộ máy hành chính cho Thành phố phía Đông trong tương lai, theo TS Ngô Viết Nam Sơn, thay vì sáp nhập 3 quận thành một thành phố thì TP HCM nên giữ lại 3 quận và 3 quận này sẽ thuộc Thành phố phía Đông. Phương án này phù hợp với mô hình đô thị thông minh mà thành phố đang thực hiện với cách quản lý hành chính hiện đại.
"Thành phố phía Đông nhỏ hơn cấp tỉnh, thành nhưng phải lớn hơn cấp quận chứ không thể xem nó ngang hàng với các quận khác. Đề án xây dựng Thành phố phía Đông của TP HCM rất giống với Phố Đông của Thượng Hải", ông Sơn nói và cho rằng Phố Đông là mô hình TP HCM có thể tham khảo.
Theo đó, khi phát triển Phố Đông, Thượng Hải chọn cơ chế hành chính mới gọi là Phó tỉnh - thấp hơn tỉnh nhưng cao hơn quận vì trong Phó tỉnh vẫn có nhiều quận. Phó tỉnh chịu sự quản lý của tỉnh (Phố Đông chịu sự quản lý của TP Thượng Hải) và Thành phố phía Đông chịu sự quản lý của TP HCM. Với phương án này, trong Thành phố phía Đông vẫn có 3 quận.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền Thành phố phía Đông phải ngang cấp với Phó chủ tịch UBND thành phố, giống như Thị trưởng Phố Đông ngang cấp với Phó chủ tịch Thượng Hải. Điều này rất cần thiết vì với một thành phố mới có quy mô lớn, hiện đại, người đứng đầu phải cao hơn giám đốc sở mới có thể chỉ đạo thông suốt.
"Nếu lãnh đạo Thành phố phía Đông chỉ ngang cấp quận, tôi nghĩ đề án này khó thành công", ông Sơn nói.
Ông Đỗ Văn Đạo, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho rằng, đề nghị thành lập Khu đô thị sáng tạo và Thành phố phía Đông ở thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi về cơ sở pháp lý so với năm 2013. Bởi xét về mặt hành chính trước năm 1997, 3 quận trong đề án vốn là một đơn vị hành chính cấp huyện Thủ Đức. Về mặt lịch sử, người dân 3 quận hiện nay và huyện Thủ Đức vốn có truyền thống đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
"Khó khăn nằm ở chỗ sẽ có tâm lý lo lắng về tương lai của đội ngũ cán bộ, công chức sau khi 3 quận sáp nhập", ông Đạo nói.
Để thực hiện được mục tiêu như yêu cầu đặt ra, thành phố cần đề xuất Trung ương được thực hiện những quyền tự chủ trong khuôn khổ mô hình chính quyền đô thị được luật hóa tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
Đồng thời, TP HCM trong thẩm quyền của mình sẽ thể chế hóa những cơ chế để phân cấp, ủy quyền cho chính quyền và lãnh đạo Thành phố phía Đông. Người đứng đầu được chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý đô thị, đầu tư, phát triển kinh tế, kinh doanh... nhằm phục vụ tốt nhất doanh nghiệp và người dân.
Đề án Thành phố phía Đông (diện tích 212 km2) tương đương quy mô phát triển quận Gangnam ở cuối thập niên 1960 và bằng nửa quy mô Phố Đông vào đầu thập niên 1990. Gangnam hiện có nhiều công ty lớn trên thế giới đặt trụ sở và là trung tâm đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc. Còn Phố Đông giờ thành niềm tự hào và là nhân tố tạo dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Quy mô GDP năm 2019 của Phố Đông gần 185 tỷ USD, bằng 50% Singapore, 70% Việt Nam, và gấp 3 lần TP HCM.
Theo TS Huỳnh Thế Du, so với thời điểm Gangnam và Phố Đông được bắt đầu, đề án Thành phố phía Đông hiện thuận lợi hơn về hạ tầng và điều kiện kết nối: diện tích đất đai để phát triển dự án được sẵn sàng; những điều kiện cơ bản cho trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm đã có và khu công nghệ cao tạo được vị thế của mình.
"Phía Nam sông Hàn vào thập niên 1960 là vùng đất nông nghiệp trồng bắp cải và lê, rất ít người sinh sống, nhưng sự thành công của Gangnam cho thấy chiến lược đúng đắn của Hàn Quốc nói chung, Seoul nói riêng trong việc tạo ra kỳ tích sông Hàn", ông Du nói.
Tương tự, tại Trung Quốc, ngay từ khi triển khai, do tầm quan trọng đặc biệt nên Phố Đông được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Quy hoạch của Phố Đông gồm bốn cấu phần chính: trung tâm tài chính thương mại, khu công nghệ cao, khu chế xuất và khu thương mại tự do. Trong đó, trung tâm tài chính và khu công nghệ cao là các điểm nhấn quan trọng nhất.
Theo ông Du, sự năng động sáng tạo và quyết tâm của chính quyền Thượng Hải lẫn Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố đem lại thành công cho Phố Đông. Từ một vùng đất nghèo và lạc hậu nằm bên con sông Hoàng Phố, Phố Đông trở thành trung tâm tài chính, thương mại, chuyển giao công nghệ, thu hút nhân tài... của khu vực và thế giới.
Ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị mệt và gục xuống bàn trong giờ làm việc, được chuyển ra Đà Nẵng cấp cứu trong đêm.
Sáng 1/7, một lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi xác nhận ông Phạm Thanh Tùng đột quỵ trong lúc làm việc, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu chiều 30/6, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thanh Tùng lúc 22h ngày 30/6, trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp cao, rối loạn thân nhiệt, suy hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu.
Các bác sĩ đã tập trung hồi sức đặc biệt cho bệnh nhân, đồng thời nhiều lần hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị. Qua chẩn đoán, bệnh nhân bị xuất huyết não, đang phải thở máy, tiên lượng xấu.
Bệnh viện Đà Nẵng có đầy đủ năng lực điều trị cho các ca bệnh xuất huyết não. Tuy nhiên theo một bác sĩ tham gia hội chẩn, việc cứu chữa cho ông Tùng còn phụ thuộc vào vị trí và thể tích của khối xuất huyết.
Chiều hôm qua, khi đang làm việc ở trụ sở Tỉnh ủy, ông Tùng cảm thấy mệt nên báo với nhân viên, sau đó gục xuống bàn làm việc. Nhân viên đã gọi xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện.
Ông Tùng giữ chức Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ cuối 2019. Trước đó, ông làm Chủ tịch huyện Mộ Đức, sau đó làm Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy. Tuần trước, ông Tùng cùng các lãnh đạo khác của Tỉnh ủy dự đại hội đảng bộ huyện Ba Tơ.
Hơn 2.100 công an và lính biên phòng Trung Quốc diễn tập chống khủng bố và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tại 4 địa phương.
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc cho biết cuộc diễn tập diễn ra hôm qua tại bốn địa điểm gồm thành phố Thượng Hải ở phía đông, tỉnh Cát Lâm ở đông bắc, tỉnh Vân Nam ở tây nam và khu tự trị Tân Cương ở phía tây. Máy bay không người lái (UAV) và chó nghiệp vụ được sử dụng trong diễn tập.
Các cuộc diễn tập nhằm kiểm tra khả năng đối phó với hành vi vượt biên, tấn công khủng bố, tội phạm xuyên biên giới, tụ tập phá hoại quy mô lớn cùng cấp cứu tại các khu vực biên giới và điểm kiểm soát xuất nhập cảnh. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc cho biết đây là cuộc diễn tập lớn nhất từ khi cơ quan này được thành lập năm 2018.
Video cuộc diễn tập cho thấy lực lượng biên phòng đối phó với những kẻ tấn công mang bom xăng tại Tân Cương, ứng phó với khủng hoảng con tin tại Vân Nam, khống chế và bắt một kẻ tấn công ẩn náu trong nhà tại Cát Lâm và xử lý ẩu đả tại trạm kiểm soát xuất nhập cảnh ở Thượng Hải.
Wang Chuan, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar tại Trung Quốc, cho biết địa điểm diễn ra các cuộc diễn tập phù hợp với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mà Trung Quốc phải đối mặt trong những năm gần đây, như nguy cơ tấn công của các lực lượng ly khai ở Tân Cương.
"Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể bao gồm nguy cơ bùng phát hoặc leo thang xung đột ở khu vực dọc theo biên giới Trung Quốc, người nhập cư vượt biên quy mô lớn và khủng hoảng tị nạn", Wang Chuan nói.
Các cuộc diễn tập diễn ra sau khi Bộ Công an Trung Quốc ban hành hướng dẫn yêu cầu lực lượng công an tổ chức diễn tập cải thiện khả năng duy trì trị an và ổn định.
Ngoại trưởng Pompeo và nhiều nghị sĩ Mỹ thể hiện sự bất bình khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trump hành động.
"Mỹ sẽ không ngồi yên khi Trung Quốc nuốt chửng Hong Kong vào sự độc đoán của mình", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/6 ra tuyên bố, sau khi Trung Quốc phê chuẩn Đạo luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong. "Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với những người yêu tự do ở Hong Kong".
Pompeo nói thêm rằng "hôm nay là một ngày buồn" và khẳng định Mỹ sẽ đối phó với "sự công kích của Bắc Kinh vào quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp cũng như pháp trị" của Hong Kong.
"Theo chỉ thị của Tổng thống Trump, chúng tôi sẽ loại bỏ các chính sách miễn trừ giúp Hong Kong hưởng đối xử đặc biệt với một vài ngoại lệ", Pompeo cho biết thêm.
Marsha Blackburn, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đồng thời là thành viên Ủy ban Thương mại và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng viết trên Twitter rằng "chúng tôi sẽ không đứng yên".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton chung quan điểm này, cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc phải "đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng". Ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét "tất cả lựa chọn" nhằm tước bỏ những lợi ích Bắc Kinh được hưởng từ các đặc quyền kinh tế của Hong Kong.
Tuyên bố của Ngoại trưởng và các thượng nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thông qua luật an ninh Hong Kong. Vài giờ sau khi ông Tập ký luật, chính quyền Hong Kong cũng thông qua và các điều khoản của luật mới.
Luật này hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Thượng viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật Cơ bản của Hong Kong. Thượng nghị sĩ Cotton hối thúc Hạ viện sớm thông qua phiên bản dự luật tương tự để sớm trình lên Tổng thống Donald Trump xem xét ký thành luật.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết trong một tuyên bố rằng quốc hội đã thống nhất ủng hộ tự do, công lý và tự chủ thực sự cho người dân Hong Kong, đáp lại lời kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm với luật an ninh.
Mỹ hôm 29/6 đã thông báo lệnh xuất khẩu sản phẩm quốc phòng sang Hong Kong. Washington cũng thực hiện các bước ngừng xuất khẩu công nghệ có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự sang đặc khu hành chính này.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã về luật an ninh mới. Nhật cho biết "" về luật an ninh, trong khi Anh cảnh báo sẽ xác định luật có vi phạm tuyên bố chung hay không, từ đó đưa ra các bước phản ứng tiếp theo.
Liên minh châu Âu (EU) lo ngại luật có thể tác động tiêu cực đến sự độc lập tư pháp và pháp trị tại đặc khu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cho rằng luật an ninh mới đã làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đã đánh giá thấp phản ứng toàn cầu với luật an ninh Hong Kong, khi nhận định thế giới sẽ bị phân tâm bởi đại dịch và suy thoái kinh tế.
"Họ đã tính toán sai", Ho-Mush Hung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, cho hay. "Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, sẽ phản ứng khá nghiêm túc về điều này. Họ sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá khá lớn và gây tổn hại cho nền kinh tế, phát triển công nghệ cao và tài chính của Trung Quốc cũng như một số rắc rối trong những năm tới".
Từ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Wu Jun, một người làm nghề chuyển phát nhanh, càng cẩn thận hơn khi đi làm.
Wu luôn mang theo một chai nước khử trùng trên chiếc xe máy điện của mình, vệ sinh hai bàn tay sau mỗi lần giao hàng và cố hết sức không chạm tay lên mặt. Nhưng khi tin tức về một người đồng nghiệp giao hàng cho nền tảng gọi đồ ăn trực tuyến Ele.me nhiễm Covid-19 được công bố hôm 23/6, Wu "cảm thấy vô cùng hoang mang".
"Dù chúng tôi không phải giao nhiều đơn như những người làm nghề giao đồ ăn, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp xúc với rất nhiều người", Wu nói.
Anh là một trong 100.000 người làm nghề giao hàng, từ giao đồ ăn, tạp hóa, tới những người giao hàng hóa đặt mua trên các nền tảng trực tuyến, phải xét nghiệm axit nucleic kiểm tra nCoV. Đây là cách mà Kong, người giao đồ ăn trên nền tảng Ele.me, bị phát hiện nhiễm nCoV.
Kong, 47 tuổi, giao tới 50 đơn hàng mỗi ngày trong quận Phong Đài ở Bắc Kinh. Phong Đài là tâm điểm chú ý khi đợt bùng phát thứ hai đều liên quan tới chợ đầu mối nông sản ở quận này.
Sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hôm 11/6, Bắc Kinh ghi nhận hơn 300 ca nữa liên quan tới Tân Phát Địa và hàng chục ca liên quan ở những tỉnh khác, từ tỉnh lân cận Hà Bắc tới tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc, cách Bắc Kinh hơn 400 km.
Chính quyền Bắc Kinh nỗ lực để thành phố không bị phong tỏa toàn diện, nhưng đã cho cách ly một số quận nội thành, đồng thời yêu cầu một số nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao phải xét nghiệm, bao gồm nhân viên chợ, người xử lý thực phẩm và giao hàng.
Giới chức hôm 28/6 cho hay đã lấy mẫu của 8,2 triệu người dân và xử lý được 7,6 triệu mẫu. Một lần nữa bị yêu cầu phải ở yên trong nhà, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang Internet để đáp ứng nhu cầu mua sắm và ăn uống, dựa vào đội quân giao hàng tận nhà.
Trường hợp của Kong gây hoang mang khi nhiều người tự hỏi liệu mình có thể bị lây qua tiếp xúc với gói hàng không. Chủ đề này cũng liên tục gây sốt trên mạng truyền thông xã hội.
Nhưng nhiều bình luận nhanh chóng bị dập tắt, giống như những vấn đề nhạy cảm từng bị đưa ra thảo luận trước đây. Trong lúc Trung Quốc cố phục hồi ảnh hưởng của Covid-19, chính phủ đang khuyến khích người tiêu dùng trong nước hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế và trọng tâm là thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đa phần những gì người dùng mạng thảo luận xoay quanh chuyện Kong phải làm việc 16 giờ một ngày và vất vả mà ông đã trải qua.
"Làm việc 16 tiếng một ngày, kiếm sống thật không dễ dàng", một người bình luận trên Weibo. "Mong ông chóng khỏe".
Ngoài ra, còn có những trấn an từ quan chức y tế rằng việc đặt mua đồ ăn mang đi và mua sắm trực tuyến vẫn tương đối ăn toàn, nhắc nhở người dân Bắ Kinh tiếp tục giữ gìn vệ sinh tốt, lựa chọn giao hàng không tiếp xúc và rửa tay ngay sau khi mở gói giao hàng.
"Trong khi chính phủ đang kêu gọi thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đa số mọi người lại muốn chúng tôi giao đồ ăn tới tận cửa từ khi các khu dân cư mở cửa lại", Feng Yisheng, một nhân viên giao hàng làm việc cho một nền tảng lớn, nói.
"Nếu chúng tôi không đồng ý, sẽ bị đánh giá kém và ảnh hưởng tới công việc", ông nói thêm.
Không giống Wu, người giao những mặt hàng như tài liệu, hàng hóa đóng gói trên phạm vi toàn thành phố, Feng chủ yếu giao các đơn đồ ăn và tạp hóa trong phạm vi nhỏ.
"Nhận 50 đơn một ngày là chuyện bình thường vì chúng tôi cần làm đủ chỉ tiêu. Tôi không nói dối, công việc này rất vất vả. Nếu thạo nghề khác, tôi đã không làm việc này", Feng bày tỏ.
Truyền thông Trung Quốc công bố video binh sĩ đồn trú tại Hong Kong diễn tập lục soát tàu, bắt người chạy trốn vào ngày thông qua luật an ninh.
Video dài hai phút được CCTV công bố hôm qua, cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký phê chuẩn quốc gia, quay cảnh các binh sĩ đồn trú tại Hong Kong dùng trực thăng tìm kiếm cứu nạn trên biển, điều xuồng cao tốc chặn và lục soát một con tàu, đổ bộ xuống đảo để truy lùng và bắt người đào tẩu lẩn trốn trên đó.
Cuối video là hình ảnh các binh sĩ Trung Quốc sử dụng tàu chiến, trực thăng tuần tra trên biển và trên không tại khu vực cảng Victoria của Hong Kong sau cuộc diễn tập.
Cuộc diễn tập nhằm "kiểm tra toàn diện khả năng phòng thủ của lực lượng đồn trú tại Hong Kong", CCTV đưa tin. "Mục tiêu của chúng tôi là phát hiện kẻ chạy trốn ngay từ đầu và chặn bắt nghi phạm", một binh sĩ Trung Quốc nói trong video.
CCTV cho biết các binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong cam kết "bảo vệ 'một quốc gia, hai chế độ'", hệ thống nhằm "đảm bảo an ninh và hòa bình tại Hong Kong".
Lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong tổ chức nhiều cuộc diễn tập từ khi biểu tình bùng phát tại đặc khu giữa năm 2019. Các cuộc diễn tập này được coi là lời cảnh báo dành cho "những kẻ có ý đồ ly khai".
Tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc ngày 28/6 cũng công bố video lính bắn tỉa tham gia bắn đạn thật và huấn luyện tại một thao trường ở Hong Kong. Buổi diễn tập có hình thức giống cuộc thi bắn súng, các binh sĩ tập bắn mục tiêu cố định và di chuyển với các loại súng trường bắn tỉa khác nhau. Một sĩ quan chỉ huy cho biết buổi tập nhằm chuẩn bị cho tình huống "thực chiến" của các xạ thủ.
có hiệu lực từ 23 giờ đêm qua, hình sự hóa 4 tội danh gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia. Người vi phạm có thể bị kết án chung thân, các vụ án "phức tạp" sẽ do cơ quan an ninh quốc gia của đại lục tiếp quản và tiến hành quy trình tố tụng.
Triều Tiên đăng ký với Liên Hợp Quốc thương hiệu Khách sạn Masikryong, ngoại ô thành phố Wonsan, nhằm thúc đẩy ngành du lịch.
Hồ sơ trực tuyến của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đã đăng ký sở hữu độc quyền thương hiệu "Khách sạn Masikryong" trong thời hạn 10 năm.
Động thái đăng ký thương hiệu cho khách sạn nằm trong khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cùng tên trị giá 35 triệu USD tại thành phố duyên hải Wonsan được coi là một phần trong nỗ lực thu hút du khách tới Triều Tiên.
Theo Korea Herald, Bình Nhưỡng có thể đã đăng ký thương hiệu từ ngày 2/4 vì du lịch là một trong số ít lĩnh vực của Triều Tiên không chịu đòn trừng phạt từ Liên Hợp Quốc về chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào khách du lịch quốc tế cho nguồn thu ngoại tệ chính, sau khi các hoạt động xuất khẩu bị lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc ngăn cản.
Tuy nhiên, nguồn thu này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi đại dịch toàn cầu Covid-19 buộc Triều Tiên đóng biên với Trung Quốc, đồng minh duy nhất và cũng là nguồn du khách chính tới nước này.
Các quan chức hy vọng động thái đăng ký thương hiệu sẽ thúc đẩy du khách quan tâm tới khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, dự án rất được Chủ tịch Kim Jong-un quan tâm.
Khu nghỉ dưỡng Masikryong bao gồm 10 sườn dốc trượt tuyết với độ khó khác nhau, cũng như xe trượt tuyết, sân trượt băng và hệ thống cáp treo do Áo sản xuất. Khách sạn cùng tên trong khu nghỉ dưỡng có 120 phòng nghỉ, hồ bơi, quầy bar, quán cà phê và cả những cửa hàng kiểu phương Tây.
Du lịch là một trong những lĩnh vực đầu tư mới ở Bình Nhưỡng khi nước này cố hướng đến những nguồn thu không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các du khách nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc.
Đa phần người Mỹ không hài lòng với hiện trạng, không tán thành cách Trump làm việc, nhưng ủng hộ chính sách kinh tế của ông, theo khảo sát của Pew.
Cuộc khảo sát trực tuyến mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington, Mỹ, cho thấy gần 9/10 người Mỹ được hỏi nói rằng họ không hài lòng với tình trạng đất nước hiện nay, và điều này ảnh hưởng đến quyết định về chính trị của họ khi nước Mỹ chỉ còn 4 tháng nữa là bầu cử tổng thống.
Chỉ có 17% người Mỹ cho biết họ "tự hào" về nước Mỹ, trong khi 71% cho hay họ cảm thấy giận dữ và 66% thấy sợ hãi. 12% người Mỹ hài lòng với đường hướng của đất nước, ít hơn nhiều so với tỷ lệ 31% trong cuộc khảo sát hồi tháng 4. 87% cho hay họ giờ đây không hài lòng với đất nước.
Khoảng 54% cử tri đăng ký ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và 44% ủng hộ Trump. Tỷ lệ tán thành cách việc làm của Trump giảm còn 39%, so với 44% hồi tháng 4, trong khi số người không tán thành là 59%.
Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ tham gia khảo sát cho rằng Trump có khả năng xử lý vấn đề kinh tế tốt hơn so với Biden. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay do đại dịch Covid-19, Trump vẫn dẫn Biden ba điểm phần trăm về khả năng điều hành nền kinh tế, tương ứng 51% và 48%.
Biden lại được ủng hộ hơn trong các lĩnh vực khác, như khả năng xử lý các vấn đề thực thi pháp luật, tư pháp, chính sách đối ngoại, dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và đoàn kết nước Mỹ.
Trump bị đánh giá thấp nhất trong khả năng đưa đất nước xích lại gần nhau, khi chỉ 31% cử tri bày tỏ tin tưởng vào Tổng thống trong vấn đề này.
Kết quả thăm dò của Pew tương tự với kết quả các cuộc thăm dò của một số đơn vị truyền thông trong tuần qua, cho thấy ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden đang dẫn trước Trump. Một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College công bố hôm 29/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden cao hơn 14 điểm phần trăm so với Trump trên toàn quốc. Một cuộc thăm dò khác của Fox News công bố vài ngày trước đó cho thấy Biden cũng dẫn Trump tới 12 điểm.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò của USA Today hồi đầu tuần cho thấy Trump vẫn bỏ xa ứng viên đảng Dân chủ về sự nhiệt tình của cử tri. Một nửa số người ủng hộ Trump nói rằng họ rất phấn khích khi bỏ phiếu cho ông, trong khi chỉ 27% người ủng hộ Biden cảm thấy như vậy.
Về tính cách, Biden được 60% cử tri xem là "điềm tĩnh" trong khảo sát của Pew, nhưng chỉ 1,4% cử tri đánh giá Trump như vậy. 7% cử tri tin rằng Trump là người "rất nóng tính". Biden cũng được nhiều người Mỹ xem là một hình mẫu tốt, trung thực và quan tâm đến nhu cầu của những người bình thường. Trong khi đó, Tổng thống Trump được coi là người mạnh mẽ, can đảm hơn.
53% người Mỹ da trắng ủng hộ Trump, so với 45% ủng hộ Biden, trong khi gần 90% người Mỹ da màu ủng hộ cựu phó tổng thống Mỹ. 52% cử tri ở các bang chiến trường ủng hộ Biden, trong khi tỷ lệ ủng hộ Trump thấp hơn 6 điểm phần trăm.
Khảo sát trực tuyến được Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành từ 16 đến 22/6, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ và suy thoái kinh tế do đại dịch ngày càng trầm trọng, với biên độ sai số là 1,8 điểm phần trăm.
Con của mẹ với người chồng trước có được chia tài sản thừa kế bằng với tôi và bố tôi không? (Minh Tuệ)
Sau khi bố tôi mất, mẹ nhận tài sản thừa kế khá lớn từ mẹ nuôi của bà. Mẹ có hai con là tôi và con riêng của mẹ với chồng trước. Trong trường hợp mẹ qua đời không để lại di chúc, tài sản được phân chia cho tôi và anh trai thế nào? Bố tôi có được phân chia phần tài sản đó không, nếu có tôi có được nhận thay?
Luật sư tư vấn
Theo điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ chồng. Vì vậy, khối tài sản mà mẹ bạn được thừa kế từ mẹ nuôi là tài sản riêng của mẹ bạn chứ không phải là tài sản chung của vợ chồng.
Có hai phương thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp mẹ bạn lập di chúc, việc chia tài sản (với khối tài sản được thừa kế từ mẹ nuôi) sẽ do bà định đoạt. Tuy nhiên, nếu mẹ bạn không để lại di chúc cho những người dưới đây được thừa kế, pháp luật vẫn cho họ được hưởng thừa kế gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.
Đây là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó theo điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.
Thừa kế theo quy định của pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Còn theo điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự các hàng thừa kế gồm:
- Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết...
- Hàng thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột...
Cũng theo điều luật này, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Với trường hợp này, bạn cũng như anh trai khác cha đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ không có sự khác biệt nào trong phân chia di sản. Nếu thời điểm mở thừa kế mà bố mẹ đẻ của mẹ bạn vẫn còn sống thì tài sản sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Cách chia này cũng áp dụng đối với phần di sản là tài sản chung của bố và mẹ bạn.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Sự cố hy hữu xảy ra trong trận Nam Định thắng SLNA 3-0 ở vòng 7 V-League 2020 hôm 30/6.
Phút 61, khi đang bị dẫn 1-0, HLV Ngô Quang Trường quyết định đưa Nguyễn Quang Tình và Sosesh Alagi vào thay Đặng Văn Lắm và Trần Đình Tiến. Trọng tài Hoàng Thanh Bình mắc lỗi làm số, dẫn tới tình huống đội khách thay nhầm người.
"Tôi đang đá thì thấy giơ biển báo số 10 ra sân nên chạy ra. Tới chỗ cabin, Ban huấn luyện ngạc nhiên, nói họ không rút tôi ra, và người phải rời sân là Đặng Văn Lắm (số 12)", đội trưởng Hồ Tuấn Tài của SLNA kể lại. "Tôi cùng Ban huấn luyện vội chạy ra khiếu nại. Nhưng khi đó, bóng đã lăn tiếp, nên chúng tôi phải chờ. Trọng tài chính sau đó cho đổi người, tôi lại vào sân đá. Trọng tài thứ tư thừa nhận sai, nói do thay hai người cùng lúc nên vội và dẫn tới làm số nhầm".
Thay đổi nhân sự của HLV Ngô Quang Trường không phát huy tác dụng. Đội khách không những không tìm được bàn gỡ mà còn để Merlo chọc thủng lưới thêm hai bàn ở phút 69 và phút 72. Qua năm vòng đầu, SLNA giữ sạch lưới, bất bại và đứng đầu bảng V-League 2020. Nhưng chỉ trong hai vòng gần nhất, đội bóng này liên tục rồi
Ở vòng trước, sự cố thay người cũng diễn ra trong trận Bình Dương thua Hà Nội 0-2. Phút 74, khi đang cần tìm bàn thắng, Bình Dương quyết định thay người lần cuối với ba cầu thủ gồm Tống Anh Tỷ, Hồ Sỹ Giáp và Trần Hoàng Phương. Khi bóng đi hết biên dọc, tổ trọng tài cho Bình Dương thay người và hai cầu thủ Tống Anh Tỷ, Hồ Sỹ Giáp lần lượt được vào sân. Lúc này còn Trần Hoàng Phương đang chờ đến lượt. Nhưng tổ trọng tài chưa kịp đưa bảng thì hậu vệ Hồ Tấn Tài đã ném biên, đưa bóng vào cuộc. Bình Dương xem như hết cơ hội thay người.
Ngay lập tức, Ban huấn luyện Bình Dương phản ứng gay gắt. Giám sát trọng tài Trần Khánh Hưng từ khán đài A cũng xuống sân giải thích nhưng không thành. Giám sát trận đấu Lê Hữu Tường cũng can thiệp trong vô vọng.
Tổ trọng tài, gồm trọng tài chính Nguyễn Minh Thuận và trọng tài thứ tư Đỗ Thanh Đệ phải cho dừng trận đấu khoảng ba phút để nghe Bình Dương giải thích. Đội chủ nhà cho rằng chỉ có hai bảng thay người nên trọng tài thứ tư không thể giơ cùng lúc. Trợ lý Nguyễn Đức Cảnh còn chạy đi lấy bảng thay người để minh hoạ. Nhưng cuối cùng, Bình Dương vẫn không được phép thay người thứ năm.
Thắng Đinh Lập Nhân vì đối thủ mất mạng internet ở ván một, Magnus Carlsen xin thua sớm ở ván hai, tại giải cờ vua online Chessable Masters hôm 30/6.
Ở ván một trận bán kết, Carlsen cầm quân trắng, đưa Đinh vào tàn cuộc xe và tốt. Thế cờ cân bằng, nhưng kỳ thủ số một Trung Quốc đứt mạng, hết thời gian. Theo quy định của giải, Đinh bị xử thua ván này.
Đến ván hai, Carlsen cầm quân đen. Ngay nước thứ hai, anh đưa hậu lên g5. Nước thứ ba, Vua cờ dùng hậu bắt tốt d2. Sau khi Đinh bắt hậu đen, Carlsen bấm nút đầu hàng.
Ván cờ chủ động thua của Carlsen được người mến mộ hưởng ứng. Giải thích cho hành động này, anh nói với Chess24 sau trận: "Tôi cực kỳ tôn trọng Đinh, cả tư cách kỳ thủ lẫn nhân cách con người. Tự thua Đinh là cách làm duy nhất. Nếu sau đó tôi thua chung cuộc, tôi sẽ tự cho bản thân ăn đòn mất. Nhưng tôi nghĩ tự thua Đinh là đúng".
Carlsen và Đinh hòa ba ván tiếp theo. Đến ván thứ sáu, Vua cờ Na Uy cầm quân đen, thắng trong tàn cuộc mã đấu tượng. Như vậy ở lượt đầu bán kết, Carlsen dẫn với tỷ số 3,5-2,5. Lượt thứ hai diễn ra tối nay 1/7. Nếu thắng lượt này, Carlsen sẽ vào chung kết. Ở cặp bán kết còn lại, Anish Giri dẫn Ian Nepomniachtchi ở lượt đầu tiên với tỷ số 3-1.
Chessable Masters là chặng thứ ba trong chuỗi giải có tổng giải thưởng một triệu USD mang tên Magnus Carlsen Tour. Chặng này có tổng giải thưởng 150.000 USD, vẫn diễn ra trên nền tảng Chess24. Carlsen nắm quyền sở hữu Chess24 lẫn Chessable.
Từ hôm nay, người dân cả nước có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nhận giấy tờ tại nhà.
Sáng 1/7, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp thêm 6 dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Người dân cả nước có thể truy cập vào trang web của Cổng dịch công quốc gia () để nộp phạt.
Thời gian hệ thống cập nhật quyết định xử phạt là 7 ngày. Sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt. Sau đó thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai.
Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện. Như vậy, người dân không phải đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền và đến trụ sở công an lấy lại giấy tờ, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại.
Trước đó từ tháng 3/2020, việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến được thí điểm tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận.
Ngoài ra, từ hôm nay, người dân, doanh nghiệp có thể chứng thực bản sao điện tử (công chứng) từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bản chứng thực điện tử có giá trị như bản giấy. Sau khi được cơ quan, tổ chức chứng thực, kết quả sẽ trả về tài khoản hoặc hộp thư điện tử (email) cho người dân, doanh nghiệp.
4 dịch vụ công khác cũng được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ hôm nay gồm: Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4.
Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12/2019, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Cổng cung cấp 5 nhóm dịch vụ trực tuyến tại 63 tỉnh, thành gồm: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Ngoài ra, Cổng cung cấp 3 nhóm dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ là cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hai tiện ích được tích hợp trên Cổng là thanh toán tiền điện và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Quảng NinhBốn cán bộ Điện lực Vân Đồn bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức do liên quan việc tính nhầm cho người dân gần 90 triệu đồng tiền điện tháng 5.
Sáng 1/7, ông Vũ Đình Tân, Phó giám đốc Công ty điện lực Quảng Ninh, cho biết ông Đặng Thành, Giám đốc Điện lực Vân Đồn, bị khiển trách; ông Nguyễn Hữu Trọng, Phó giám đốc bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng; Trưởng phòng kinh doanh Lưu Sơn Tùng và Tổ trưởng kinh doanh giám sát Đỗ Huy Đạm bị cách chức. "Hai người bị cách chức sẽ làm việc ở vị trí nào là do đơn vị phân công", ông Tân nói.
Trước đó sáng 22/6, bà Đào Thị Gái, 74 tuổi, ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, nhận thông báo nộp tiền điện của Điện lực Quảng Ninh với số tiền 89.350.496 đồng, tương đương 27.000 số điện tiêu thụ trong tháng 5. Trong khi gia đình chỉ có 3 người, không kinh doanh, bình quân mỗi tháng sử dụng khoảng 200 số điện.
Lý giải việc này, ông Vũ Đình Tân, Phó giám đốc Công ty điện lực Quảng Ninh, cho biết đây là công tơ điện tử đo từ xa khoảng 50-60 m, qua thiết bị cầm tay. Hôm công nhân đi đo số điện đúng ngày trời mưa, khả năng nước mưa táp vào mặt công tơ kèm bụi khiến mặt công tơ nhòe, số báo về thiết bị không chính xác.
"Đoàn công tác đã lập biên bản, chốt lại số điện với gia đình theo đúng số tiêu thụ thực tế. Chúng tôi đã xin lỗi khách hàng về sự cố trên, khách cũng đồng thuận", ông Tân nói.
Nga khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không được tự ý tái xuất khẩu tên lửa S-400, sau khi nghị sĩ Mỹ đề xuất mua lại hệ thống này từ Ankara.
"Để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, khách hàng mua vũ khí của chúng tôi phải cung cấp tờ khai người dùng cuối cho phía Nga. Đó là lý do khách hàng không thể chuyển giao hoặc tái xuất khẩu những khí tài đó sang nước thứ ba nếu thiếu giấy phép chính thức từ Nga", Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga hôm qua ra thông cáo cho biết.
Thông cáo được đưa ra sau khi thượng nghị sĩ Mỹ Whip John Thune tuần trước trình lên quốc hội đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2021, trong đó đề nghị dùng ngân sách lục quân Mỹ để mua lại một hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng nghị sĩ Thune đưa ra đề xuất trong bối cảnh căng thẳng Washington - Ankara vẫn ở mức cao vì Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga thay vì Patriot của Mỹ. Washington yêu cầu Ankara chấm dứt hợp đồng, phá hủy hoặc trả lại những tổ hợp S-400 đã nhận.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận yêu cầu và quyết vận hành hệ thống S-400. Washington đáp trả bằng cách gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35. Washington cũng rút lại đề xuất bán các hệ thống Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đe dọa mua tiêm kích Nga để thay thế F-35 và cảnh báo đóng cửa hai căn cứ chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Luật an ninh cho phép cơ quan mới của đại lục tiếp quản những vụ án "phức tạp" và không chịu sự kiểm soát của chính quyền Hong Kong.
Toàn văn luật an ninh với 6 chương gồm 66 điều được chính quyền Hong Kong công bố đêm 30/6, sau khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính quyền thành phố thông qua. Luật này hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh.
Hình phạt cao nhất cho mỗi loại tội phạm là tù chung thân, trong khi mức án được đề nghị cho một số loại tội nhẹ là dưới 3 năm tù.
Nghi phạm có thể bị dẫn độ tới Trung Quốc đại lục trong các trường hợp liên quan đến "tình huống phức tạp" về sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài, các trường hợp chính quyền địa phương không thể thực thi một cách hiệu quả luật pháp hoặc an ninh quốc gia đang bị "đe dọa thực tế và nghiêm trọng".
Luật cho phép thành lập một ủy ban an ninh của đại lục ở Hong Kong để thực thi luật an ninh. Cơ quan này sẽ điều tra các vụ án an ninh thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, quyền công tố thuộc về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ phân công thẩm phán xét xử những vụ án đó.
Điều 54 của luật quy định ủy ban an ninh quốc gia mới, cùng với Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao tại Hong Kong và chính quyền đặc khu, phải áp dụng các biện pháp để "tăng cường quản lý" các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan truyền thông.
Thông tin về hoạt động của ủy ban an ninh mới sẽ không được tiết lộ và các quyết định của cơ quan này không phải chịu bất kỳ cuộc thanh tra tư pháp nào. Toàn bộ các bộ phận của chính quyền địa phương phải hợp tác với cơ quan mới ở đại lục, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật cũng trao quyền lực lớn cho các nhân viên an ninh đại lục thực thi nhiệm vụ tại Hong Kong. Theo Điều 60, các nhân viên an ninh này và phương tiện họ sử dụng để thực thi nhiệm vụ không phải chịu sự kiểm tra của cảnh sát Hong Kong.
Một đơn vị cảnh sát địa phương sẽ được thành lập để thu thập thông tin tình báo và điều tra các vụ án. Đơn vị này có thể tuyển chuyên gia bên ngoài Hong Kong để hỗ trợ thực thi luật an ninh. Cảnh sát địa phương có thể nghe lén liên lạc của nghi phạm và tiến hành giám sát bí mật khi được trưởng đặc khu phê chuẩn.
Đạo luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong được ông Tập ký thông qua chiều 30/6 sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 20. Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư mô tả luật an ninh Hong Kong "phản ánh nguyện vọng của người dân trên toàn quốc, bao gồm cả Hong Kong", trong khi Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định luật "chỉ nhắm đến nhóm đối tượng nhỏ" và tài sản, quyền tự do của người dân đặc khu vẫn được bảo vệ.
Tuy nhiên, nhiều nước và tổ chức về luật an ninh mới. Liên minh châu Âu (EU) nói luật có nguy cơ gây suy yếu nghiêm trọng mức độ tự trị cao của Hong Kong, đồng thời tác động tiêu cực đến sự độc lập tư pháp và pháp trị tại đặc khu, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng luật an ninh mới đã làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu.
Kim Jong-un ra lệnh giật sập văn phòng liên lạc Hàn - Triều vì tờ rơi của người đào tẩu xúc phạm phu nhân Ri Sol-ju, theo đại sứ Nga.
"Những tờ rơi này có nội dung tuyên truyền bẩn thỉu, xúc phạm, nhằm vào phu nhân của lãnh đạo Triều Tiên", đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora hôm 29/6 cho biết. Matsegora là một trong những đại sứ thâm niên nhất ở Bình Nhưỡng.
Trong những tuần gần đây, Triều Tiên liên tục lên án Hàn Quốc vì các tờ rơi được người đào tẩu rải qua biên giới bằng bóng bay hoặc bỏ trong chai thả trôi trên sông.
Cách làm này từ lâu đã gây tranh cãi giữa hai miền, nhưng lần này Bình Nhưỡng gia tăng áp lực bằng cách giật sập Văn phòng liên lạc Hàn - Triều và đe dọa sử dụng các biện pháp quân sự.
Một trong số vụ thả tờ rơi gần đây được thực hiện hôm 31/5, đã bôi nhọ hình ảnh Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju, gây "phẫn nộ nghiêm trọng" tại Bình Nhưỡng, Matsegora cho biết. "Những hình ảnh bị photoshop một cách tệ hại, là giọt nước làm tràn ly" với Triều Tiên, đại sứ Nga nói thêm.
Quan hệ Hàn - Triều đóng băng sau hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm ngoái, khi hai bên không đạt được thỏa thuận chung về việc Triều Tiên sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân để được nới lỏng lệnh trừng phạt.
Bình Nhưỡng đã trút giận lên Seoul thay vì Washington, dù lãnh đạo Hàn - Triều vẫn tiếp tục họp thượng đỉnh thêm ba lần nữa. Triều Tiên chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì chương trình vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Nga cũng bác bỏ suy đoán rằng Kong Yo-jong, em gái của Kim Jong-un được bồi dưỡng trở thành lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên.
Từ đầu tháng 6, Kim Yo-jong, cố vấn thân cận của anh trai, đã đại diện cho Bình Nhưỡng thể hiện lập trường cứng rắn với hành động thả tờ rơi của người đào tẩu ở Hàn Quốc. Triều Tiên cho giật sập văn phòng liên lạc Hàn - Triều sau khi Kim Yo-jong cảnh báo quan hệ hai bên sẽ sớm "sụp đổ hoàn toàn" và sau đó, gọi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là "kinh tởm" và "điên khùng".
"Dù có kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao, bà Kim còn quá trẻ", đại sứ Matsegora nhận xét. "Hoàn toàn không có lý do gì để nói cô ấy đang được bồi dưỡng để nắm quyền".
"Không ai dám gọi mình là số hai ở Triều Tiên", ông nói thêm. "Tôi cho rằng nếu bạn hỏi Kim Yo-jong rằng cô ấy có phải số hai không, cô ấy chắc chắn sẽ khẳng định 'không'".
Nước mắt vui sướng chảy trên gương mặt Andrea Viez khi bế con trai bé bỏng trên tay, đứa trẻ sinh ra từ một người mẹ đẻ thuê ở Ukraine.
"Thằng bé thật giỏi", Viez, người phụ nữ Argentina gần 50 tuổi mới được làm mẹ, run giọng nói.
Sau 9 năm cố gắng sinh con, Viez cuối cùng cũng có thể bế con trai trên tay, nhờ ngành công nghiệp đẻ thuê đang bùng nổ tại Ukraine, ngành mang lại hy vọng cho hàng nghìn cặp bố mẹ đang vất vả trong đường con cái.
Nhưng đằng sau giấc mơ trở thành hiện thực của họ là một ngành kinh doanh lợi nhuận cao và nhiều mặt tối, khi người ta lo ngại nó đang lợi dụng những phụ nữ trẻ tuyệt vọng.
"Ukraine đang trở thành một cửa hàng bán trẻ sơ sinh trực tuyến quốc tế", ủy viên quốc gia về quyền trẻ em Mykola Kuleba cảnh báo hồi tháng trước, lên án việc "bóc lột" phụ nữ Ukraine và kêu gọi cấm dịch vụ đẻ thuê.
Ukraine là một trong số ít quốc gia cho phép thương mại hóa dịch vụ đẻ thuê với người nước ngoài, bất ngờ gây chú ý khi Covid-19 bùng phát.
Khi chính phủ các nước cấm đi lại để ngăn ngừa đại dịch, hàng tá phụ huynh cũng không thể tới Ukraine đón những đứa con chào đời nhờ dịch vụ đẻ thuê. Một công ty dịch vụ đẻ thuê tại địa phương đã đăng video lên mạng, cho thấy hàng chục em bé nằm trong cũi tại một khách sạn ở ven thủ đô Kiev.
Phòng khám BioTexCom hy vọng thu hút sự chú ý của dư luận đến hoàn cảnh những em bé mắc kẹt. Video tỏ ra hữu hiệu, chính phủ đã can thiệp để giúp đỡ các gia đình như Viez xin được giấy phép đặc biệt tới Ukraine đón con sau vài tuần.
Dù ngành này tồn tại từ đầu thập niên 2000, nó mới bùng nổ tại Ukraine khi Ấn Độ và Thái Lan bắt đầu cấm người nước ngoài sử dụng dịch vụ đẻ thuê từ 5 năm trước.
Ukraine là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, trở nên hấp dẫn bởi mức giá đẻ thuê chỉ 42.000 USD, bằng một nửa so với Mỹ. Tuy không có dữ liệu chính thức, các chuyên gia ước tính khoảng 2.500-3.000 trẻ em được sinh ra mỗi năm ở Ukraine nhờ các cặp bố mẹ nước ngoài thuê đẻ. Khoảng một phần ba khách hàng là người Trung Quốc.
Ngành này thiếu sự quản lý nhà nước, đầy rẫy lạm dụng và tham nhũng, theo Sergiy Antonov, người điều hành một công ty luật chuyên tư vấn các vấn đề sinh sản.
Những người mẹ đẻ thuê đôi khi không được trả đúng số tiền được hứa hoặc bị bố trí ăn nghỉ trong điều kiện tồi tệ suốt giai đoạn cuối thai kỳ. Trong vài trường hợp, các cặp bố mẹ còn phát hiện ADN đứa con mình thuê đẻ không trùng khớp.
Các nhà chức trách nghi ngờ một số phòng khám lợi dụng việc thuê đẻ làm vỏ bọc dịch vụ mua bán con nuôi trái phép. "Tình hình rất loạn", Antonov nói.
Olga Korsunova, 27 tuổi, đang mang thai lần thứ tư, cho biết phụ nữ "thường xuyên" gặp khó khăn khi đòi số tiền được hứa hẹn. Họ thường được thuê đẻ qua môi giới, những người sẽ giữ lại một phần hoa hồng. Korsunova được trả 400 USD một tháng trong suốt thai kỳ và nhận 1.500 USD sau sinh.
"Tôi sẽ không gọi việc này là bóc lột bởi không ai ép buộc chúng tôi cả", cô nói khi ở trong căn hộ nhỏ thuê tại Kiev cùng con trai 8 tuổi.
Korsunova mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng bắt đầu đẻ thuê sau khi cô và con trai chạy trốn khỏi miền đông Ukraine năm 2014. Cô thừa nhận vì khó khăn tài chính nên phụ nữ Ukraine "phải đánh đổi một phần sức khỏe để lấy tiền".
Olga, 26 tuổi, một người đẻ thuê khác, cho biết rất vui khi giúp đỡ được người khác có con.
"Chúng sẽ được bố mẹ yêu thương tới hết cuộc đời", cô nói, cho biết đang mang thai song sinh cho một cặp vợ chồng Trung Quốc.
Olga bình thường làm nghề bồi bàn, thu nhập 135 USD một tháng. Đây là lần đẻ thuê thứ hai của cô. Olga hy vọng sẽ mở được quán cà phê của riêng mình khi nhận số tiền 15.000 USD sau sinh.
"Tôi rất tự hào có thể cung cấp em bé cho những người không thể sinh con theo một cách khác", cô nói, nhưng thừa nhận "nếu tôi có một công việc bình thường, dĩ nhiên là tôi sẽ không làm việc này".
Tổng thống Trump phê chuẩn kế hoạch cắt giảm 9.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Đức nhằm thu hẹp hiện diện quân sự tại nước này.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết động thái trên là nhằm tái bố trí lực lượng quân đội Mỹ và sẽ "tăng cường khả năng răn đe Nga, củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trấn an các đồng minh", đồng thời cải thiện tính linh hoạt chiến lược của Mỹ.
Mỹ sẽ cắt số binh sĩ đồn trú tại Đức từ 34.500 hiện nay xuống còn 25.000, con số mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump từng nêu ra. Hoffmann không nói rõ bao giờ quá trình cắt giảm binh sĩ sẽ diễn ra và liệu số binh sĩ trên có được điều động tới một quốc gia NATO khác hay không.
Ông cho hay Lầu Năm Góc sẽ báo cáo lên Quốc hội về kế hoạch cắt giảm binh sĩ "trong vài tuần tới" rồi sau đó tham vấn các đồng minh NATO.
Trump đầu tháng trước cho hay ông cắt giảm binh sĩ là do cảm thấy không hài lòng với Đức. Ngày 15/6, hai tuần sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Tổng thống Mỹ lên kế hoạch do lo ngại COvid-19, ông chủ Nhà Trắng đã phàn nàn về việc Berlin chưa chi tiêu đủ cho quốc phòng và đối xử "tệ" với Mỹ về thương mại.
Giới chuyên gia lo ngại hành động rút hàng nghìn binh sĩ Mỹ khỏi Đức có thể gây tổn hại đáng kể quan hệ giữa Berlin và Washington.
Trump cho biết ông "ngày càng tức giận" với Trung Quốc vì sự lây lan của nCoV, trong bối cảnh nhiều bang Mỹ đối mặt đợt bùng phát mới.
"Khi chứng kiến đại dịch tồi tệ lan rộng khắp thế giới, bao gồm cả những thiệt hại to lớn mà nó đã gây ra cho Mỹ, tôi càng trở nên tức giận hơn với Trung Quốc. Mọi người có thể thấy điều đó, và tôi cũng cảm nhận được", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 30/6.
Sau khi Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cuối năm ngoái, chính quyền Trump đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ban đầu và không cung cấp đầy đủ thông tin. Những động thái này khiến quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng ngày càng trở nên lạnh nhạt.
Bình luận của Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV tiếp tục gia tăng tại Mỹ kể từ khi đất nước bắt đầu quá trình tái mở cửa, khiến nhiều bang phải tạm dừng kế hoạch nới phong tỏa. Một số địa phương thậm chí đóng cửa trở lại ở các mức độ khác nhau, nhằm nỗ lực ngăn hệ thống y tế bị quá tải.
Trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 30/6, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho rằng mọi chuyện "đang đi sai hướng" và Mỹ "rõ ràng đang không kiểm soát được hoàn toàn" đại dịch. Ông còn cảnh báo số ca nhiễm mới tại Mỹ có thể tăng hơn gấp đôi, lên mức 100.000 ca mỗi ngày nếu chính quyền và công chúng không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Trung Quốc từng cáo buộc chính quyền Trump đang chính trị hóa cuộc khủng hoảng Covid-19, nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch của chính họ. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 130.000 người chết. Trong khi đó, Washington kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn.
Thế giới ghi nhận gần 10,6 triệu ca nhiễm và gần 513.000 người chết do nCoV, trong khi WHO kêu gọi cảnh giác nguy cơ xảy ra dịch bệnh khác.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 10.559.472 ca nhiễm và 512.951 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 169.693 và 5.581 trong 24 giờ qua. 5.781.840 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.720.040 ca nhiễm và 130.005 ca tử vong, tăng lần lượt 44.905 và 1.253 ca trong 24 giờ.
Số ca nhiễm tại bang California và Texas hôm 29/6 tăng kỷ lục, trong khi Los Angeles, thành phố lớn thứ hai của Mỹ và là tâm dịch mới, báo cáo mức tăng một ngày "đáng báo động", với hơn 100.000 ca nhiễm. Tình hình dịch bệnh phức tạp buộc nhiều địa phương phải hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch nới lỏng phong tỏa.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết sự gia tăng số ca nhiễm nCoV tại Mỹ gần đây bắt nguồn từ việc phần lớn người Mỹ phớt lờ hướng dẫn y tế cộng đồng, như giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang. "Tôi sẽ không bất ngờ nếu Mỹ tăng 100.000 ca nhiễm một ngày", ông cảnh báo.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 33.846 ca nhiễm và 1.280 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.402.041 và 59.594.
Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 29/6 cảnh báo Brazil vẫn đối mặt "thách thức lớn" trong việc kiềm chế Covid-19 và nên làm nhiều hơn để phối hợp các nỗ lực phòng dịch. "Một lần nữa, chúng tôi khuyến khích Brazil tiếp tục chống lại đại dịch, phối hợp nỗ lực giữa liên bang và các địa phương theo cách có hệ thống hơn", Ryan nói.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị các chuyên gia y tế chỉ trích mạnh mẽ vì cách xử lý khủng hoảng. Ông gọi đại dịch là "cúm vặt" và không tỏ ra bận tâm tới số người chết ngày càng gia tăng. Bộ Y tế Brazil vừa phân phối khoảng 4,3 triệu liều thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, dù nó chưa được chứng minh chống Covid-19 hiệu quả, nhưng được Bolsonaro thúc đẩy.
Tình hình đại dịch tại Mỹ Latinh vẫn nghiêm trọng. Chile đang là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 279.393 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong, tăng lần lượt 3.394 và 113 so với hôm trước. Trong khi đó, Mexico đứng thứ 11 với 220.657 ca nhiễm và 27.121 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.805 và 473 ca.
Giám đốc WHO tại châu Mỹ Carissa Etienne hôm qua cảnh báo tổng số người chết vì Covid-19 ở Mỹ Latinh có thể lên tới 438.000 nếu các biện pháp phòng dịch không được duy trì.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 154 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 9.320. Số ca nhiễm tăng 6.693, lên 647.849, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 7.000.
Số trường hợp bình phục tại nước này cũng đang tăng lên đều đặn, giúp số ca đang điều trị giảm xuống, chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm. Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết mặc dù số ca nhiễm mới trên cả nước đang giảm dần, chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm.
Anh báo cáo thêm 689 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 312.654 và 43.730 Tình hình dịch bệnh tại Anh đã bớt nghiêm trọng trong những tuần gần đây, trong khi Thủ tướng Boris Johnson dần rút lại những lệnh hạn chế trên toàn quốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát mới tại thành phố Leicester buộc chính quyền phải áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với địa phương này, bao gồm quyết định đóng cửa các trường học.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 301 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 296.351 và 28.355. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần. Một nghiên cứu của Đại học Barcelona cho thấy nCoV có thể xuất hiện tại Tây Ban Nha từ tháng 3/2019, nhưng phát hiện này vẫn đang chờ được thẩm định.
Italy ghi nhận thêm 142 ca nhiễm và 23 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 240.578 và 34.767.
Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, người dân được tự do di chuyển khắp đất nước. Theo một nghiên cứu công bố hôm qua, hơn 40% người nhiễm nCoV tại thị trấn Vo ở Italy không có triệu chứng, dường như là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng.
Đức báo cáo thêm 7 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 195.399, trong khi số ca tử vong không thay đổi, vẫn là 9.041.
Đức được cho là từng kiểm soát thành công Covid-19, với tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với hầu hết nước lớn khác ở châu Âu, dù các biện pháp phong tỏa của họ khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đợt bùng phát gần đây tại một lò mổ ở bang Bắc Rhine-Westphalia buộc chính quyền phải phong tỏa khoảng 600.000 người, đồng thời làm dấy lên lo ngại Đức vẫn dễ bị tổn thương trước đại dịch, bất chấp thành công ban đầu.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.457 ca nhiễm, nâng tổng số lên 227.662, trong đó 10.817 người chết, tăng 147 ca so với hôm trước.
Iran hôm 29/6 ghi nhận 162 người chết vì nCoV trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu hôm 19/2. Sima Sadat Lari, phát ngôn viên Bộ Y tế nước này, cho biết Covid-19 tại các tỉnh hoặc thành phố ở biên giới vẫn chưa đạt đỉnh. "Do đó, chúng tôi vẫn trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất", Sadat nói.
Arab Saudi ghi nhận thêm 4.387 ca nhiễm và 50 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 190.823 và 1.649. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6. Tuy nhiên, chính phủ Arab Saudi năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân nước này mới có cơ hội.
Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 582.482 ca nhiễm, và 17.322 ca tử vong, tăng lần lượt 14.946 và 418. Một số thành phố Ấn Độ chuẩn bị kéo dài các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn cao.
Thủ tướng Narendra Modi hôm qua cho biết kể từ khi chính phủ nới lỏng hạn chế, "sự tắc trách" trong xã hội ngày càng tăng, nói thêm rằng người dân đang phớt lờ cách biệt cộng đồng và các hướng dẫn y tế khác. Trường học, rạp chiếu phim, phòng gym và quán bar ở Ấn Độ vẫn phải đóng cửa.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Thủ đô Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm nCoV hàng loạt ngay sau khi thành phố phát hiện ca nhiễm mới đầu tiên trong đợt bùng phát mới, liên quan đến chợ Tân Phát Địa. Tuần trước, chính quyền tuyên bố ổ dịch này về cơ bản đã được kiểm soát. WHO cho biết họ sẽ cử một nhóm đến Trung Quốc vào tuần tới để tiếp tục điều tra về nguồn gốc nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đã trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 56.385 ca nhiễm, tăng 1.293 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.876 người chết, tăng 71 ca. Diễn biến này khiến các trường học phải tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động.
Singapore là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, với 43.907 ca nhiễm, tăng 246, trong đó 26 người chết. Singapore đang tiến hành nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, trong khi cuộc tổng tuyển cử vẫn được tổ chức sớm vào ngày 10/7. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông quyết định tiến hành bầu cử ngay bây giờ bởi không chắc Covid-19 có thể chấm dứt vào năm sau hay không.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
WHO hôm 30/6 cho biết họ sẽ "xem xét kỹ lưỡng" nghiên cứu của Trung Quốc về loại cúm lợn mới có tên G4, được cho rằng có khả năng gây đại dịch. "Điều này chứng minh chúng ta không thể mất cảnh giác với bệnh cúm, đồng thời cần đề phòng và tiếp tục theo dõi ngay cả trong đại dịch Covid-19", phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier nói.
Hà NộiPhạm Thị Thành bị khởi tố sau 23 ngày tự sinh con ở ruộng rau, bỏ lại đứa trẻ ở hố ga phía sau đền khiến bé tử vong.
Ngày 30/6, Thành, 31 tuổi, quê Hà Tĩnh, bị Công an thị xã Sơn Tây khởi tố để điều tra tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo điều 124 Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật quy định, người mẹ trong hoàn cảnh khách quan vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Thành khai ngày 6/6 đón xe buýt từ nội thành Hà Nội lên thị xã Sơn Tây chơi. Khoảng 23h cùng ngày, cô trở dạ và đi bộ một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu thuộc thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh. Không có khả năng nuôi con và muốn che giấu, cô bế đứa trẻ trèo vào phía sau đền Mẫu, để lại đó.
Gần hai ngày sau, khoảng 15h40 ngày 8/6, người dân phát hiện bé trai nặng 2,4 kg nguyên dây rốn, không có quần áo, nằm dưới hố ga ở khu vực này. Bị nhiều tổn thương do tác động của môi trường, bé được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Chiều 29/6, bé tử vong do bị sốc nhiễm khuẩn, kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Theo cảnh sát, Thành có con 3 tuổi với người đàn ông ở xã Thanh Mỹ song bé ở với ông bà nội. Bố đứa trẻ đã đi tù nên cô thường về thăm con rồi lại rời đi. Thiếu phụ 31 tuổi khai gần đây quan hệ tình cảm với nhiều người nên không biết bé trai mới sinh là con của ai.