Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Chính quyền đô thị giúp TP HCM tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng

Ngoài việc giảm 316 đại biểu chuyên trách, mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND cấp quận, phường giúp TP HCM tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

VnExpress trao đổi với ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM - người nhiều năm tham gia xây dựng Đề án chính quyền đô thị của TP HCM đang được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM. Ảnh: Hữu Công

Ông Trương Văn Lắm trò chuyện với VnExpress ngày 26/10. Ảnh: Hữu Công.

- Những nội dung chính của Đề án chính quyền đô thị của TP HCM trình Quốc hội lần này là gì, thưa ông?

- Chính quyền đô thị đòi hỏi bộ máy quản lý phải tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu quả. Bộ máy quản lý phải được tăng tính tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng của đô thị phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

TP HCM có dân số, mật độ và quy mô kinh tế lớn nhất nước. Do đó yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải đến chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác nhất, hạn chế qua cấp trung gian.

Với mục tiêu đó, TP HCM xây dựng Đề án chính quyền đô thị với nội dung trọng tâm không tổ chức HĐND quận, phường. Nếu đề án được triển khai, khu đô thị lõi trung tâm TP HCM chỉ còn chính quyền cấp thành phố có HĐND và UBND. UBND quận, phường sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố phục vụ người dân và doanh nghiệp. Còn ở địa bàn nông thôn (các huyện ngoại thành) vẫn có đủ HĐND và UBND.

Cách tổ chức như vậy phù hợp với xu hướng phát triển, đòi hỏi những quyết sách phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tế. Việc này cũng nhằm tinh gọn bộ máy, tạo sự quản lý hiệu quả của đô thị đặc biệt như TP HCM.

- Mô hình chính quyền đô thị của TP HCM lần này khác thế nào so với hai đề án chính quyền đô thị mà TP HCM trình Trung ương trước đây?

- Hai đề án chính quyền đô thị được TP HCM trình Trung ương năm 2007 và đầu năm 2013 cuối năm 2014 đều có 3 nội dung: sắp xếp các đơn vị hành chính (tổ chức 4 thành phố vệ tinh Đông - Tây - Nam - Bắc); không tổ chức HĐND ở đô thị; các cơ chế chính sách đặc thù khi bộ máy được tinh gọn.

Với đề án lần này, TP HCM cũng đeo đuổi các nội dung trên nhưng tách thành nhiều cấu phần nhỏ. Trong đó, nội dung tổ chức lại các đơn vị hành chính, thành phố chọn lập TP Thủ Đức làm động lực phát triển trong tương lai chứ không làm rộng rãi như trước. Nội dung này được tách ra và đưa vào đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính ở TP HCM giai đoạn 2019 - 2021.

Còn về cơ chế chính sách, Quốc hội đã cho phép TP HCM hưởng một số chính sách đặc thù là Nghị quyết 54/2017. Như vậy, đề án chính quyền đô thị của TP HCM lần này chỉ còn nội dung không tổ chức HĐND quận, phường.

- Việc không còn HĐND cấp quận và phường giúp TP HCM tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách như thế nào?

- Quá trình lập đề án, chúng tôi rà soát, thống kê có 316 đại biểu chuyên trách ở HĐND quận và phường sẽ được tinh giản. Về ngân sách, việc không lập HĐND quận, phường giúp TP HCM tiết kiệm ngân sách gần 1.200 tỷ đồng. Đây là kinh phí vận hành, lương và các chế độ chính sách để HĐND hai cấp hoạt động trong một năm.

Thành phố đã có kế hoạch sắp xếp, bố trí công việc cho những người bị tinh giản nhưng không thể sắp xếp hết. Do đó một số người sẽ phải rời khỏi bộ máy. Việc này khiến chúng tôi cũng rất tâm tư, băn khoăn nhưng phải làm vì sự nghiệp chung của thành phố.

TP HCM nhìn từ trên cao vào tháng 10/2020.

Khu trung tâm TP HCM nhìn từ trên cao vào tháng 10/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

- Người dân sẽ được lợi gì khi đề án được thông qua?

- Đề án sẽ giúp tinh gọn bộ máy nhà nước nhưng vẫn vận hành nhanh, đáp ứng nhu cầu người dân và sự phát triển của thành phố. Cái lợi nữa là đề án giúp thành phố tiết kiệm ngân sách mà ngân sách cũng là tiền thuế của người dân.

- Có ý kiến cho rằng HĐND cấp quận, phường là đại diện tiếng nói người dân, nếu bỏ sẽ ảnh hưởng đến quyền giám sát của họ. Đề án giải quyết việc này như thế nào để vừa tinh gọn bộ máy nhưng quyền giám sát của người dân không giảm?

- Đây là vấn đề mà quá trình nghiên cứu đề án chúng tôi rất quan tâm. Thực tiễn TP HCM đã thực hiện có hiệu quả việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường trong 7 năm và thấy rằng việc này không ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân.

Thứ nhất, đại diện cho người dân còn có đại biểu HĐND thành phố, đại biểu Quốc hội trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đại biểu HĐND thành phố sẽ được tăng cường về tổ chức, hoạt động để gắn bó với chính quyền địa phương, tăng cường giám sát và tiếp xúc cử tri.

Thứ hai, thành phố sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để phát huy vai trò phản ánh, giám sát của các đơn vị này đối với chính quyền địa phương.

Thứ ba, thành phố sẽ tổ chức các hội nghị nhân dân ở cơ sở để người dân trực tiếp phản ánh những vấn đề liên quan.

Một vấn đề nữa TP HCM đang ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Nếu làm tốt điều này, mọi vấn đề phản ánh của người dân sẽ được giải quyết kịp thời và người dân có thể kiểm tra, giám sát.

Theo đề án, người chịu trách nhiệm trước người dân ở địa bàn đô thị là Chủ tịch UBND thành phố. Người đứng đầu chính quyền thành phố có quyền bổ nhiệm, có quyền cách chức nếu chủ tịch quận làm không tốt, thay vì phải thông qua HĐND quận như hiện nay. Điều này diễn ra tương tự ở cấp phường, xã, thị trấn.

Theo dự thảo đề án, để mô hình chính quyền đô thị của TP HCM áp dụng từ 1/7/2020, Nghị quyết liên quan đề án cần được xem xét và ban hành tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Điều này giúp các bên có thời gian chuẩn bị văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 và các công việc khác. Trước đó, ngày 12/10, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tờ trình của Chính phủ về thực hiện đề án.

TP HCM hiện có 24 quận, huyện (19 quận, 5 huyện) và 322 xã, phường, thị trấn.

Hữu Công

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét