Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Mỹ điều gần 3.000 quân đến Đông Âu

Biden chỉ đạo Lầu Năm Góc triển khai khoảng 3.000 lính để tăng cường an ninh ở Đông Âu, đánh dấu cuộc điều quân lớn đầu tiên của Washington trong khủng hoảng Ukraine.

Các quan chức Mỹ hôm nay cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ điều khoảng 1.700 quân từ căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina, đến Ba Lan và 300 quân đến Đức trong tuần này. Họ cũng tái bố trí khoảng 1.000 quân đóng tại Đức tới Romania, trên sườn phía đông gần Nga nhất của NATO.

Mỹ hôm 24/1 đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng "báo động cao độ". Kể từ đó, con số đã tăng thêm vài nghìn quân. Các quan chức cho biết 3.000 binh sĩ được triển khai nằm trong số quân đã được đặt trong tình trạng báo động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng tháng trước. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng tháng trước. Ảnh: AFP.

Theo giới chức Mỹ, các động thái này nhằm ngăn chặn Nga tấn công Ukraine cũng như chiến tranh ở Đông Âu. Bên cạnh đó, chính quyền Biden đang nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine và cho phép chuyển giao một số vũ khí, trang thiết bị khác cho Kiev.

Biden ký đề xuất quân sự sau cuộc gặp hôm 1/2 với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley. Austin đã thảo luận việc triển khai với những người đồng cấp ở Romania, Đức và Ba Lan trong tuần qua.

Các quan chức cho biết khoảng vài trăm cố vấn quân sự và lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang ở Ukraine. Lực lượng mới điều động chưa được cho phép vào nước này và tất cả hoạt động triển khai dự kiến chỉ là tạm thời. Đợt triển khai sẽ diễn ra trong vài ngày tới, song giới chức từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nhiệm vụ cụ thể của họ.

"Họ được huấn luyện và trang bị cho nhiều nhiệm vụ khác nhau trong giai đoạn rủi ro cao này. Hoạt động triển khai cũng nhằm ngăn chặn mối đe dọa với liên minh", một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết.

Một phần lực lượng mới có thể được sử dụng trong trường hợp quân đội Mỹ được lệnh hỗ trợ sơ tán khoảng 30.000 người Mỹ đang sống ở Ukraine, quan chức này cho hay. Trong kịch bản đó, quân đội ít khả năng vào lãnh thổ Ukraine mà hỗ trợ hoạt động sơ tán bằng đường bộ dọc theo biên giới Ukraine.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây dâng cao trong những tuần gần đây khi Moskva bị cáo buộc đang lên kế hoạch chuẩn bị tấn công Kiev. Moskva liên tục phủ nhận, khẳng định mọi động thái điều binh ở biên giới đều nhằm tự vệ và đảm bảo an ninh.

Putin hôm qua nói rằng phương Tây phớt lờ những lo ngại an ninh của Nga và sử dụng Ukraine như công cụ để kiềm chế Nga. Ông cáo buộc Mỹ cố đẩy Nga vào xung đột để kiếm cớ trừng phạt nước này. Putin bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp chấm dứt căng thẳng đang gia tăng.

Vị trí của Ukraine và các nước láng giềng. Đồ họa: Washington Post

Vị trí của Ukraine và các nước láng giềng. Đồ họa: Washington Post

Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét