Căng thẳng an ninh thời gian qua giữa Moskva và phương Tây dần tập trung vào tương lai của Donbass, dải đất phía đông Ukraine tiếp giáp Nga.
Donbass là từ xuất hiện thường xuyên trong phát biểu của quan chức cấp cao Nga, cũng như trên truyền thông nước này gần đây.
Hội đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2 tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại về nguy cơ Ukraine muốn giải quyết vấn đề Donbass bằng vũ lực, cảnh báo viễn cảnh này sẽ đe dọa an ninh châu Âu và cả thế giới.
Thông điệp tương tự được đại sứ quán Nga tại Washington đăng tải một tuần trước, cáo buộc Mỹ "kích động phiêu lưu quân sự" ở Donbass khi cấp tập chuyển vũ khí cho quân đội Ukraine, lực lượng đang đối đầu với phe ly khai thân Nga ở miền đông.
Các chỉ huy quân sự thuộc lực lượng ly khai miền đông Ukraine liên tục cáo buộc phương Tây cùng Kiev đang điều động lực lượng áp sát khu vực. Truyền thông Nga nhiều lần dẫn lại thông điệp từ Donbass kêu gọi Nga hỗ trợ vũ khí. Trong tuyên bố ngày 8/2, chỉ huy quân ly khai ở Donetsk muốn Nga gửi ít nhất 40.000 khẩu súng và 30.000 quân tiếp viện, nhưng Moskva không đưa ra câu trả lời chính thức.
Donbass, khu vực phía đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.
Các lực lượng ly khai trong hai vùng này tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, có tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Chính phủ Ukraine cùng phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí và lực lượng cho phong trào ly khai Donbass, trong khi Điện Kremlin luôn khẳng định chưa từng điều binh sĩ đến miền đông Ukraine, còn những người Nga chiến đấu tại đó đều là tình nguyện viên.
Chiến sự ở Donbass chỉ lắng xuống sau khi Bộ tứ Normandy, gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức, ký Thỏa thuận Minsk tại Belarus năm 2015 để vạch lộ trình chấm dứt giao tranh tại đây. Tuy vậy, thỏa thuận ngừng bắn không được tôn trọng triệt để, khi các trận đấu súng lẻ tẻ vẫn nổ ra giữa hai bên.
Thỏa thuận Minsk được Putin nhắc lại trong cuộc hội đàm với Macron, nhấn mạnh các bên không có lựa chọn nào khác ngoài thực thi đúng cam kết và cáo buộc Kiev không chịu đối thoại cùng phe ly khai để tìm giải pháp hòa bình.
Theo Oleksandr Danylyuk, cựu cố vấn cho giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại và Bộ Quốc phòng Ukraine, một số chuyên gia phương Tây tin rằng quyền tự trị cho Donbass có thể là "lá bài tẩy" để Kiev mặc cả với Putin, qua đó ngăn chặn kịch bản một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra.
Katrina vanden Heuvel, nhà phân tích trên tạp chí Nation, cũng bày tỏ lạc quan về vai trò của Donbass trong tháo ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine. Bà nhận định tương lai Donbass, cùng lộ trình thực hiện thỏa thuận Minsk, có thể là chìa khóa mang lại hòa bình lâu dài ở châu Âu.
Theo Heuvel, Tổng thống Putin chịu nhiều sức ép nội bộ khi không thể hiện sự ủng hộ quyết liệt hơn với Donbass hồi năm 2014, thời điểm Nga còn nhiều lợi thế hơn sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đến nay, cục diện tình hình đã thay đổi.
"Nếu phát động một cuộc chiến quy mô lớn, Nga có thể giành chiến thắng nhưng với cái giá rất lớn. Ukraine cũng sẽ hứng chịu chịu thương vong khổng lồ và nền kinh tế sụp đổ. Khi đó, nếu Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt Nga, không chỉ người dân nước này chịu thiệt, mà Pháp và Đức cũng bị ảnh hưởng, do Moskva kiểm soát phần lớn nguồn cung năng lượng cho hai quốc gia", bà cảnh báo.
Theo Huevel, trong kịch bản lý tưởng, Ukraine sẽ phải chấp nhận từ bỏ mong muốn gia nhập NATO và thừa nhận quyền tự trị của vùng Donbass. Đổi lại, Nga cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Ukraine và không thực hiện bất cứ nỗ lực nào nhằm biến Donbass thành một phần trong liên minh do Moskva dẫn dắt.
Bà nhấn mạnh thỏa thuận phải đi kèm với một hiệp ước giữa Nga, Mỹ và châu Âu đảm bảo tính trung lập của Ukraine, tượng tư sự thống nhất quốc tế về vị thế của Áo những năm đầu Chiến tranh Lạnh.
Huevel cảnh báo các bên không có lựa chọn nào ít rủi ro hơn đối với Donbass. Nếu Kiev và phương Tây không thỏa hiệp với Moskva, chiến sự quy mô nhỏ có nguy cơ kéo dài dai dẳng ở khu vực. Trong khi đó, chính phủ Ukraine không thể tự mình giành lại quyền kiểm soát Donbass.
Chuyên gia này nhận định Mỹ lẫn NATO đều hiểu họ không thể thu về bất kỳ lợi ích nào nếu tham chiến tại Ukraine, còn Nga không thể dùng vũ lực sáp nhập Donbass mà không trả giá đắt và gây thiệt hại lớn cho cả châu Âu.
"Nếu để tình thế bế tắc trong tương lai vùng Donbass càng kéo dài, áp lực nội bộ của các bên sẽ càng gia tăng, kéo theo rủi ro tính toán sai lầm và sự cố châm ngòi thùng thuốc súng Ukraine", Huevel nhấn mạnh.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Trung Nhân (Theo Politico, Washington Post, TASS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét