Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Nga - Trung ký thỏa thuận dầu khí hơn 117 tỷ USD

Putin công bố thỏa thuận dầu khí mới giữa Nga và Trung Quốc trị giá 117,5 tỷ USD, giữa lúc Moskva căng thẳng với các khách hàng châu Âu.

"Các nhà khai thác dầu mỏ của chúng tôi đã chuẩn bị những giải pháp mới rất tốt về nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2 tại Bắc Kinh, sau khi hai nước đạt các thỏa thuận dầu khí mới trị giá tổng cộng 117,5 tỷ USD.

"Ngành công nghiệp khí đốt cũng đã đạt bước tiến mới", ông chủ Điện Kremlin cho biết, đề cập đến hợp đồng mới giúp cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Trung Quốc. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó cho hay thỏa thuận này có thời hạn 25 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Theo tính toán của Reuters, riêng hợp đồng này có thể mang lại khoảng 37,5 tỷ USD trong vòng 25 năm, nếu tính giá khí đốt trung bình là 150 USD/1.000 m3 như mức giá trong hợp đồng hiện nay giữa tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga với Trung Quốc.

Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga còn ký một thỏa thuận riêng khác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhằm cung cấp 100 triệu tấn dầu trong vòng 10 năm thông qua Kazakhstan, đồng nghĩa với kéo dài hợp đồng hiện có giữa hai bên. Rosneft cho hay thỏa thuận mới trị giá 80 tỷ USD.

Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc, đất nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Những hợp đồng mới được cho là giúp Moskva giảm phụ thuộc vào các khách hàng truyền thống ở châu Âu, giữa lúc Điện Kremlin và phương Tây căng thẳng vì vấn đề Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt sau khi phương Tây cáo buộc Nga đưa hơn 100.000 quân tiến sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh nước này, nhưng Moskva liên tục phủ nhận và cho rằng Washington cùng các đồng minh mới là bên khiến căng thẳng gia tăng.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, nên phương Tây lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn trong trường hợp xung đột bùng phát. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuẩn bị sẵn kế hoạch thay thế nguồn cung này.

Ánh Ngọc (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét