Kellie Chauvin muốn đổi họ và không cần chu cấp sau khi ly hôn Derek Chauvin, người chồng cảnh sát ghì chết người da màu ở bang Minnesota.
Văn phòng luật sư Sekula, đại diện cho Kellie Chauvin, cho hay đã trao đổi với cô và gia đình về việc ly dị Derek Chauvin hôm 30/5. Đơn ly dị được Kellie nộp sau khi người chồng 44 tuổi của mình bị bắt và truy tố với tội danh giết người cấp độ ba.
Derek, nhân viên cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị sa thải và bị bắt hôm 29/5 do liên quan tới cái chết của George Floyd, một người da màu 46 tuổi. Công tố viên cho hay Derek đã ghì gối lên gáy Floyd trong gần 9 phút, khiến nạn nhân tử vong sau đó.
Trong đơn ly hôn dài 8 trang được công bố hôm 1/6, Kellie, 45 tuổi, cho hay cô có ý định đổi họ và không muốn nhận tiền chu cấp sau khi ly hôn. "Đã có một sự đổ vỡ không thể hàn gắn về quan hệ hôn nhân của các bên, liên quan sự việc ở Minnesota", theo nguyên nhân ly hôn được nêu trong đơn của Kellie.
"Cô ấy đang tìm cách đổi họ vì sự tan rã của cuộc hôn nhân này. Cô ấy không tìm cách đổi họ để lừa gạt, trốn chủ nợ hay bất kỳ ai khác, và không phải tội phạm", tài liệu tòa án cho biết.
Kellie không cho biết cô định sử dụng họ nào, nhưng trước đây, cô từng sử dụng các tên như Kellie May Thao và Kellie May Xiong.
Đơn ly hôn của Kellie cũng tuyên bố "hai bên đã ly thân" kể từ ngày 28/5 và dù Kellie đang thất nghiệp, cô vẫn "tự nuôi mình", "không cần tiền chu cấp và từ bỏ quyền nhận tiền chu cấp" từ chồng cũ.
Kellie, một người gốc Lào, từng giành vương miện cuộc thi Hoa hậu Quý bà Minnesota 2018. Kellie trải qua một đời chồng không hạnh phúc và có hai con trai trước khi kết hôn với Derek năm 2010. Hai người chưa có con chung.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 trước cuộc thi hoa hậu, Kellie dành nhiều lời ca ngợi Derek, người cô gặp lần đầu tại trung tâm y tế quận Hennepin ở Minneapolis. Cô đã làm việc 13 năm ở đây sau khi lấy bằng y khoa. Derek và Kellie hiện sở hữu hai ngôi nhà, một ở Oakdale, bang Minnesota, và một ở Windermere, bang Florida, tài liệu của tòa án cho hay.
Báo cáo khám nghiệm tử thi mới công bố cho thấy Floyd chết vì "ngừng tim phổi" sau khi bị Derek Chauvin ghì gáy. Cái chết của anh đã châm ngòi cho các cuộc để đòi công lý cho Floyd và bình đẳng sắc tộc.
Biểu tình đã xảy ra tại ít nhất 140 thành phố của Mỹ. Ngoài thủ đô Washington, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm đối phó các cuộc biểu tình. Khoảng 17.000 lính Vệ binh Quốc gia đã triển khai tới thủ đô Washington và 26 bang. Hàng nghìn người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại.
Mai Lâm (Theo NBC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét