Từ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Wu Jun, một người làm nghề chuyển phát nhanh, càng cẩn thận hơn khi đi làm.
Wu luôn mang theo một chai nước khử trùng trên chiếc xe máy điện của mình, vệ sinh hai bàn tay sau mỗi lần giao hàng và cố hết sức không chạm tay lên mặt. Nhưng khi tin tức về một người đồng nghiệp giao hàng cho nền tảng gọi đồ ăn trực tuyến Ele.me nhiễm Covid-19 được công bố hôm 23/6, Wu "cảm thấy vô cùng hoang mang".
"Dù chúng tôi không phải giao nhiều đơn như những người làm nghề giao đồ ăn, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp xúc với rất nhiều người", Wu nói.
Anh là một trong 100.000 người làm nghề giao hàng, từ giao đồ ăn, tạp hóa, tới những người giao hàng hóa đặt mua trên các nền tảng trực tuyến, phải xét nghiệm axit nucleic kiểm tra nCoV. Đây là cách mà Kong, người giao đồ ăn trên nền tảng Ele.me, bị phát hiện nhiễm nCoV.
Kong, 47 tuổi, giao tới 50 đơn hàng mỗi ngày trong quận Phong Đài ở Bắc Kinh. Phong Đài là tâm điểm chú ý khi đợt bùng phát thứ hai đều liên quan tới chợ đầu mối nông sản ở quận này.
Sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hôm 11/6, Bắc Kinh ghi nhận hơn 300 ca nữa liên quan tới Tân Phát Địa và hàng chục ca liên quan ở những tỉnh khác, từ tỉnh lân cận Hà Bắc tới tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc, cách Bắc Kinh hơn 400 km.
Chính quyền Bắc Kinh nỗ lực để thành phố không bị phong tỏa toàn diện, nhưng đã cho cách ly một số quận nội thành, đồng thời yêu cầu một số nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao phải xét nghiệm, bao gồm nhân viên chợ, người xử lý thực phẩm và giao hàng.
Giới chức hôm 28/6 cho hay đã lấy mẫu của 8,2 triệu người dân và xử lý được 7,6 triệu mẫu. Một lần nữa bị yêu cầu phải ở yên trong nhà, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang Internet để đáp ứng nhu cầu mua sắm và ăn uống, dựa vào đội quân giao hàng tận nhà.
Trường hợp của Kong gây hoang mang khi nhiều người tự hỏi liệu mình có thể bị lây qua tiếp xúc với gói hàng không. Chủ đề này cũng liên tục gây sốt trên mạng truyền thông xã hội.
Nhưng nhiều bình luận nhanh chóng bị dập tắt, giống như những vấn đề nhạy cảm từng bị đưa ra thảo luận trước đây. Trong lúc Trung Quốc cố phục hồi ảnh hưởng của Covid-19, chính phủ đang khuyến khích người tiêu dùng trong nước hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế và trọng tâm là thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đa phần những gì người dùng mạng thảo luận xoay quanh chuyện Kong phải làm việc 16 giờ một ngày và vất vả mà ông đã trải qua.
"Làm việc 16 tiếng một ngày, kiếm sống thật không dễ dàng", một người bình luận trên Weibo. "Mong ông chóng khỏe".
Ngoài ra, còn có những trấn an từ quan chức y tế rằng việc đặt mua đồ ăn mang đi và mua sắm trực tuyến vẫn tương đối ăn toàn, nhắc nhở người dân Bắ Kinh tiếp tục giữ gìn vệ sinh tốt, lựa chọn giao hàng không tiếp xúc và rửa tay ngay sau khi mở gói giao hàng.
"Trong khi chính phủ đang kêu gọi thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đa số mọi người lại muốn chúng tôi giao đồ ăn tới tận cửa từ khi các khu dân cư mở cửa lại", Feng Yisheng, một nhân viên giao hàng làm việc cho một nền tảng lớn, nói.
"Nếu chúng tôi không đồng ý, sẽ bị đánh giá kém và ảnh hưởng tới công việc", ông nói thêm.
Không giống Wu, người giao những mặt hàng như tài liệu, hàng hóa đóng gói trên phạm vi toàn thành phố, Feng chủ yếu giao các đơn đồ ăn và tạp hóa trong phạm vi nhỏ.
"Nhận 50 đơn một ngày là chuyện bình thường vì chúng tôi cần làm đủ chỉ tiêu. Tôi không nói dối, công việc này rất vất vả. Nếu thạo nghề khác, tôi đã không làm việc này", Feng bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo Straits Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét