Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Nỗ lực của Macron cứu châu Âu khỏi chiến tranh

Trước cuộc khủng hoảng Ukraine và vai trò của Đức ngày càng mờ nhạt, Tổng thống Pháp Macron giờ đây phải gánh trách nhiệm đưa châu Âu khỏi bờ vực chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng Ukraine tuần này bước sang một giai đoạn quan trọng mới. Mỹ đã khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chú ý với động thái triển khai quân tới Đông Âu. Moskva đã sẵn sàng điều thêm lực lượng tới biên giới Ukraine. Nhưng bên dưới những căng thẳng đó, các con đường ngoại giao vẫn được khai phá một cách sốt sắng dù không hứa hẹn đột phá.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2 gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moskva trước khi công du thủ đô Kiev, Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Berlin, Đức, ngày 25/1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Berlin, Đức, ngày 25/1. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh chính quyền Biden đã đưa ra quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng Ukraine, Đức tỏ ra không quyết liệt và Tổng thống Putin dường như quyết tâm hiện thực hóa những yêu cầu về an ninh của Nga đối với phương Tây, Tổng thống Pháp Macron đã tự biến mình thành người dẫn dắt chiến lược ngoại giao châu Âu.

Đối với Moskva, Tổng thống Macron là "người đối thoại chất lượng", như lời nhận xét của ông chủ Điện Kremlin, theo một quan chức cấp cao Pháp am hiểu vấn đề.

"Chúng ta muốn một nước Nga hoàn toàn về phe Trung Quốc hay một nước Nga nằm ở giữa Trung Quốc và châu Âu?", Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, người rất thân cận với Tổng thống Macron, nói hôm 4/2 khi Nga và Trung Quốc tuyên bố tình bạn giữa hai nước "không có giới hạn", đồng thời kêu gọi NATO "từ bỏ cách tiếp cận mang khuynh hướng Chiến tranh Lạnh".

Đối với Pháp, cái bắt tay "nồng nhiệt" giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm Olympic Bắc Kinh là một minh chứng cho thấy những tác động rộng hơn của cuộc khủng hoảng Ukraine. Hiện tại, các giải pháp cho vấn đề vẫn còn rất mơ hồ, đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của Tổng thống Macron.

Mục tiêu kép của Tổng thống Pháp là ngăn chặn nguy cơ xung đột tiềm tàng ở biên giới Ukraine và xoa dịu những bất bình lâu nay của Nga trước động thái mở rộng về phía đông của NATO, để từ đó tích hợp Nga vào một hệ thống an ninh mới của châu Âu nhằm ngăn Moskva ngả về phía Bắc Kinh.

Đây là một mục tiêu tham vọng, nhưng Macron chưa bao giờ thiếu táo bạo. Tuy nhiên, ông vẫn cần thận trọng hết sức.

"Nhiều nước châu Âu, kể cả Đức, đang tỏ ra không hài lòng với Tổng thống Macron khi ông có xu hướng đẩy mọi việc diễn ra nhanh chóng rồi quay sang trách móc họ là không làm gì cả", Jeremy Shapiro, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là giám đốc nghiên cứu của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận xét.

Các quan chức Pháp đã mô tả khái quát cách tiếp cận hai chiều mà Tổng thống Macron áp dụng trong cuộc gặp với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Đầu tiên, ông sẽ thúc đẩy Bộ Tứ Normandy gồm 4 nước Pháp, Đức, Ukraine và Nga củng cố hiệp định Minsk 2015, văn bản khá mơ hồ về lệnh ngừng bắn ở đông Ukraine nhưng đã được chứng minh là không hiệu quả khi không bên nào tuân thủ.

Thứ hai, Macron sẽ phải tìm ra "lằn ranh đỏ" cuối cùng của Putin trong cuộc xung đột, qua đó phát đi tín hiệu rõ ràng về nỗ lực giảm leo thang căng thẳng nhằm khiến Nga rút lại quân ở biên giới Ukraine.

Một quan chức cấp cao chính quyền Macron cho biết cốt lõi căng thẳng giữa phương Tây với Nga nằm ở ý định mở rộng của NATO để kết nạp các quốc gia từng thuộc Liên Xô". Điều này tạo ra "một khu vực biến động cần kiểm soát" và Tổng thống Putin từng nói với Tổng thống Macron rằng ông "muốn có một cuộc đối thoại thực chất" đi sâu vào "trọng tâm vấn đề".

Trên thực tế, những yêu cầu của Nga, trong đó có loại các quốc gia từng thuộc Liên Xô ra khỏi NATO, dường như sẽ không bao giờ được đáp ứng. Không ai tin rằng Romania, Litva và các nước khác sẽ từ bỏ tư cách thành viên hay NATO sẽ rút lại tuyên bố Bucharest năm 2008 rằng liên minh có thể kết nạp Ukraine. Nhưng như cách mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực để gia nhập NATO suốt 60 năm qua, tuyên bố này hoàn toàn có thể biến thành lời hứa vô thời hạn.

"Chúng ta có thể tiến một bước về phía Putin, thừa nhận ông ấy không hoàn toàn sai", Justin Vaisse, cựu trưởng ban hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, bình luận.

Quan chức cấp cao của chính quyền Macron cho hay "Ukraine không phải thành viên NATO và theo hiểu biết của tôi, họ sẽ không trở thành thành viên trong một thời gian dài nữa".

Tổng thống Macron cũng muốn tìm hiểu xem liệu những lời đề nghị của Mỹ hồi tháng trước có thể được bổ sung bằng các biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ hơn nữa, giúp tất cả các bên thoát khỏi cuộc khủng hoảng hay không.

Mỹ đề xuất cần có cơ chế minh bạch hơn về triển khai tên lửa ở Đông Âu, đồng thời kêu gọi Washington và Moskva ký các cam kết có đi có lại nhằm hạn chế điều động tên lửa hoặc binh lính ở Ukraine. Tổng thống Putin đã chỉ trích phản ứng của Mỹ trước các yêu cầu Nga đưa ra, cho rằng chúng không thỏa đáng.

"Những đề nghị kiểm soát vũ khí trước đây có thể được kết hợp với một số cơ chế tham vấn về thay đổi tình trạng của NATO hoặc dừng mở rộng NATO hay một số diễn giải sáng tạo về thỏa thuận Minsk, giúp mang lại quyền phủ quyết cho Donbass về những gì chính phủ Ukraine sẽ làm", Shapiro, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, gợi ý.

Tuy nhiên, hiện tại, không phương án nào có vẻ khả dĩ. Chính quyền Biden, với chính sách ngoại giao cứng rắn, đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không thỏa hiệp.

Một người lính Ukraine canh gác tại vị trí tiền tuyến gần làng Trokhizbenka ở phía đông của đất nước, nơi quân đội đang trong tình trạng báo động cao. Ảnh: NY Times.

Một người lính Ukraine canh gác tại vị trí tiền tuyến gần làng Trokhizbenka ở phía đông của đất nước, nơi quân đội đang trong tình trạng báo động cao. Ảnh: NY Times.

Dù vậy, Tổng thống Macron, người hiểu rõ rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ khiến chi phí khí đốt tăng vọt vào thời điểm cử tri Pháp đang không hài lòng với nhiều chính sách của ông, vẫn nhận thấy tiềm năng của Bộ Tứ Normandy. Cuộc họp đầu tiên vào tháng trước đã kết thúc với kết quả hạn chế, cuộc gặp thứ hai đang được lên kế hoạch và một hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã được đề xuất.

Thỏa thuận Minsk 2 kêu gọi "phân quyền" ở Ukraine, tạo ra "tình trạng đặc biệt" cho các khu vực phía đông hiện do phe ly khai kiểm soát, với "các đặc điểm cụ thể" phải được thỏa thuận "với đại diện của những khu vực này".

Nga, khi diễn giải sáng tạo về "các đặc điểm cụ thể" nêu trên, đã lập luận rằng họ nên trao quyền phủ quyết cho các đại diện được bầu ở những khu vực miền đông trước các quyết định chính sách đối ngoại của Ukraine, trong đó có cả những quyết định liên quan đến tư cách thành viên NATO. Bằng cách này, Ukraine sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga bởi lực lượng ly khai miền đông Ukraine được cho là do Nga hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước khẳng định "điều đó sẽ không xảy ra. Không bao giờ".

Dù thế nào, Bộ Tứ Normandy ít nhất cũng mang các bên ngồi lại với nhau. Shapiro cho rằng diều này có thể giúp tạo ra ổn định.

"Bất ổn là điểm mạnh của Nga. Ổn định là thế mạnh của chúng ta", ông nói. "Mở rộng NATO và Liên minh châu Âu là cách rất hiệu quả để đảm bảo nền dân chủ ở các nước Đông Âu. Nếu bạn tin vào tính ưu việt của mô hình kinh tế và chính trị phương Tây, giống như tôi, thì sự ổn định là điều quan trọng và phạm vi ảnh hưởng là một cách khá tốt để thiết lập điều đó".

Theo quan chức Pháp giấu tên, Tổng thống Putin "muốn có ảnh hưởng lâu dài" ở Ukraine và châu Âu. Điều này dường như sẽ khiến Tổng thống Macron phải tham gia vào một trò chơi nguy hiểm khi ông cố gắng cân bằng "trật tự an ninh mới của châu Âu" nhờ vào các cam kết với NATO và Mỹ.

Vũ Hoàng (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét