Một nghiên cứu cáo buộc Trung Quốc triệt sản một số phụ nữ Duy Ngô Nhĩ để giảm dân số, khiến nhiều nghị sĩ quốc tế kêu gọi LHQ điều tra.
Theo báo cáo của nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz được viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation có trụ sở tại Washington công bố hôm 29/6, nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đang bị dọa đưa vào trại cải tạo nếu từ chối phá thai do sinh con vượt kế hoạch. Báo cáo dựa trên sự kết hợp dữ liệu chính thức, tài liệu chính sách và các cuộc phỏng vấn với phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Báo cáo chỉ ra rằng những phụ nữ sinh một con, ít hơn giới hạn hợp pháp hai con, đã bị đặt vòng tránh thai ngoài ý muốn. Một số phụ nữ nói rằng họ bị ép phẫu thuật triệt sản.
Những người từng bị đưa vào các trại cải tạo cho biết họ bị tiêm thuốc làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt, hoặc gây chảy máu bất thường, tương ứng với tác dụng của thuốc tránh thai. Các tài liệu của chính phủ do Zenz nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc khu vực nông thôn ở Tân Cương thường xuyên bị quan chức y tế địa phương bắt kiểm tra phụ khoa và thử thai hai tháng một lần.
Zenz nhận thấy mức tăng dân số ở các khu vực của Tân Cương, nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số, giảm xuống dưới mức trung bình so với các khu vực chủ yếu là người Hán trong các năm 2017 và 2018, một năm sau khi tỷ lệ triệt sản trong khu vực vượt qua tỷ lệ trung bình quốc gia.
Trung Quốc dường như đang sử dụng biện pháp tránh thai cưỡng chế ở Tân Cương như một phần của "kế hoạch lớn hơn về thống trị chủng tộc", Zenz viết trong báo cáo. "Những phát hiện này làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về việc liệu các chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương có thể bị coi là chiến dịch diệt chủng về nhân khẩu học" theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, Zenz cho hay.
Zenz là một nhà nhân chủng học và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trị an tại các khu vực dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Ông nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về trại cải tạo ở Tân Cương.
Bộ Ngoại giao Mỹ gọi chiến dịch này "gợi nhớ lại sự ngược đãi thành viên các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo trong suốt thế kỷ 20". "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức những hành vi khủng khiếp này và yêu cầu tất cả quốc gia cùng với Mỹ kêu gọi chấm dứt những hành vi phi nhân tính này", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay.
Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm các nghị sĩ Bắc Mỹ, châu Âu và Australia, cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ thúc đẩy điều tra pháp lý về việc "liệu có tội ác chống lại loài người hay nạn diệt chủng đã diễn ra" ở Tân Cương hay không. IPAC cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra độc lập về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.
Anh nói nghiên cứu của Zen tăng thêm "mối lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân quyền ở Tân Cương". "Tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét rất cẩn thận báo cáo này", quan chức ngoại giao Nigel Adams nói trước quốc hội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các cáo buộc là "vô căn cứ" và mang "động cơ ngầm". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích truyền thông "thêu dệt thông tin sai lệch về các vấn đề liên quan đến Tân Cương", khẳng định tình hình ở Tân Cương là "hòa hợp và ổn định".
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung ở Tân Cương. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuyên bố trên không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/6 Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc. Luật cũng kêu gọi các công ty Mỹ hoạt động tại Tân Cương đảm bảo không sử dụng nhân sự là "các lao động cưỡng bức".
Huyền Lê (Theo AFP, Telegraph, AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét