Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Ấn Độ nguy cơ tổn thất lớn nếu quay lưng với Trung Quốc

Nhiều người Ấn Độ tuyên bố tẩy chay Trung Quốc sau vụ đụng độ ở biên giới, nhưng các chuyên gia cảnh báo việc này "nói dễ hơn làm".

Cái chết của 20 binh sĩ tại khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc ở thung lũng Galwan nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội khắp Ấn Độ. Tại thành phố Ahmedabad, người dân ném TV do Trung Quốc sản xuất khỏi ban công, trong khi các thương nhân tại thủ đô New Delhi đốt hàng hóa Trung Quốc trên đường phố.

Giới chức Ấn Độ cũng bày tỏ sự tức giận, như một bộ trưởng kêu gọi tẩy chay các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc. Một lãnh đạo phe đối lập từng được bắt gặp trèo lên xe cần cẩu để bôi đen biển quảng cáo của một hãng điện thoại Trung Quốc.

Chính phủ Ấn Độ không công khai tuyên bố rõ ràng về ý định tẩy chay. Tuy nhiên, các chính quyền bang, cùng một số công ty nhà nước, được cho là bị yêu cầu hoãn ký kết những hợp đồng mới với các công ty Trung Quốc. Hôm 22/6, giới chức bang Maharashtra thông báo đang với ba công ty Trung Quốc, với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ vốn đã giảm 15% kể từ năm tài khóa 2018. Việc Ấn Độ cân nhắc áp thêm thuế và chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng làn sóng tẩy chay, được cho là sẽ khiến quan hệ kinh tế giữa hai nước tồi tệ hơn, đẩy Ấn Độ vào thế bất lợi.

Một người biểu tình giơ khẩu hiệu tẩy chay hàng Trung Quốc tại thành phố Kolkata, Ấn Độ, hôm 17/6. Ảnh: Reuters.

Một người biểu tình giơ khẩu hiệu tẩy chay hàng Trung Quốc tại thành phố Kolkata, Ấn Độ, hôm 17/6. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm gần 12% nhập khẩu của Ấn Độ, trải rộng mọi mặt hàng như hóa chất, linh kiện ôtô, điện tử tiêu dùng và dược phẩm.

"Trung Quốc đáp ứng ít nhất 70% nhu cầu trung gian phân phối thuốc của Ấn Độ", Sudarshan Jain, chủ tịch Liên minh Dược phẩm Ấn Độ, cho hay. Mặc dù Ấn Độ đã công bố chính sách mới nhằm tự chủ hơn về ngành dược phẩm, Jain giải thích rằng mục tiêu này cần thời gian.

Lĩnh vực smartphone đang bùng nổ ở Ấn Độ cũng phụ thuộc chặt chẽ vào các hãng điện thoại giá rẻ của Trung Quốc, bên chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tại địa phương. Bên cạnh đó, hầu hết nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng Ấn Độ cho rằng họ sẽ bị tê liệt nếu không thể nhập khẩu những mặt hàng trung gian quan trọng từ Trung Quốc.

"Chúng tôi không lo lắng về hàng hóa thành phẩm, nhưng hầu như tất cả nền kinh tế trên thế giới đều nhập khẩu những linh kiện chủ chốt từ Trung Quốc, như máy nén khí", B Thiagrajan, giám đốc điều hành công ty Blue Star, một nhà sản xuất điều hòa và máy lọc không khí của Ấn Độ, cho biết.

Thiagrajan nói thêm rằng họ sẽ mất một khoảng thời gian dài để thiết lập lại các chuỗi cung ứng địa phương. Hơn nữa, chỉ có vài nhà cung cấp thay thế đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhất định.

Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ những năm gần đây ngày càng khăng khít, như trong lĩnh vực công nghệ. Các tập đoàn Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, đã rót hàng tỷ USD vào những start-up của Ấn Độ như Zomato, Paytm, Big Basket và Ola.

"Đã có hơn 90 khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, hầu hết được thực hiện trong vòng 5 năm qua. 18/30 start-up công nghệ trị giá hơn một tỷ USD có một nhà đầu tư Trung Quốc", Amit Bhandari, nhà phân tích tại viện nghiên cứu Gateway House ở Mumbai, cho biết.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Ấn Độ dường như vẫn tương đối thấp, ở mức 6,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Bhandari giải thích rằng việc kiềm chế mong muốn tạo dựng thế độc quyền trên thị trường Ấn Độ của những "gã khổng lồ" Trung Quốc, như Alibaba, vô cùng cấp thiết bởi những khoản đầu tư này có "tác động đáng kể". Ấn Độ đã sửa đổi những quy định liên quan đến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhằm ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty trong nước.

Bắc Kinh cáo buộc New Delhi vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng họ không có khả năng thay đổi tình hình hiện tại, bởi "không có cách nào để ép buộc một quốc gia nếu nước này viện dẫn lý do xung đột với nước khác để biện minh cho các vi phạm", Zulfiquar Memon, quản lý của công ty luật MZM Legal, cho biết.

Điều này giúp Ấn Độ có cơ hội tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tập trung tăng cường kêu gọi tự lực. Thâm hụt thương mại gần 60 tỷ USD với Trung Quốc khiến Ấn Độ lâu nay bị ràng buộc với nước láng giềng. Không khí căng thẳng hiện tại càng tạo cho New Delhi động lực thu hẹp khoảng cách.

Công ty nghiên cứu và xếp hạng tín dụng Acuite gần đây cho biết lĩnh vực sản xuất nội địa của Ấn Độ đủ khả năng thay thế tới 25% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc, giúp giảm hơn 8 tỷ USD chi phí cho nhập khẩu mỗi năm.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ được cho là lo ngại về hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nếu tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc dường như thoải mái hơn bởi Ấn Độ chỉ chiếm 3% xuất khẩu của họ.

Tới nay, Trung Quốc chưa phản ứng gì gay gắt với vụ ẩu đả ở biên giới, còn cơn thịnh nộ tại Ấn Độ ngày càng leo thang. Tuy nhiên, một bài xã luận gần đây trên tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo "sự kiềm chế của Bắc Kinh không có nghĩa là yếu đuối".

"Thật vô cùng nguy hiểm với Ấn Độ khi cho phép các nhóm chống Trung Quốc kích động dư luận, làm căng thẳng gia tăng", tờ báo viết, thêm rằng New Delhi thay vào đó nên tập trung vào "phục hồi kinh tế".

Ánh Ngọc (Theo BBC)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét