Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Con chung được thừa kế tài sản nhiều hơn con riêng?

Con của mẹ với người chồng trước có được chia tài sản thừa kế bằng với tôi và bố tôi không? (Minh Tuệ)

Sau khi bố tôi mất, mẹ nhận tài sản thừa kế khá lớn từ mẹ nuôi của bà. Mẹ có hai con là tôi và con riêng của mẹ với chồng trước. Trong trường hợp mẹ qua đời không để lại di chúc, tài sản được phân chia cho tôi và anh trai thế nào? Bố tôi có được phân chia phần tài sản đó không, nếu có tôi có được nhận thay?

Luật sư tư vấn

Theo điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ chồng. Vì vậy, khối tài sản mà mẹ bạn được thừa kế từ mẹ nuôi là tài sản riêng của mẹ bạn chứ không phải là tài sản chung của vợ chồng.

Có hai phương thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Trường hợp mẹ bạn lập di chúc, việc chia tài sản (với khối tài sản được thừa kế từ mẹ nuôi) sẽ do bà định đoạt. Tuy nhiên, nếu mẹ bạn không để lại di chúc cho những người dưới đây được thừa kế, pháp luật vẫn cho họ được hưởng thừa kế gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.

Đây là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó theo điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.

Thừa kế theo quy định của pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Còn theo điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự các hàng thừa kế gồm:

- Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết...

- Hàng thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột...

Cũng theo điều luật này, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Với trường hợp này, bạn cũng như anh trai khác cha đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ không có sự khác biệt nào trong phân chia di sản. Nếu thời điểm mở thừa kế mà bố mẹ đẻ của mẹ bạn vẫn còn sống thì tài sản sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Cách chia này cũng áp dụng đối với phần di sản là tài sản chung của bố và mẹ bạn.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét