Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Nga khó cậy nhờ Trung Quốc hóa giải áp lực phương Tây

Trung Quốc có thể sẽ không chấp nhận hy sinh các lợi ích riêng của mình vì Nga nếu Moskva bị phương Tây áp trừng phạt do khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc là đồng minh mà Nga rõ ràng sẽ tìm tới khi căng thẳng địa chính trị với phương Tây leo thang vì căng thẳng Ukraine. Nhưng theo giới chuyên gia, Nga không nên mong đợi quá nhiều từ nước láng giềng nếu Mỹ và châu Âu kiềm tỏa nền kinh tế của họ bằng những lệnh trừng phạt khắc nghiệt như đã đe dọa.

Quan hệ ngoại giao và quân sự giữa Trung QuốcNga có thể rất khăng khít, nhưng những liên kết về kinh tế lại phức tạp hơn nhiều, bình luận viên Laura He từ CNN đánh giá.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2 khi tới Bắc Kinh dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông. Điện Kremlin mô tả cuộc gặp ấm cúng và mang tính xây dựng. Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác sâu rộng hơn. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft cũng thông báo đồng ý tăng nguồn cung cho Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

"Phối hợp với nhau, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và chống lại những rủi ro, thách thức hiện nay", ông chủ Điện Kremlin viết trong một bài báo đăng trên Xinhua hôm 3/2.

Những rủi ro đó có thể rất lớn nếu Nga động binh với Ukraine. Mỹ cùng phương Tây cho rằng Nga tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine và lên kế hoạch tấn công nước láng giềng.

Moskva nhiều lần bác thông tin này, khẳng định họ có quyền điều động lực lượng trong lãnh thổ để phòng thủ. Nga tuyên bố không có ý định tấn công bất cứ ai và không chấp nhận chiến tranh với Ukraine, đồng thời khẳng định không cho phép ai "vùi dập hay phớt lờ lợi ích của mình".

Nhưng chính quyền Mỹ vẫn đe dọa áp đặt cái mà họ gọi là "mẹ của mọi lệnh trừng phạt" đối với Nga nếu nước này vượt qua "lằn ranh đỏ". Các lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt có thể còn mạnh so với hồi năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.

Trung Quốc, nước cũng có căng thẳng riêng với phương Tây, đã bày tỏ ủng hộ ngoại giao đối với Nga. Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 4/2 sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, ông Tập và ông Putin cho biết đôi bên đều phản đối "NATO mở rộng".

"Ông Tập gần như chắc chắn tin rằng Trung Quốc sẽ thu được những lợi ích chiến lược nhất định khi hỗ trợ Nga", Craig Singleton, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, trụ sở ở Washington, nhận định.

Theo Alexander Gabuev, chuyên gia từ Chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moskva, căng thẳng với phương Tây đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, thể hiện ở các hợp đồng mua bán vũ khí, những dự án phát triển vũ khí chung và "số lượng các cuộc tập trận chung" giữa hai cường quốc ngày càng tăng.

Nhưng chưa rõ mối quan hệ hợp tác này sẽ mở rộng đến mức độ nào trên phương diện kinh tế nếu Nga phải đối mặt các lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây. Nga phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại, nhưng Trung Quốc thì không. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, khiến Bắc Kinh không có nhiều động lực để hy sinh lợi ích riêng vì Moskva nếu khủng hoảng quân sự nổ ra, giới quan sát đánh giá.

"Việc ông Tập thể hiện mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao đã là 'chiến thắng' với Tổng thống Putin, vì điều này ngụ ý rằng những bất bình của Putin là đúng đắn", Singleton nhận xét. "Nhưng ngoài điều đó ra, Trung Quốc có lẽ sẽ khó làm sâu sắc thêm các mối hợp tác kinh tế với Nga, ít nhất là trong tương lai gần".

Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương của nước này, theo CNN Business, dựa trên số liệu năm 2020 từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và dữ liệu hải quan Trung Quốc. Nhưng đối với Trung Quốc, Nga không phải là đối tác quá quan trọng. Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chiếm phần lớn hơn nhiều.

"Bắc Kinh cần hết sức thận trọng liên quan đến xung đột giữa NATO và Nga về vấn đề Ukraine", Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững, cho hay. "Những mối quan hệ kinh tế hiện tại giữa Trung Quốc và Nga, trong đó có cả nhu cầu năng lượng của nước này, không đảm bảo Bắc Kinh sẽ chấp nhận nguy cơ bị xa lánh và phản ứng dữ dội hơn nữa từ Washington cùng các đồng minh".

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo một cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ tạo ra "những rủi ro kinh tế và an ninh toàn cầu", có khả năng gây tổn hại cho Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện chưa thoát khỏi bấp bênh hậu đại dịch. Điều này có thể khiến Bắc Kinh khó thắt chặt hơn mối quan hệ với Moskva hoặc thậm chí thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra, như một thỏa thuận gần đây nhằm thúc đẩy thương mại Trung - Nga lên 200 tỷ USD vào năm 2024, tương đương mức tăng 50 tỷ USD mỗi năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong năm nay, giảm so với mức 8% của năm 2021. Khủng hoảng bất động sản và chi tiêu tiêu dùng thấp đang kéo tốc độ tăng trưởng đi xuống.

Singleton cho rằng một cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine gần như chắc chắn sẽ gây sốc cho thị trường năng lượng và kim loại, do đó đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Kịch bản đó, kết hợp với chính sách "không Covid" nghiêm ngặt mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên trì theo đuổi, có thể "đẩy nhanh tốc độ suy giảm kinh tế" của Trung Quốc.

Theo Capri, mối "tình nồng" với Trung Quốc có thể sẽ chỉ làm giảm bớt thay vì vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên Nga. Có một số vấn đề Bắc Kinh thực sự không thể giúp Moskva, như phương Tây có thể loại Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, qua đó cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc "không có khả năng quốc tế hóa đủ để cạnh tranh với đồng USD", Capri cho biết, thêm rằng USD đóng vai trò quan trọng trong cả SWIFT và cả hoạt động giao dịch hàng hóa như dầu khí, "huyết mạch của kinh tế Nga".

Các nhà phân tích tại Eurasia Group đã viết trong một báo cáo hồi tuần trước rằng Bắc Kinh có thể đẩy mạnh nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, cho phép họ giao dịch tự do hơn với các quốc gia bị phương Tây trừng phạt mà không cần sử dụng USD hay euro. Dù vậy, các công ty ở cả Trung Quốc và Nga "vẫn thích giao dịch thương mại bằng các loại tiền tệ tự do chuyển đổi hơn", đồng nghĩa bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm ảnh hưởng của phương Tây "chủ yếu sẽ chỉ mang tính biểu tượng thay vì thực chất".

Lịch sử gần đây cũng không đứng về phía Nga. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014, Moskva đã quay sang vun đắp quan hệ với Bắc Kinh khi họ bị phương Tây trừng phạt. Nhưng dù Trung Quốc đã công khai phản đối những lệnh trừng phạt đó và hứa sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nga, nỗ lực của họ vẫn chưa đủ để bù đắp các vấn đề Moskva gặp phải.

Thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong năm 2015 giảm 29% so với năm liền trước, theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga cũng bị ảnh hưởng.

Các chủ ngân hàng Nga phàn nàn rằng nhiều ngân hàng Trung Quốc thường né tránh hợp tác kinh doanh với họ để không vi phạm lệnh trừng phạt, theo một báo cáo năm 2015 của Yuri Soloviev, phó chủ tịch ngân hàng VTB, Nga.

"Trung Quốc là đối tác có vị thế cao hơn trong mối quan hệ với Nga", các nhà phân tích từ Eurasia Group đánh giá, lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga khoảng 9 lần. "Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ muốn điều chỉnh tính toán của Moskva theo hướng có lợi cho mình".

Xem thêm:

-Nga muốn gì ở Ukraine?

-Ba hướng binh lực của Nga quanh Ukraine

-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét