Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Bí ẩn vụ trộm kho báu 128 triệu USD

Sau 9 nhát búa, băng trộm đập vỡ tủ kính tại bảo tàng Green Vault ở Dresden, Đức, lấy đi số trang sức trị giá 128 triệu USD rồi tẩu thoát.

Khi lớp kính bảo vệ vỡ tan, hai tên trộm bịt mặt đã lấy đi 21 cổ vật nạm kim cương vô giá và biến mất. Đó là vào ngày 25/11/2019 và chỉ trong và phút ngắn ngủi, những kiệt tác trang sức lịch sử có giá trị nhất thế giới đã bốc hơi.

6 kẻ bị cáo buộc thực hiện vụ trộm trang sức lớn nhất lịch sử này đang bị xét xử tại Đức, bắt đầu từ ngày 28/1. Tuy nhiên, những bí ẩn về điều gì đã xảy ra với kho báu bị đánh cắp đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp.

Những trang sức cổ nạm kim cương bị trộm ở bảo tàng Green Vault tại Cung điện Hoàng gia thành phố Dresden ngày 25/11/2019. Ảnh: AFP.

Những trang sức cổ nạm kim cương bị trộm ở bảo tàng Green Vault tại Cung điện Hoàng gia thành phố Dresden ngày 25/11/2019. Ảnh: AFP.

Gắn tổng cộng hơn 4.300 viên kim cương, số trang sức bị trộm từ bảo tàng Green Vault trị giá ít nhất 128 triệu USD, theo văn phòng công tố bang. Tuy nhiên, Marion Ackermann, giám đốc Cơ quan Quản lý Bộ sưu tập Nghệ thuật Nhà nước Dresden, nhấn mạnh giá trị vật chất không thể phản ánh tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử của chúng.

Gần như tất cả số trang sức bị đánh cắp đều được tạo tác dưới thời Frederick Augustus I, vua đầu tiên của vùng Saxony.

Trong kho báu có một chiếc móc cài mũ của những năm 1780 được trang trí bằng 15 viên kim cương lớn và hơn 100 viên kim cương nhỏ, cùng một thanh kiếm dài 96 cm và một bao kiếm, tất cả đính hơn 800 viên kim cương.

Nhưng giá trị to lớn của số trang sức không phải thứ duy nhất khiến thế giới chú ý. Hành động táo bạo, liều lĩnh của những kẻ thực hiện vụ trộm cũng là yếu tố gây bất ngờ.

Nhà tư vấn an ninh Roy Ramm cho rằng những phi vụ như thế này ngày càng hiếm trong thời đại hiện nay. "Kỹ thuật an ninh liên tục được cải thiện trong những năm qua với hệ thống báo động bằng camera giám sát cùng hàng loạt thiết bị bảo vệ công nghệ cao khác, vì thế, những vụ cướp như vậy thường bị lật tẩy sớm hoặc bắt quả tang... Muốn thành công, bạn cần một số thông tin nội bộ và lên kế hoạch rất chi tiết", ông nói.

Theo các nhà điều tra, 4 tháng trước khi xảy ra vụ trộm, một nghi phạm đã đến thành phố Magdeburg, cách thành phố Dresden gần 290 km về phía tây bắc, để mua một chiếc Audi S6 đã qua sử dụng màu xanh đậm. Đây chính là chiếc xe đưa nhóm tẩu thoát về sau.

Chiếc xe đã được xóa đăng ký, nhưng theo cảnh sát, băng nhóm này còn cẩn thận hơn nhằm che giấu nó khi đổi sơn xe thành màu bạc và chỉ để lại phần nóc màu đen.

"Điều đó cho thấy họ đã lên kế hoạch tỉ mỉ. Họ đã tưởng tượng ra cách vụ cướp diễn ra như thế nào và phản ứng của cảnh sát sẽ ra sao. Họ luôn nghĩ mưu để phá vỡ hoạt động của cảnh sát hoặc giúp nhóm có thêm thời gian", Ramm nhận định.

"Nếu người qua đường nhìn thấy chiếc xe rời khỏi hiện trường và có thể mô tả chi tiết về nó cho nhà chức trách, khi cảnh sát bắt đầu điều tra, nhiệm vụ sẽ trở nên phức tạp hơn, khó khăn hơn và tốn nhiều thời gian hơn vì chiếc xe đã được hóa trang", Ramm nói thêm.

Vài ngày trước phi vụ, các thanh chắn ngang cửa sổ nơi băng trộm chui vào bảo tàng đã bị cắt. Cảnh sát cho biết việc cắt bỏ hoàn toàn những thanh sắt có thể khiến người qua đường nghi ngờ, vì thế băng trộm đã dán tạm chúng lại bằng keo.

Cửa sổ ở vị trí khuất nên camera an ninh không thể soi đến và toàn bộ khu vực này chìm trong "bóng tối hoàn toàn", Sở Văn hóa và Du lịch bang Saxony cho biết.

Một cảm biến chuyển động, lẽ ra phải được kích hoạt khi những tên trộm đột nhập, đã không hoạt động. Báo động đã bị tắt một ngày trước khi vụ trộm xảy ra và nhân viên an ninh không thể kích hoạt lại.

Theo cảnh sát, vào khoảng 4h50 sáng thứ hai, ngày 25/11/2019, băng trộm bắt đầu hành động.

Đầu tiên, những tên trộm hoặc đồng bọn của chúng đã đốt một hộp kỹ thuật điện gần bảo tàng Green Vault. Điều này khiến đèn đường gần đó vụt tắt, làm cả khu vực tối đen như mực.

Phòng trưng bày trang sức bên trong bảo tàng Green Vault thuộc Cung điện Hoàng gia ở Dresden, Đức. Ảnh: AFP.

Phòng trưng bày trang sức bên trong bảo tàng Green Vault thuộc Cung điện Hoàng gia ở Dresden, Đức. Ảnh: AFP.

Đến 4h57, chúng tiến đến nơi cất giữ trang sức. Camera an ninh cho thấy băng trộm biết rõ chúng đang đi đâu. Sau khi lọt được vào bên trong qua lối cửa sổ, chúng đã đến thẳng Phòng Trang sức, nơi trưng bày những hiện vật quý giá nhất của bảo tàng.

Băng trộm chỉ mất vài phút để đập vỡ tủ trưng bày, lấy đồ trang sức rồi bỏ đi. Ackermann cho hay chúng không thể lấy tất cả các hiện vật trưng bày bởi một số đã được khâu vào hộp đựng.

Trước khi tẩu thoát, chúng còn xịt bình chữa cháy khắp phòng để che dấu giày, vốn là bằng chứng rất quan trọng để cảnh sát lần theo nghi phạm.

Cả nhóm sau đó tẩu thoát khỏi hiện trường trên chiếc Audi và chỉ 13 phút sau, chiếc xe bị đốt cháy trong một gara ngầm cách đó khoảng 3 km.

"Sử dụng một chiếc xe mà không để lại ADN là điều cực kỳ khó", Ramm cho hay. "Rất nhiều vụ cảnh sát chỉ cần một lượng nhỏ ADN tìm thấy trong xe để xác định ai có mối liên hệ với nó. Vì vậy, đốt cháy chiếc xe là cách để hủy hoại dấu vết ADN".

Cảnh sát ngay lập tức mở chiến dịch điều tra với mật danh Epaulette. Hai nhân viên bảo vệ của bảo tàng đã phát hiện vụ trộm qua màn hình giám sát an ninh, nhưng không can thiệp mà gọi điện báo cảnh sát. Cảnh sát sau đó đặt nghi vấn về quyết định này, nhưng Ackerman cho hay họ chỉ tuân thủ quy trình an toàn.

"Cách duy nhất giúp phi vụ trót lọt là băng trộm có thông tin nội bộ", Ackerman nói. "Bạn phải biết không có những thứ như tia laze phát hiện chuyển động trong phòng, hay cảm biến áp suất quanh nơi trưng bày trang sức. Những gì chúng làm là vô cùng rủi ro".

"Có thể tưởng tượng chúng đã nghiên cứu tòa nhà kỹ đến mức nào", Ramm nhận xét.

Văn phòng Công tố Saxony hồi tháng 3/2020 cho hay 4 nhân viên bảo vệ tại bảo tàng đã bị điều tra. Hai người bị cáo buộc "không phản ứng đầy đủ để ngăn chặn vụ trộm". Một người bị tình nghi giao các tài liệu về Green Vault và hệ thống an ninh cho băng trộm. Người này bị bắt 4 ngày sau sự việc. Bảo vệ thứ tư bị điều tra vì "có bằng chứng về hành động liên quan đến hệ thống báo động, có thể đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho vụ trộm".

Đến tháng 9/2020, cảnh sát cho biết họ đã nhận được hàng trăm thông tin chỉ điểm và khám xét một số nơi ở Berlin được cho là có liên quan đến vụ trộm.

Họ cũng thu thập thêm nhiều thông tin về chiếc xe tẩu thoát, như nơi nó đã được sơn lại, và công bố hình ảnh phác họa của một nghi phạm.

Đến ngày 17/11/2020, gần một năm sau vụ trộm, cảnh sát mở một chiến dịch an ninh lớn ở Berlin, với sự tham gia của các lực lượng đặc nhiệm và 1.638 sĩ quan từ khắp nước Đức.

Họ nhắm vào 5 thành viên của Remmo, một trong những băng đảng tội phạm quyền lực nhất nước Đức, hoạt động chủ yếu ở Berlin.

Ralph Ghadban, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về các băng đảng ở Đức, nhận định cách thức mà vụ trộm được thực hiện cũng như số lượng nghi phạm và đồng bọn có thể liên quan cho thấy sức mạnh mà các băng đảng nắm giữ.

"Băng đảng bảo vệ và giúp đỡ các thành viên. Chúng có thể kết nạp tới hàng nghìn thành viên, thống trị và khủng bố toàn bộ các khu vực trong thành phố", ông nói, thêm rằng khả năng hành động "dứt khoát và nhanh chóng" như của những tay trộm tại bảo tàng Green Vault là một trong những lợi thế của băng đảng.

Cảnh sát thông báo đã bắt 3 trong 5 nghi phạm chính sau chiến dịch tại Berlin. Nhà chức trách xác định hai nghi phạm vẫn bỏ trốn là anh em sinh đôi Abdul Majed R. và Mohamed R.

Bảo tàng Green Vault nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Reuters.

Bảo tàng Green Vault nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Reuters.

Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ đối với cặp song sinh, nhưng phải sau một tháng, Mohammed mới bị bắt trong một chiếc ô tô ở khu phố Neukolln ở Berlin, trên sân dinh thự của băng Remmo.

Abdul Majed tiếp tục lẩn trốn trong 5 tháng sau đó trước khi bị bắt vào ngày 17/5/2021.

Nghi phạm thứ 6 và cũng là cuối cùng trong vụ án bị bắt vào tháng 8/2021. Một tháng sau, các công tố viên buộc tội cả 6 nghi phạm về hành vi trộm cắp.

Nhưng với cảnh sát, cuộc điều tra còn lâu mới kết thúc. "Công việc mới hoàn thành một nửa, bởi kho báu chưa được thu hồi", Ramm nói.

Vậy điều gì đã xảy ra với những món đồ trang sức vô giá bị đánh cắp khỏi tủ trưng bày tại bảo tàng Green Vault?

Ramm và các chuyên gia khác tin rằng kịch bản dễ xảy ra nhất chính là kịch bản mà những người quản lý bảo tàng lo sợ nhất: Các món trang sức đã bị chia nhỏ ra, kim cương cùng đã quý đã bị mang bán còn vàng bạc bị nung chảy.

"Tất cả những việc này phải được thực hiện có tổ chức", Ramm lưu ý. "Rất hiếm khi những kẻ lấy trộm là người cuối cùng xử lý các hiện vật. Phải có một mạng lưới liên quan và đây là lý do cảnh sát muốn thu giữ điện thoại di động, máy tính hay bất cứ thứ gì cho thấy mối liên hệ giữa 6 nghi phạm với những băng nhóm tội phạm khác".

Ổ cứng, máy tính và điện thoại di động đã bị thu trong cuộc điều tra của cảnh sát nhưng kho báu bị đánh cắp vẫn biến mất không để lại dấu vết.

Green Vault bị đóng cửa suốt nhiều tháng vì cuộc điều tra và sau đó là đại dịch Covid-19. Khi mở cửa trở lại vào tháng 5/2020, chiếc tủ bị đánh cắp đã được sửa chữa lại, nhưng cố tình để trống.

Phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài đến ít nhất là cuối tháng 10. Nếu bị kết tội, các nghi phạm sẽ phải đối mặt với nhiều năm tù.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét