Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Vụ ám sát nhắm vào 'bộ não hạt nhân' Iran

Trong nhiều năm, Mohsen Fakhrizadeh được coi là "bộ não" chỉ huy chương trình hạt nhân Iran, đặc biệt là nỗ lực phát triển bom hạt nhân của nước này.

Là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, nhưng Fakhrizadeh hiếm khi được truyền thông nhà nước nhắc đến, đôi khi chỉ mô tả ông đơn giản là một giáo sư đại học. Iran bác bỏ cáo buộc họ từng nỗ lực làm giàu uranium phục vụ mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân và bác bỏ việc Fakhrizadeh tham gia vào chương trình như vậy.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tình báo phương Tây cho rằng Fakhrizadeh đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran trước khi nỗ lực này bị đình chỉ vào năm 2003. "Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nói trong bài thuyết trình về chương trình hạt nhân Iran năm 2018.

Mohsen Fakhrizadeh trong buổi gặp mặt với lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tháng 2/2019. Ảnh: Leader.ir.

Mohsen Fakhrizadeh trong buổi gặp mặt với lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tháng 2/2019. Ảnh: WANA.

Fakhrizadeh gần đây dường như bớt ngần ngại khi xuất hiện trước công chúng. Các trang web chính thức của Iran đăng ảnh ông có mặt tại những sự kiện có sự tham dự của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Tuy nhiên, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Fakhrizadeh. Ngày 27/11, xe chở nhà khoa học hạt nhân này cùng các vệ sĩ bị phục kích tại thành phố Absard, phía đông tỉnh Tehran. Các tay súng dùng thuốc nổ để chặn chiếc xe của ông, trước khi nã đạn khiến Fakhrizadeh trọng thương và qua đời tại bệnh viện.

"Fakhrizadeh nhiều khả năng am hiểu chương trình hạt nhân Iran hơn bất kỳ người nào. Rõ ràng việc mất đi sự dẫn dắt, kiến thức và thông tin trong bộ não của ông ấy là một đòn giáng mạnh vào chương trình hạt nhân Iran", Karim Sadjadpour, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói.

Một số nhà phân tích cho rằng vụ ám sát Fakhrizadeh có tác động đến tình hình nội bộ Iran không khác gì vụ hạ sát Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay thủ đô Baghdad, Iraq hồi tháng một.

"Họ có thâm niên và uy tín tương đương trong nội bộ Iran, dù làm hai công việc hoàn toàn khác nhau", Simon Henderson, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng chưa hẳn cái chết của Fakhrizadeh, người được biết đến nhiều nhất với công trình đã vài chục năm tuổi, sẽ có tác động đáng kể đến các chương trình vũ khí hiện nay của Tehran.

"Rất nhiều chuyên gia khác trong chương trình có thể thiết kế một đầu đạn hạt nhân ngay bây giờ nếu cần. Vì vậy, Iran hiện có thể có nhiều động lực hơn để vũ khí hóa chương trình hạt nhân, trong khi cái chết của Fakhrizadeh không làm suy giảm khả năng của họ".

"Những người như Fakhrizadeh có vai trò rất quan trọng, nhưng không phải là không thể thay thế", Henderson nói, nhấn mạnh rằng cái chết của tướng Soleimani hồi tháng 1 không đặt dấu chấm hết cho các hoạt động đặc biệt của Iran ở nước ngoài.

Giống như Soleimani, Fakhrizadeh từng tham gia Cách mạng Hồi giáo Iran lật đổ quốc vương Mohammad Reza Pahlavi năm 1979, khi mới chỉ là một thanh niên rất trẻ. Ông này được cho là khoảng 60 tuổi khi qua đời, tức là khoảng 18-19 tuổi vào năm 1979.

Sau cách mạng, Fakhrizadeh gia nhập Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ông có bằng tiến sĩ kỹ thuật hạt nhân và từng giảng dạy tại Đại học Imam Hussein.

Với tư cách là cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Vật lý có liên quan đến quân đội Iran, ông đã tham gia vào việc vạch kế hoạch và mua linh kiện cho nhà máy làm giàu uranium đầu tiên của Iran, theo các quan chức Liên Hợp Quốc.

Dưới áp lực của các quốc gia phương Tây, Kế hoạch Amada, chương trình bị cho là nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân bí mật của Iran, bị dừng vào năm 2003. Mặc dù các nhà điều tra từ IAEA chưa bao giờ có cơ hội phỏng vấn Fakhrizadeh, họ xác định ông là lãnh đạo của chương trình Amada.

Fakhrizadeh nằm trong số 8 công dân Iran bị hạn chế đi lại quốc tế và hạn chế tài chính theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2007, vì ông bị cáo buộc liên quan đến các nghiên cứu về "hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo", hồ sơ của Liên Hợp Quốc cho thấy.

Tầm quan trọng của Fakhrizadeh đối với chương trình vũ khí của Iran được nhấn mạnh trong hàng nghìn tài liệu mà đặc vụ Israel nói rằng họ đánh cắp từ Iran và chuyển ra khỏi đất nước vào năm 2018. Các tài liệu này và những hồ sơ khác miêu tả Fakhrizadeh là người đứng đầu dự án kể từ năm 1998.

Khi trình bày những tài liệu Israel thu được năm 2018, Netanyahu lần đầu tiên cho thế giới xem ảnh của Fakhrizadeh và gọi ông này là "người giật dây trong bóng tối" cho nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Iran nói những tài liệu này là giả.

Các nhà phân tích Mỹ và Israel nói rằng sau khi chương trình Amada bị đình chỉ, Fakhrizadeh tiếp tục giám sát các tổ chức kế nhiệm, tuyển mộ những nhà khoa học từng tham gia Amada để tiến hành các nghiên cứu liên quan đến hạt nhân.

Một báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 6 nói rằng những người từng làm việc trong chương trình Amada tiếp tục được tuyển vào những dự án có "các hoạt động kỹ thuật lưỡng dụng (cả mục đích dân sự lẫn quân sự) liên quan đến vũ khí hóa hạt nhân" dưới sự lãnh đạo của Fakhrizadeh. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá điều này cho thấy Iran vẫn chuẩn bị "kế hoạch B" để có thể nối lại hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Truyền thông Iran đã đưa tin đậm về cái chết của Fakhrizadeh. Họ mô tả ông là người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới thuộc Bộ Quốc phòng Iran. Một số cơ quan truyền thông mô tả ông đã tham gia vào phản ứng của quân đội Iran đối với Covid-19.

"Iran có truyền thống ca ngợi các quan chức quan trọng bị giết khi phục vụ đất nước là 'tử vì đạo'", Eric Brewer, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết. Tuy nhiên, trong trường hợp của Fakhrizadeh, Tehran "sẽ phải xử lý khéo léo vì họ đã bác bỏ chương trình vũ khí hạt nhân", Brewer nói thêm.

Holly Dagres, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Fakhrizadeh được coi là "Robert Oppenheimer của Iran", nhắc đến nhà khoa học đã phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới cho Mỹ.

Tuy nhiên, Dagres nhấn mạnh rằng Iran chưa bao giờ thực sự tạo ra vũ khí hạt nhân. Bà đánh giá cái chết của Fakhrizadeh ít khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến chương trình hạt nhân của Tehran. "Bí quyết hạt nhân của Iran không phụ thuộc vào một người duy nhất", bà nói.

Điều có thể gây tổn hại hơn là sự thật rằng Fakhrizadeh, một trong những nhà khoa học hạt nhân được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Iran, bị sát hại ngay giữa lòng đất nước này. Không quốc gia nào đứng ra nhận trách nhiệm, mặc dù Israel đã bị cáo buộc ám sát nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran trong quá khứ. Tehran cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ hạ sát Fakhrizadeh.

"Cái chết của Soleimani không chấm dứt các hoạt động và tham vọng trong khu vực của Iran, nhưng nó khiến Vệ binh Cách mạng và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của Iran mất tinh thần. Người kế nhiệm vẫn không thể lấp đầy khoảng trống ông ấy để lại", Sadjadpour nói. "Cái chết của Fakhrizadeh có thể có tác động tương tự".

Phương Vũ (Theo Washington Post/Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét