Đảo Fukue ở tây nam Nhật Bản chào đón những người Việt trẻ đến học tại trường dạy tiếng địa phương trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Khoảng 90% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở thành phố Goto trên đảo Fukue đều rời quê hương để học lên cao hơn hoặc tìm việc làm, để lại hòn đảo với một dân số ngày càng già hoá, giới chức địa phương cho hay.
Hồi tháng 4, một nhóm gồm 16 sinh viên Việt Nam tới đây đã tạo ra bước đà để bù đắp lỗ hổng này khi họ nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của cư dân địa phương.
Ý tưởng về việc thành lập một trường tư ở Fukue với cơ sở vật chất nội trú riêng được đưa ra từ năm 2018. Giới chức hy vọng trường sẽ thu hút những người Việt muốn học tiếng Nhật để chuẩn bị cho việc học tập hoặc tìm kiếm việc làm ở đất nước này.
Lam Nhat Hai rất vui khi đến Fukue, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Goto.
"Tôi có thể tập trung vào việc học của mình nhờ sống trong một môi trường yên tĩnh. Mọi người cũng rất tốt bụng, vì thế tôi thực sự vui khi chọn Goto", nam sinh 19 tuổi, nói.
Vừa học tiếng Nhật vừa đi làm thêm sau giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt, Hai đặt mục tiêu cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình để có thể theo học ngành du lịch tại một trường đại học ở Kyoto, điểm du lịch hàng đầu của Nhật Bản.
"Tôi đang nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình là mở một khách sạn riêng tại Việt Nam", Hai nói.
Các sinh viên Việt Nam tại Fukue sẽ trải qua một khoá học hai năm với mục tiêu là vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật để thi vào đại học. Nhiều người trong số họ xuất thân từ các gia đình nghèo.
Chính quyền thành phố Goto đã cung cấp một toà nhà mới xây cho trường sử dụng miễn phí, cùng học bổng 480.000 yên để trang trải một phần mức học phí thường niên 540.000 yen.
Thành phố chọn một tập đoàn giáo dục ở tỉnh tây nam Kumamoto để quản lý trường dạy tiếng. Những sinh viên người Việt được lựa chọn do tập đoàn này có quan hệ với đại học Nagasaki, nơi có thoả thuận hợp tác giáo dục với thành phố Đà Nẵng.
Ông Yosuke Yoshihama, 63 tuổi, hiệu trưởng nhà trường, ca ngợi sinh viên Việt Nam có "khao khát học tập đặc biệt lớn" và "sự quyết tâm thành công".
"Tôi hy vọng họ sẽ trở thành cầu nối giữa quần đảo Goto và thế giới", ông nói, thêm rằng có kế hoạch tăng số sinh viên lên 100.
Trước khi trường mở cửa, có những lo ngại liệu các thanh niên Việt có thích nghi được với môi trường sống vắng lặng trên đảo, nhưng ông Yoshihama cho hay lo lắng đó giờ đã tan biến. Thực tế, họ đã chiếm được cảm tình của cộng đồng địa phương.
Hầu hết sinh viên người Việt làm việc tới 28 tiếng/tuần theo quy định dành cho sinh viên nước ngoài.
Seiichiro Mochizuki, người thuê hai sinh viên làm việc tại cửa hàng của ông, rất cảm ơn họ và mô tả họ là "nghiêm túc, mạnh dạn".
"Tôi muốn thuê thêm một sinh viên nữa nếu có thể", ông Mochizuki, 73 tuổi, nói.
Để thể hiện tình cảm với các sinh viên Việt Nam, một số người dân còn cho họ gạo và rau, vì lo lắng thu nhập của các bạn trẻ bị cắt giảm khi một số doanh nghiệp đóng cửa do Covid-19.
"Tôi muốn khuyến khích họ thấy được mình đang nỗ lực hết sức như thế nào", Hiroshi Kambara, chủ tịch một hiệp hội cư dân địa phương, 73 tuổi, nói. "Cả hòn đảo này đang tiếp nhận nguồn năng lượng từ họ".
Anh Ngọc (Theo Kyodo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét