TP HCMĐường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc Trung Lương dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, động thổ 5 năm trước nhưng hiện mới xong 3 trụ cầu.
Khu vực làm dự án thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, không bóng người, máy móc, ngày 2/6. Tại nút giao quốc lộ 1, trụ cầu bêtông nằm chơ vơ, ố vàng, tua tủa sắt hoen gỉ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại 2 trụ cầu ở điểm cuối - dự kiến là đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lương (đường Võ Trần Chí).
Hiện, xe đi từ trung tâm thành phố qua đường Võ Văn Kiệt muốn vào cao tốc phải đi quốc lộ 1A, vòng qua quận Bình Tân, sau đó đi đường Tân Tạo - Chợ Đệm hoặc vòng xuống huyện Bình Chánh rồi mới qua cao tốc.
Dự án đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM - Trung Lương được UBND TP HCM ký hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (sau đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), ngày 25/6/2016. Dự án gồm hai đường song hành tiêu chuẩn đường đô thị, mỗi đường có một làn xe hỗn hợp và một làn ôtô, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017.
Công trình nhằm phát huy hiệu quả đại lộ Võ Văn Kiệt, kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 - hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía Tây Nam thành phố, kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ năm 2010 với kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Nhưng do thiếu vốn, tháng 4/2015, UBND TP HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư.
Vài ngày sau, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản đồng ý nguyên tắc cho UBND TP HCM thực hiện dự án theo hợp đồng BOT, nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với Nghị định 15/2015 của Chính phủ. UBND TP HCM được căn cứ vào tính cấp bách của dự án, áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện.
Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (đơn vị đang thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương) được TP HCM chọn làm đối tác do "chỉ có đơn vị này quan tâm và trình đề xuất dự án", cam kết năng lực tài chính, thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng và chứng minh tính khả thi việc hoàn vốn đầu tư...
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, Công ty Yên Khánh được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Còn thành phố sẽ chi ngân sách để giải phóng mặt bằng, ước tính hơn 560 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công trình đã diễn ra từ năm 2015 - trước thời điểm TP HCM ký hợp đồng với Công ty Yên Khánh.
Trước tình hình dự án bị ngưng trệ nhiều năm, Sở Giao thông Vận tải TP HCM liên tiếp gửi văn bản nhắc nhở, cảnh báo chủ đầu tư vì đã không thực hiện đúng theo hợp đồng.
Theo Sở, Công ty Yên Khánh dù đã được bàn giao 82% mặt bằng nhưng tổng sản lượng xây lắp của dự án chỉ đạt 140 tỷ đồng (tương đương 12% tổng mức đầu tư) trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. Đơn vị này cũng không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn tài chính và đảm bảo yêu cầu thu xếp đủ nguồn vốn thực hiện dự án đúng quy định.
"Nhà đầu tư đã vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng, ảnh hưởng tiến độ dự án. Công ty phải sớm khắc phục các vi phạm trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận văn bản để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nêu trong "tối hậu thư" gửi Công ty Yên Khánh hôm 7/4.
Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan (35 tuổi, cháu gái ông ) làm Tổng giám đốc, trụ sở tại quận 1. Bà này là bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ (cựu lãnh đạo - Bộ Quốc phòng) và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng .
Bà Hoan cũng là bị can vụ án sai phạm trong tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Cơ quan điều tra xác định, ông Đinh Ngọc Hệ làm chủ Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nhưng doanh nghiệp này không có vốn, không có cơ cấu tổ chức... lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời.
Hữu Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét