Gần một năm sau khi những ca Covid-19 đầu tiên bùng lên ở Vũ Hán, dường như Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi quan điểm về nguồn gốc đại dịch.
Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về phát hiện nCoV trên bao bì thực phẩm nhập khẩu đông lạnh, thứ không được cộng đồng khoa học coi là vật trung gian đáng lo ngại, cũng như những nghiên cứu về các trường hợp có thể là ca Covid-19 phát hiện bên ngoài biên giới Trung Quốc trước tháng 12/2019.
Trong bài đăng trên Facebook tuần trước, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố "mọi bằng chứng hiện có đều cho thấy nCoV không khởi phát ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc".
"Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện nCoV nhưng không phải nơi khởi phát", Tăng Quang, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, nói.
Khi được hỏi về thông tin virus có nguồn gốc ngoài Trung Quốc mà báo chí nhà nước gần đây đưa tin, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng điều quan trọng là phải phân biệt được đâu là nơi đầu tiên phát hiện Covid-19 và đâu là nơi nó bắt đầu lây nhiễm sang người.
"Dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo ca nhiễm, nhưng không có nghĩa là virus bắt nguồn từ Trung Quốc", Triệu Lập Kiên nói. "Truy xuất nguồn gốc là một quá trình liên tục có thể liên quan tới nhiều quốc gia và khu vực".
Các nhà khoa học Trung Quốc thậm chí còn gửi bài báo khoa học cho tuần san y khoa Lancet, dù chưa được đánh giá ngang hàng, tuyên bố rằng "Vũ Hán không phải là nơi xảy ra lây nhiễm nCoV từ người sang người đầu tiên", nêu giả thuyết ca lây nhiễm đầu tiên có thể khởi phát tại Nam Á.
Rất hiếm nhà khoa học phương Tây đồng tính với quan điểm virus này có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc. Michael Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuần trước cho rằng lập luận Covid-19 không phải bùng lên từ Vũ Hán mang tính "võ đoán cao".
"Rõ ràng là từ góc độ y tế công, phải điều tra nguồn gốc virus tại những nơi xuất hiện ca nhiễm trên người đầu tiên", Ryan phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva.
Giáo sư Jonathan Stoye, nhà virus học tại Viện Francis Crick ở London, nhận định những thông tin về việc Covid-19 hoành hành tại Italy vào mùa thu 2019 dựa trên mẫu từ bệnh nhân ung thư, có vẻ "không chắc chắn".
"Dữ liệu huyết thanh của Italy có thể giải thích là các kháng thể phản ứng chéo chống lại những loại virus corona khác", ông cho hay. Nói cách khác, các kháng thể tìm thấy trong bệnh nhân ở Italy đã được kích hoạt ở những người bị nhiễm các loại virus corona khác, không phải Covid-19.
"Một điều khá chắc chắn là những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận về Covid-19 là ở Trung Quốc", Stoye nói thêm. "Do đó, nhiều khả năng là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc".
Dù dấu vết nCoV tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh, các nhà khoa học cho rằng khả năng lây nhiễm của nó rất thấp bởi dịch bệnh này chủ yếu lây lan qua giọt bắn đường hô hấp.
Một xét nghiệm dương tính "không chỉ ra virus có khả năng lây nhiễm, mà chỉ là tín hiệu cho thấy có virus hiện diện trên bề mặt đó", Andrew Pekosz, chuyên gia của Trường Y tế Công Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, nói. "Tôi chưa thấy dữ liệu thuyết phục nào về việc nCoV trên bao bì thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn".
Khi thiệt hại về người và kinh tế của đại dịch ngày một tăng, Bắc Kinh muốn bảo vệ danh tiếng của mình ở trong nước và ngoài nước. Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 60 triệu người nhiễm và gần 1,5 triệu người chết.
Từ khi phục hồi sau đợt bùng phát ban đầu, Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế của mình ở nước ngoài bằng viện trợ y tế. Trung Quốc cũng quảng cáo một số loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng như một phần đóng góp cho "lợi ích toàn cầu", đề nghị hỗ trợ sản xuất và tài trợ tiêm chủng. Nhưng sự bất bình trước vai trò của Bắc Kinh trong việc đại dịch bùng phát cuối cùng có thể khiến Trung Quốc khó giải quyết hơn chính bản thân đại dịch.
"Trung Quốc vẫn chật vật đối phó thực tế rằng họ phải chịu trách nhiệm về 'tội lỗi ban đầu' của việc bùng phát, điều ảnh hưởng tới mọi nỗ lực cứu vãn hình ảnh của Trung Quốc", Andew Small, một học giả về Trung Quốc kiêm nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Marshall Đức, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói.
"Tình hình những tháng gần đây đã cho thấy tác động thảm khốc mà đại dịch gây ra cho Trung Quốc trong mắt dư luận quốc tế", ông nhận định.
Small cho rằng Trung Quốc gần đây tập trung vào đưa tin quanh những giả thuyết khác nhau về nguồn gốc nCoV. Tin tức mà báo chí đưa phù hợp với câu chuyện về một Trung Quốc mạnh mẽ, cho thấy thành công to lớn trong việc gần như xóa bỏ hoàn toàn Covid-19 và đưa cuộc sống trong nội địa trở lại bình thường. Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc cũng đưa ra một số giả thuyết gây nghi ngờ cho khán giả quốc tế, những người có khả năng tin vào chuyện Covid-19 bắt nguồn ngoài Trung Quốc, và cho rằng nó là "vấn đề nhạy cảm về chính trị" trong quan hệ với Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc đặt nghi vấn về nguồn gốc nCoV ngoài Vũ Hán có thể đáng tin hơn nếu họ hỗ trợ một cuộc điều tra độc lập. Nhưng giới chức nước này được cho là chưa hợp tác hiệu quả.
Đoàn thanh tra của WHO tới Vũ Hán hồi đầu năm đã không được tới thăm chợ thực phẩm có liên quan tới đợt bùng phát đầu tiên. Một nhóm mới dự kiến sẽ sớm đến Trung Quốc để hợp tác với một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa lên lịch trình cụ thể và WHO chỉ nói rằng họ sẽ đi "vào thời gian thích hợp".
Tìm hiểu được nguồn gốc Covid-19 có ý nghĩa quan trọng với nỗ lực ngăn chặn một đại dịch khác. Theo Small, có vẻ như Bắc Kinh đang tập trung vào câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cho đại dịch, hơn là tìm hiểu nguồn gốc của nó và điều này "chắc chắn không thể xác định được điều gì đã đi sai hướng cũng như đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét