Tổng số vụ tự tử tại Nhật hồi tháng 10 là 2.153, con số hàng tháng cao nhất trong hơn 5 năm qua. Tỷ lệ này gia tăng nhiều hơn ở phụ nữ.
Từ tháng 7 đến tháng 10, ít nhất 2.810 phụ nữ Nhật đã tự tử, cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu sơ bộ theo nhóm tuổi cho thấy mức tăng số ca tự tử mạnh nhất ở những người dưới 29 tuổi.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử còn cao hơn Nhật Bản, với số trường hợp tử vong do tự tử đạt đỉnh điểm gần 16.000 vụ vào năm 2011. Số vụ tự tử trong năm nay nhìn chung giảm, song số phụ nữ ngoài 20 tuổi tự tìm đến cái chết trong nửa đầu năm lại tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số ít quốc gia công bố dữ liệu cập nhật về số người tự tử. Chuyên gia lo ngại xu hướng số vụ tự tử gia tăng đáng chú ý ở hai nước này có thể là tín hiệu cảnh báo sớm cho phần còn lại của thế giới, khi đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa đang tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần con người.
Hiện chưa có nghiên cứu toàn cầu nào giúp trả lời câu hỏi liệu đại dịch có khiến số ca tự tử tăng cao hơn hay không hoặc nó có thể ảnh hưởng tới các nhóm tuổi và giới tính khác nhau như thế nào.
Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện cho thấy 1/10 số người được hỏi từng nghĩ đến việc tự tử trong tháng trước, cao gấp đôi tỷ lệ ghi nhận được hồi năm 2018. 1/4 trong nhóm này là những người trong độ tuổi từ 18 đến 24. Cũng có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ tự tử của quân nhân Mỹ đang tăng.
Tại Anh, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10 bởi Tạp chí Tâm thần Anh cho thấy suy nghĩ tự tử đã gia tăng trong 6 tuần áp dụng lệnh phong tỏa chống Covid-19. Phụ nữ và thanh niên là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Nhật, thanh niên và phụ nữ trẻ gần đây liên tục liên lạc tới các đường dây nóng trợ giúp ngăn chặn tự tử và kêu gọi giúp đỡ trên Twitter cùng hàng loạt diễn đàn trực tuyến khác.
Yuki Nishimura từ Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Nhật Bản cho biết cơ hội để một người gọi điện kết nối được với đường dây nóng của họ chỉ là khoảng 40%, dù họ đã tăng nhân viên tư vấn. Điều này cho thấy nhu cầu được tư vấn của những người rơi vào đường cùng đang gia tăng nhanh chóng.
Jiro Ito, lãnh đạo OVA, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên ngăn chặn các vụ tự tử, cho hay những người gọi điện tới đường dây trợ giúp của họ thường có điểm chung là luôn cảm thấy cô độc.
"Trong thời kỳ đại dịch, chúng ta có ít cơ hội giao lưu và trò chuyện với mọi người xung quanh hơn", ông nói. "Nếu bạn có gia đình, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn bên họ. Nếu mối quan hệ giữa bạn với gia đình tốt đẹp, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng nếu mối quan hệ giữa bạn với các thành viên trong nhà không được tốt và bạn đóng cửa với thế giới bên ngoài, điều đó sẽ chỉ làm tăng cảm giác căng thẳng và cô đơn".
Theo Michiko Ueda, giáo sư Đại học Waseda, Nhật Bản, chuyên nghiên cứu về tự tử và phòng chống tự tử, nguyên nhân số vụ tự tử ở phụ nữ gia tăng trong năm nay hiện chưa rõ ràng, nhưng các yếu tố kinh tế có thể đóng một vai trò nào đó.
"Các ngành du lịch, bán lẻ, thực phẩm và nhà hàng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi Covid-19", bà nói và thêm rằng những ngành này thường có xu hướng tuyển dụng phụ nữ, chủ yếu ở các vị trí lao động hợp đồng. "Rất nhiều phụ nữ đã mất việc làm và thu nhập bị giảm đáng kể".
Nhật Bản không ngăn Covid-19 lây lan bằng cách đóng cửa hoàn toàn như nhiều nơi khác trên thế giới, mà chủ yếu dựa vào việc khuyến khích người dân đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tụ tập đông người.
Tuy nhiên, trường học trên cả nước vẫn phải ngừng hoạt động từ tháng ba đến tháng 5. Mặt khác, hầu hết người dân phải làm việc từ xa trong giai đoạn Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 4 và tháng 5.
Dù đường phố và tàu điện ngầm ở Nhật đã đông đúc trở lại, cuộc sống còn rất lâu mới quay về nhịp độ bình thường. Nhiều người đang phải chật vật duy trì hoạt động kinh doanh, một số vẫn làm việc ở nhà hoặc ít giao tiếp xã hội hơn. Đa phần các trường đại học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Nhưng có một nghịch lý là số vụ tự tử lại giảm đáng kể trong thời gian Nhật Bản áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia. "Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người thường có xu hướng lo cho sự sống của bản thân hơn, vậy nên họ không nghĩ đến chuyện tự tử", Ueda lý giải.
Khi mùa hè đến và người dân trở lại với cuộc sống "bình thường mới", tâm lý căng thẳng bắt đầu quay trở lại.
Bond Project, tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ phụ nữ trẻ, hồi tháng 6 tiến hành một cuộc thăm dò trên 1.000 người từng được họ trợ giúp trong quá khứ. Khoảng 3/4 trong số này nói họ cảm thấy không có động lực và hoặc muốn "biến mất và chết". Số khác nói họ cảm thấy cô đơn và không thể ngủ.
"Nhiều người tìm đến chúng tôi và bảo rằng họ không có nơi nào để đi khi bị yêu cầu ở yên trong nhà", Jun Tachibana từ Bond Project nói. "Nhiều người gặp rắc rối với gia đình, bạn bè và bạn trai. Tôi sợ rằng họ sẽ cảm thấy cô đơn thêm".
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ tử vong ở thủ đô Seoul đã tăng 4,8% trong nửa đầu năm 2020.
Theo Joo Ji-young, phó giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa Tự tử Seoul, "một tác dụng phụ không thể tránh khỏi của cách biệt cộng đồng là nó nới rộng 'khoảng cách tâm lý' giữa mọi người với nhau".
Giám đốc trung tâm Paik Jong-woo nhấn mạnh sự thiếu kết nối giữa con người với nhau là mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần nói chung nhưng phụ nữ "thường chịu gánh nặng lớn hơn bởi họ phải đối mặt tình trạng công việc bấp bênh hơn so với đàn ông và áp lực chăm sóc con cái".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét