Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Indonesia báo động vì vi khuẩn bệnh than

Giới chức Indonesia phát hiện ổ vi khuẩn bệnh than trên gia súc, ít nhất 23 người phát triệu chứng do tiếp xúc hoặc ăn thịt động vật nhiễm bệnh.

Hai ngôi làng trên đảo Java của Indonesia bị tuyên bố là "vùng đỏ" ứng phó vi khuẩn bệnh than sau khi giới chức y tế ghi nhận 7 trong 15 gia súc chết trong vùng nhiễm bệnh. Ít nhất 23 người đã phát triệu chứng nhiễm trùng trên da, được cho là do tiếp xúc hoặc ăn thịt động vật nhiễm vi khuẩn.

Kelik Yuniantoro, cán bộ phòng nông nghiệp vùng Gunung Kidul ở miền trung đảo Java, xác nhận giới chức đã ban bố lệnh cấm vận chuyển gia súc. Các cơ quan chức năng đang chờ thêm kết quả xét nghiệm để đánh giá tình hình.

"Khu vực có gia súc chết đã được xác định là vùng đỏ. Mọi gia súc trong các khu vực này không được phép vận chuyển đến nơi khác", ông cho biết.

Nhân viên thú y Indonesia xử lý gia súc chết do nghi nhiễm vi khuẩn bệnh than vào tuần này tại làng Bejiharjo, quận Gunung Kidul, tỉnh Yogyakarta. Ảnh: ANTARA.

Nhân viên thú y Indonesia xử lý gia súc chết do nghi nhiễm vi khuẩn bệnh than vào tuần này tại làng Bejiharjo, quận Gunung Kidul, tỉnh Yogyakarta. Ảnh: ANTARA.

Chính quyền địa phương đã cho khử trùng các nông trại trong vùng và tiêm kháng sinh, bổ sung vitamin cho số gia súc còn lại. Kelik cho hay các khu chợ mua bán động vật cũng được khử trùng. Công tác thanh tra thú y đang được siết chặt hơn. Quá trình giám sát dịch tễ có thể kéo dài 4 tháng.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh than do khuẩn Beacillus anth­racis gây ra. Loài vi khuẩn này sinh sôi trong tự nhiên, thường được tìm thấy trong đất và chủ yếu ảnh hưởng đến động vật. Vật chủ nhiễm khuẩn khi hít thở hoặc ăn bào tử vi khuẩn trong đất, thực vật hay nước.

Bệnh có thể được ngăn ngừa trên động vật nhờ tiêm chủng định kỳ. Bệnh than không lây nhiễm từ người sang người mà chỉ lây từ động vật sang người thông qua tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc sản phẩm của chúng.

Tuy nhiên, một khi nhiễm khuẩn, bệnh có thể gây tác động nghiêm trọng lên sức khỏe của cả động vật lẫn người, trong đó có giộp da, nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm loét hoặc sưng hạch bạch huyết. Nếu người nhiễm không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp nhiễm trùng phổi do hít phải bào tử trong tự nhiêm hiếm xảy ra nhưng có nguy cơ gây tử vong cao.

Trung Quốc năm ngoái ghi nhận ít nhất 9 trường hợp nhiễm vi khuẩn gây bệnh than ở phía bắc nước này. Các ca bệnh được phát hiện và nhập viện ở tỉnh Thiểm Tây sau khi phát triệu chứng. Chính quyền địa phương sau đó ngăn dịch lan rộng thành công nhờ siết chặt thanh tra ngành chăn nuôi và kiểm tra môi trường sinh sống của gia súc.

Trung Nhân (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét