Báo cáo khám nghiệm tử thi mới công bố cho thấy George Floyd, 46 tuổi, chết vì "ngừng tim phổi" sau khi bị cảnh sát ghì vào gáy.
George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã chết vì "ngừng tim phổi do tác động kết hợp của việc bị nhân viên thực thi pháp luật khống chế và ghì gáy" và cái chết là "một vụ giết người", bác sĩ pháp y hạt Hennepin ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota cho biết trong một tuyên bố hôm 1/6.
Các tình trạng sức khỏe đáng kể khác của Floyd được liệt kê là "bệnh tim do xơ cứng động mạch và tăng huyết áp; sử dụng thuốc giảm đau fentanyl; sử dụng ma túy đá gần đây".
Tuyên bố nói thêm rằng "cách thức tử vong không phải xác định pháp lý để kết luận có tội hay ý đồ phạm tội", đồng thời nhấn mạnh rằng theo luật bang Minnesota, "bác sĩ pháp y có nhiệm vụ trung lập và tách biệt với bất kỳ cơ quan công tố hoặc cơ quan thực thi pháp luật nào".
Cùng ngày, luật sư của gia đình Floyd ra tuyên bố cho biết kết quả khám nghiệm tử thi độc lập do gia đình ủy nhiệm xác định nguyên nhân tử vong của Floyd là "ngạt thở do sức đè liên tục".
Hồ sơ truy tố của công tố viên quận trước đó nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. "Những tác động kết hợp của việc bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và chất kích thích tiềm tàng trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong", hồ sơ có đoạn viết.
Floyd tử vong khi bị 4 cảnh sát khống chế, trong đó một người trực tiếp ghì lên gáy nạn nhân, hôm 25/5 ở Minneapolis, bang Minnesota. Cái chết của anh đã châm ngòi cho các cuộc để đòi công lý cho Floyd và bình đẳng chủng tộc.
Ngoài thủ đô Washington, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm đối phó các cuộc biểu tình. Khoảng 17.000 lính Vệ binh Quốc gia đã triển khai tới thủ đô Washington và 26 bang. Hàng nghìn người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại.
Cảnh sát Derek Chauvi, người trực tiếp ghì gáy Floyd, bị truy tố tội giết người cấp độ ba, ngộ sát do bất cẩn và đã được đưa tới cơ sở giam. Ba cảnh sát liên quan cũng đang bị điều tra và có khả năng bị truy tố.
Huyền Lê (Theo AFP, Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét