Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp cứng rắn với Mỹ khi liên tục mâu thuẫn với các quốc gia láng giềng và khuấy động Biển Đông.
Cùng tuần xảy ra cuộc ẩu đả đẫm máu ở biên giới Ấn - Trung, tàu ngầm Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Nhật Bản, khiến Tokyo phải lập tức điều khu trục hạm và tàu chở trực thăng săn ngầm theo dõi. Hàng loạt tiêm kích và oanh tạc cơ Trung Quốc đã 9 lần áp sát đảo Đài Loan chỉ trong tháng 6.
Trung Quốc tuyên bố tất cả hoạt động gần đây chỉ mang tính phòng thủ, nhưng thực tế chúng đều làm tăng nguy cơ xung đột quân sự, theo Steven Lee Myers, bình luận viên của NYTimes. Vụ ẩu đả với binh sĩ Ấn Độ tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền, là minh chứng.
Ấn Độ thông báo 20 binh sĩ thiệt mạng trong vụ đụng độ, trong khi Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không công bố con số. Đây được xem là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ vụ lính Trung Quốc phục kích binh sĩ Ấn Độ năm 1975 ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới Ấn - Trung.
Ấn Độ cho rằng Trung Quốc lên kế hoạch tiến hành vụ ẩu đả từ trước, ngay cả khi chỉ huy cấp cao của hai nước đồng ý hạ nhiệt căng thẳng trên LAC. Trung Quốc bác cáo buộc và tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ "cố tình khiêu khích" dẫn đến ẩu đả chết người.
Trung Quốc từ lâu luôn quyết liệt bảo vệ mọi lợi ích và lãnh thổ quốc gia, tuy nhiên, Bắc Kinh hiện tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây.
"Năng lực quân sự của Trung Quốc đang tăng lên rất nhiều so với các nước khác trong khu vực. Nó giúp Bắc Kinh có thêm nhiều công cụ để thúc đẩy các kế hoạch quyết đoán và quyết liệt hơn", Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc ở Canberra, Australia, nhận định.
Hoạt động quân sự gia tăng gần đây nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 1990 và được đẩy mạnh hơn dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập liên tục thanh lọc hàng ngũ quan chức quân đội hàng đầu vướng vào tham nhũng, đồng thời chuyển trọng tâm của quân đội từ hoạt động quân sự trên đất liền sang tác chiến trên các vùng biển xanh, xa đại lục, sử dụng vũ khí hải quân, không quân và công nghệ cao.
Ông Tập cũng dành nhiều ưu tiên cho quân đội hơn sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng trước thông báo tăng 6,6% ngân sách quốc phòng trong năm nay, lên gần 180 tỷ USD, bằng 1/4 chi tiêu quân sự Mỹ, dù phải cắt giảm ngân sách cho hàng loạt lĩnh vực khác do kinh tế suy thoái.
Tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc vừa qua, ông Tập nhấn mạnh vai trò của quân đội ở Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, đồng thời cảnh báo đại địch đã đặt ra nhiều thách thức về an ninh quốc gia. Ông khẳng định Trung Quốc cần "tăng cường chuẩn bị cho các cuộc đối đầu quân sự, diễn tập quân sự thực tế và cải thiện toàn diện khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự".
Tuy vẫn kém hơn Mỹ về lực lượng vũ trang, quân đội Trung Quốc đã bắt kịp Washington trong một số lĩnh vực, như khả năng mở rộng hạm đội tàu chiến và triển khai tên lửa phòng không, chống hạm, theo bình luận viên Lee Myers. Cho tới cuối năm ngoái, Trung Quốc đã sở hữu ít nhất 335 tàu chiến, trong khi Mỹ là 285, theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ ở Washington.
Báo cáo cũng nêu rõ Trung Quốc là "thách thức của hải quân Mỹ trong việc duy trì kiểm soát vùng biển Tây Thái Bình Dương, thách thức lớn đầu tiên của lực lượng này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh".
Bắc Kinh cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động quân sự gần Đài Loan, sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử. Một trong hai tàu sân bay của Trung Quốc, cùng với 5 tàu chiến khác, đã áp sát bờ biển phía đông Đài Loan hồi tháng 4. Tuần trước, máy bay của Bắc Kinh nhiều lần tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, điều mà giới phân tích xem là bài kiểm tra khả năng phòng thủ của hòn đảo. Trung Quốc dự kiến vào tháng 8 ngoài khơi đảo Hải Nam, mô phỏng cuộc tấn công quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc sau khi kiểm soát được Covid-19 cũng không ngừng "khuấy động" tình hình Biển Đông. Ngày 18/4, Bắc Kinh thông báo thành lập cái gọi là "hai quận Tây Sa và Nam Sa" tại "thành phố Tam Sa" để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một động thái phi pháp nhằm mở rộng yêu sách ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng 4, tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam chở 8 ngư dân đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng tháng, tàu khảo sát Trung Quốc bám theo tàu khoan của Malaysia ở phía nam Biển Đông, khiến Mỹ và Australia phải điều 4 tàu chiến tới theo dõi. Tàu chiến Trung Quốc cũng bị cáo buộc chĩa radar hỏa lực vào tàu hộ vệ Conrado Yap của Philippines.
Tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 2018, tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện ở phía đông Biển Hoa Đông, gần vùng biển Nhật Bản. Động thái này diễn ra sau những căng thẳng gần đây với Tokyo về tranh chấp nhóm đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
"Khi thấy bị thách thức ở nhiều khu vực tranh chấp chủ quyền hiện nay, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp rất cứng rắn", Taylor Fravel, chuyên gia về quân sự Trung Quốc và là giám đốc Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói.
Fravel cho rằng Trung Quốc đã dần tích lũy sức mạnh về hải quân trong suốt 10-15 năm qua để đủ khả năng khẳng định vị thế trong lĩnh vực này. "Điều này giúp Trung Quốc giờ có thể tăng cường các yêu sách ở Biển Đông nhiều hơn trước", ông nói.
Không chỉ hải quân, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động kiểm soát vùng trời khu vực. Tướng Charles Q. Brown Jr, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, tuần này nói Trung Quốc trước đây chỉ thỉnh thoảng thực hiện các chuyến bay của oanh tạc cơ H-6, nhưng giờ đây là hoạt động thường xuyên.
Các oanh tạc cơ này đã được tân trang và trang bị thêm nhiều tên lửa mới mà Trung Quốc ra mắt trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10 năm ngoái.
Lee Myers, nhà phân tích của NYTimes, nhận định căng thẳng với Ấn Độ là vấn đề đáng chú ý, nhưng đó không phải là những ưu tiên cốt lõi của quân đội Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh hiện nay là đối đầu với cái mà họ coi là "sự xâm phạm" của Mỹ tới các khu vực xung quanh Trung Quốc.
Các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc không chỉ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, nó còn gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ, nhằm phản đối các hoạt động quân sự và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Mỹ gần đây đã tăng cường điều tàu chiến tới Biển Đông thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và diễn tập chung với đồng minh, cũng như hỗ trợ Đài Loan tăng năng lực phòng thủ. Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích Mỹ gây căng thẳng trong khu vực và cáo buộc quân đội Mỹ thường xuyên can thiệp vào nơi Washington không có tuyên bố chủ quyền.
Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác về Biển Đông, cảnh báo khả năng đối đầu giữa Washington và Trung Quốc sẽ tăng lên khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn gay cấn.
"Mỹ đã ghìm chặt Trung Quốc bằng hai móng vuốt là vấn đề Biển Đông và Đài Loan", ông Zhu nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét