Người dân ở vùng quê nghèo đói của Ấn Độ mạo hiểm mạng sống để đào mica, loại khoáng sản lấp lánh sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
Từ sơn móng tay tới son môi, mica có mặt trong mỹ phẩm được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày. Nhưng nhiều người tiêu dùng có lẽ không biết, khoáng chất mang lại độ lấp lánh cho những sản phẩm này được khai thác bằng những phương pháp lạc hậu trong điều kiện nô lệ thời hiện đại, tại một trong những khu vực nghèo đói nhất thế giới.
Bên trong những ngọn đồi đầy bụi ở Jharkhand, bang phía đông Ấn Độ, là những hố sâu hoắm đào xuyên qua lòng đất cứng. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em tìm kiếm mica giữa đống đất đá, dùng tay trần và những dụng cụ thô sơ để cạo đất.
Họ làm việc trong điều kiện nguy hiểm, 8 tiếng mỗi ngày, giữa bầu không khí đầy bụi độc và nguy cơ sạt lở đất, mạo hiểm mạng sống với hy vọng tìm thấy đủ mica để bán lấy tiền sinh nhai. Mỗi giỏ mica bán được 1-2 USD. Không ai trong số những lao động ở đây biết mica dùng để làm gì.
"Tôi thà làm việc trong hầm mỏ còn hơn chết đói", một phụ nữ vừa nói vừa đào đất.
Trong một khu mỏ khác, Anil, 25 tuổi, đang tìm kiếm mica cùng vợ và hai con nhỏ. Họ sống trong một ngôi làng dưới chân mỏ, nơi không có nước máy, cũng chẳng có điện. Anil từng là nông dân, nhưng hạn hán nghiêm trọng khiến đất đai vùng này trở nên cằn cỗi.
"Mica là lựa chọn duy nhất với chúng tôi", Anil nói. "Tất cả chúng tôi đều đến đây để làm việc, mong kiếm đủ tiền mua gạo, tự nuôi sống bản thân".
Một nhóm trẻ em 6-9 tuổi đang ngồi ở phần lộ thiên của hầm mỏ, mải miết nhặt mica giữa cái nóng thiêu đốt lên tới 46 độ C của tháng 6.
"Cháu là Gagan Kugar, 8 tuổi", một cậu bé nói, cho biết có mặt ở đây từ 6h sáng. "Chủ nhật nào chúng cháu cũng tới đây, những ngày khác phải đi học".
"Cháu không thích đi làm mỏ, nhưng việc này giúp cháu có đủ tiền mua dụng cụ học tập như sách vở, bút chì", một cậu bé khác nói. "Ngoài ra còn mua cả thức ăn, xà phòng nữa".
Ấn Độ là nhà sản xuất mica lớn nhất thế giới, cung cấp cho các ngành công nghiệp sơn ôtô, sản xuất linh kiện điện tử và mỹ phẩm. Tuy thương lái và các nhà sản xuất mỹ phẩm đều khẳng định mica có nguồn gốc từ Rajasthan, bang miền tây Ấn Độ, nơi hoạt động khai thác phải xin giấy phép và được chính quyền giám sát, trên thực tế, đa số mica được khai thác trái phép tại Bihar và Jharkhand, phía đông đất nước.
Số mica khai thác được sẽ bán cho thương lái, rồi vận chuyển tới thành phố Giridih, bán cho những nhà xuất khẩu đi Trung Quốc, Mumbai, Đức..., với giá 550 USD một tấn.
Karan Singh, 35 tuổi, có hai con, cho biết "chẳng còn lựa chọn nào khác" ngoài mạo hiểm mạng sống, bởi anh không có trình độ và không được chính phủ hỗ trợ. Singh cho hay đã khai thác ở hầm sâu 15 mét được 4 tháng. Cứ mỗi tháng, ở đây lại có khoảng 12 người chết vì sập hầm.
"Nếu Thượng đế ban chết, sớm muộn gì cũng phải chết. Nhưng tới giờ thì chưa có thảm họa nào xảy ra cả", Singh nói khi được hỏi về nguy cơ sạt lở tại đây.
Singh và bạn kiếm được 4 USD sau 8 giờ khai thác mỗi ngày. Mica sâu trong lòng núi nhiều hơn, chất lượng cũng cao hơn. 4 - 5 tháng trước, cảnh sát từng ghé qua, cấm họ khai thác mica nhưng "nếu không tiếp tục, chúng tôi biết lấy gì ăn đây?", Singh nói.
Nhiều người trong làng của Singh đã chết vì sập hầm. Tại ngôi làng dân số khoảng 4.000 người, khai thác mica là nguồn thu chính. Anita Devi, một phụ nữ có 4 con mất chồng ba năm trước, không rõ năm nay mình bao nhiêu tuổi, bởi bố mẹ không nhớ sinh cô năm nào.
"Chồng tôi đi đào mỏ, anh ấy xuống sâu bên dưới và bị chôn sống vì sạt đất", Devi nói. "Ba người nữa cũng chết".
Chồng chết, không đất đai cày cấy, Devi lại tiếp tục công việc của anh để nuôi sống gia đình. Hàng ngày cô mang cuốc, thúng tới núi. Tan học, các con cô sẽ tới giúp mẹ, đứa bé nhất mới 4 tuổi.
"Chúng tôi chỉ nhặt đá vụn lộ thiên nên không kiếm được nhiều tiền", cô nói. Sau ba tiếng nhặt nhạnh, 4 mẹ con kiếm đủ tiền mua thức ăn trong ngày.
Hồng Hạnh (Theo Aljazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét