Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Gánh nặng thách cưới Trung Quốc

Phong tục thách cưới của người Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng những năm gần đây, nó đã trở thành vật cản cho nhiều người trẻ trên con đường tiến tới hôn nhân.

Một món tiền thách (sính lễ) có thể biến đám cưới thành tình huống đố kỵ và so sánh, cũng có thể chuyển hai nhà thông gia từ bàn ăn sang bàn mặc cả, khiến cả cô dâu chú rể đều cảm thấy có lỗi và cài “bom nổ chậm” vào cuộc hôn nhân...

Một thời gian sau năm 1949, tục thách cưới ở Trung Quốc đã được bãi bỏ, nhưng trong dân gian, đây vẫn là một tục lệ khó bỏ trong hôn nhân. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 70% các đám cưới có đòi tiền sính lễ. Sơn Đông trở thành tỉnh “nặng nề” nhất với tỷ lệ gần 90% (86,6%) đám cưới có thách tiền, trong khi mức tiền thách ở Chiết Giang đứng đầu cả nước với mức trung bình hơn 200.000 NDT/đám (700 triệu VND). Số bình quân tiền thách cho nhóm là con gái độc nhất cao hơn đáng kể so với nhóm không phải.

Gánh nặng thách cưới Trung Quốc-1

Hình ảnh nổi tiếng trên mạng về những Cô dâu Phủ Điền vàng đeo trĩu người

Để hạn chế trào lưu so sánh tiền sính lễ, một số nơi đã đưa ra chính sách công khai: Huyện Nghi Thủy, Sơn Đông gần đây quy định bỏ hoặc giảm tiền sính lễ, khống chế không quá 10.000 NDT (35 triệu VND) và không quá 6 xe đón dâu; tiệc cưới chỉ mời người thân trong gia đình, không quá 10 bàn (100 khách). Tuy nhiên, tập tục đã được lưu truyền hàng nghìn năm này không thể xóa bỏ ngay được.

Điều khiến thách cưới trở thành cơn ác mộng của nhiều đôi nam nữ chính là những thông tin về đám cưới bị hủy bỏ khi rước dâu liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Hai người trẻ yêu nhau đã mấy năm, nhưng đến lúc cưới thì xảy ra biến cố chỉ vì tiền sính lễ. Cách đây 2 năm, đám cưới của một cặp uyên ương ở Chiết Giang đã trở thành cuộc hỗn chiến quanh tiền sính lễ. Trước khi cưới, hai bên đã thống nhất số tiền nhà trai phải đưa là 288.500 NDT (1,1 tỷ VND), nhưng đến ngày cưới, khi nhà trai đến trước cửa nhà đón dâu, nhà gái bất ngờ đề nghị “tặng thêm” 180.000 NDT (630 triệu VND) nữa và căn hộ mà nhà trai mua cho chú rể phải ghi thêm tên cô dâu đồng sở hữu.

Trước tình thế này, chú rể giận dữ bỏ về và nhà gái cũng không chịu trả lại số tiền đã nhận trước đó, cuối cùng cả hai bên phải đưa nhau ra tòa án giải quyết. Những vụ kiểu này hầu như tháng nào cũng xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Một số chú rể nhà có điều kiện cho rằng đó là thử thách tình yêu của mình, nhưng không ít người đành chia tay người mình yêu ngay tại phòng cưới.

Ở Trung Quốc, kết hôn không phải là chuyện của hai người, mà cũng liên quan đến quyền lợi của hai gia đình và thách cưới là biểu hiện trần trụi nhất của việc này. Ngoài vấn đề cân nhắc về kinh tế, theo quan niệm truyền thống, việc phụ nữ không nhận tiền sính lễ sẽ bị coi là một điều đáng hổ thẹn, thậm chí sau khi kết hôn, cô ấy sẽ bị coi là “cho không” và “vô giá trị” và sẽ không được gia đình chồng tôn trọng.

Sự xuất hiện của các cô dâu Phủ Điền là sản phẩm của quy luật bất thành văn về giá cô dâu. “Bản đồ tiền sính lễ cả nước” năm 2019 cho thấy giá cô dâu trong lễ cưới ở Phủ Điền là khoảng 200 ngàn NDT (700 triệu VND). Trên mạng còn xuất hiện các thông tin “1 kg vàng+3 triệu NDT tiền mặt” và “Tiền cheo 99,98 triệu”... Các thông tin kiểu này trên truyền thông đã gây áp lực lớn cho nhiều gia đình bình thường.

Tuy nhiên, tiền thách cao không có nghĩa là vị thế của phụ nữ được nâng cao mà ngược lại, nó có thể là gông cùm của họ: một số cô gái thậm chí bỏ dở việc học ở trường đại học trọng điểm chỉ vì tiền sính lễ cao và kết hôn sớm. Trong cuộc sống hôn nhân sau này, người vợ có thể phải chịu áp lực về tiền thách cao. Chẳng hạn, người chồng sẽ dùng món tiền thách khổng lồ làm cái cớ để tước bỏ quyền tự chủ trong hôn nhân của vợ.

Gia đình cô dâu đòi tiền nhà trai, nhưng trong mắt nhiều bậc cha mẹ, thách cưới là chỗ dựa để họ bảo vệ con gái. Ví dụ, đa số nhà gái sẽ trả lại số tiền đó cộng với của hồi môn cho nhà trai; hoặc nếu có thay đổi trong cuộc sống vợ chồng trong tương lai, gia đình cô dâu có thể sử dụng khoản tiền được cất giữ này hỗ trợ để con gái không gặp khó khăn về kinh tế. Một số cha mẹ sẽ không tự mình nhận tiền sính mà sẽ cho con gái cùng với của hồi môn hay mua nhà, mua xe…cho cặp vợ chồng trẻ.

Từ góc độ hiện nay, tiền sính lễ dường như đã trở thành “bom nổ chậm” cho nhiều cuộc hôn nhân. Nhà xã hội học nổi tiếng Phí Hiếu Thông đã đề cập đến vai trò xã hội của tiền sính lễ: “Về mặt xã hội học, tiền sính lễ và của hồi môn thực chất là cơ sở vật chất do cha mẹ hai bên cung cấp cho gia đình mới. Trong thời đại hiện nay, tuy về hình thức thách cưới là chuyển giao vật chất từ gia đình nhà trai sang gia đình nhà gái, nhưng ngày càng nhiều cha mẹ cô dâu đã sử dụng của hồi môn để chuyển lại phần lớn hoặc thậm chí tất cả số tiền thách cưới cho gia đình mới của con gái”.

Tuy nhiên, “Thách cưới là vì con gái” không phải là quy luật phổ biến. Một số vùng vẫn không thoát khỏi quy luật “Càng nghèo thì thách tiền càng cao”: Tiền sính lễ ở miền Tây thậm chí còn nhiều hơn miền Đông và miền Nam. Ở một số vùng nông thôn của tỉnh nghèo Cam Túc, tiền thách cưới ít nhất là 180 ngàn NDT. Những quan niệm, phong tục tập quán thâm căn cố đế đã khiến một số thanh niên ở vùng lạc hậu, có ý định lập gia đình phải tìm mọi cách để qua được cửa ải bố mẹ cô dâu.

Ngoài việc làm các chú rể nản lòng, tiền thách cao cũng khiến các cô dâu bỏ cuộc. Năm 2011, giá tiền thách cưới trung bình ở Lũng Huyện, Thiểm Tây là 75 ngàn NDT, nhưng từ năm 2012, con số này đã tăng chóng mặt với tốc độ thêm 20 ngàn NDT mỗi năm, đến năm 2017 đã tăng lên tới 200 ngàn NDT... Trong khi đó, GDP bình quân đầu người ở địa phương chưa đến 10 ngàn. Số tiền này chưa bao gồm chi phí bữa tiệc cưới và mua ba lượng vàng. Nếu tính thêm tiền sửa nhà thì ai không có 250 ngàn NDT không thể cưới được vợ.

Sau khi trượt kỳ thi tuyển sinh trung học, Quyên Tử rời Thiểm Tây ra ngoài làm việc và quen một người bạn trai ở miền Nam, cả hai rất hợp nhau. Khi cô đề nghị làm đám cưới, ông bố đưa ra yêu cầu: tiền sính lễ là 180 ngàn tệ.

Nghe cô nói lại, bà mẹ bạn trai sầm mặt, im lặng hồi lâu rồi nói: “Nhà cô bán con gái à? Lấy ở đâu ra nhiều tiền như vậy? Sao bảo người nông thôn chất phác lắm?”. Cuộc hôn nhân không thành, Quyên Tử ấm ức tìm hiểu thì được biết bố cô thách cưới cao là để có tiền cho anh trai cô lấy vợ, nếu không anh trai sẽ trở thành trai ế.

Quyên Tử hẹn hò nhiều lần qua mai mối, sau đó kết hôn với một chàng trai thật thà. Nhưng ngay trong đêm tân hôn, cô đã bỏ trốn. Một ngày trước khi bỏ đi, cô để lại cho bố mẹ một bức thư: “Tiền đã kiếm được, con đã hoàn thành nhiệm vụ bố mẹ giao, đừng ép con nữa”. Rốt cục, dù màn dạo đầu của tự do yêu đương kéo dài bao lâu, thì một cuộc hôn nhân kiểu Trung Quốc cũng không thể vượt qua rào cản của thách cưới kiểu Trung Quốc.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/IvFkmOXub

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét