Học sinh THPT có năng khiếu nghệ thuật vẫn học văn hóa bình thường nhưng chương trình được điều chỉnh, dành 1/3 thời gian đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề này với UBND TP HCM và các ban ngành tại Chương trình đối thoại văn hoá với chủ đề Giải pháp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP HCM thành thành phố văn hóa, chiều 27/6.
"Đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy, muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng", ông Nhân nói.
Theo người đứng đầu Thành uỷ TP HCM, trường phổ thông này sẽ không nhiều học sinh và sẽ phải nhận kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách. Tất cả nghệ sĩ đang biểu diễn có thể trở thành giáo viên thỉnh giảng của trường. Quá trình học, nếu em nào có tài năng sẽ được tuyển lựa vào các đơn vị biểu diễn, hoạt động văn hóa.
"Các nước họ đều làm thế. Ở Nga, để phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống múa balê họ khuyến khích và có trường năng khiếu riêng để các em vào học từ lúc 5-6 tuổi", ông Nhân nói và cho rằng nếu coi phát huy văn hóa là nền tảng thì phải dành định mức đầu tư ngân sách cố định, bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc.
Vì vậy, ông Nhân đề nghị HĐND thành phố tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách "cứng" cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động biểu diễn. Đồng thời, TP HCM cũng nên có các cuộc thi về các bộ môn nghệ thuật truyền thống để nghệ sĩ được bộc lộ khả năng, ghi nhận.
Bí thư Thành uỷ TP HCM cho rằng, người dân thành phố là người của nhiều địa phương, dân tộc đến sinh sống, làm ăn nên văn hóa TP HCM là văn hóa chấp nhận sự đa dạng, không dị ứng cái lạ, cái mới, nếu tốt thì học tập. Đó là yếu tố giúp cho thành phố năng động, sáng tạo. "Nếu không quan tâm đầy đủ về văn hóa, nếu chỉ phát triển kinh tế thì có nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội, rối loạn xã hội", ông nói.
Tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết, việc phối hợp với các sở ngành để tạo cơ sở vật chất thuận lợi cho các hoạt động văn hóa đang được đẩy mạnh. Một số dự án trọng điểm của thành phố đã và đang thực hiện như: rạp xiếc đa năng, nhà hát giao hưởng, bảo tàng thành phố, hay mới đây nhất là đề án xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn.
Đây là lần đầu TP HCM tổ chức đối thoại về văn hóa. Đối thoại văn hóa là diễn đàn trao đổi, bàn luận những vấn đề cốt lõi về thực trạng của các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa, đến đời sống của người dân thành phố.
Trung Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét