Mỹ thử nghiệm khả năng treo tên lửa hành trình AGM-158 ở giá treo dưới thân oanh tạc cơ B-1B, cho phép chúng tăng đáng kể hỏa lực mang theo.
"Khả năng tăng cơ số vũ khí của oanh tạc cơ B-1B Lancer đạt thêm bước tiến mới nhờ chuyến bay thử gần căn cứ Edwards. Máy bay B-1B thuộc biên chế Phi đoàn thử nghiệm số 419 đã lần đầu mang mô hình tên lửa AGM-158 JASSM ở giá treo ngoài thân. Thử nghiệm cũng có thể mở đường cho dòng B-1B mang tên lửa siêu vượt âm", không quân Mỹ ra thông cáo cho biết hôm 24/11.
Hình ảnh do không quân Mỹ công bố cho thấy chiếc B-1B mang mô hình tên lửa AGM-158 JASSM ở giá treo phía sau buồng lái, vị trí thường dùng để lắp cụm chỉ thị mục tiêu AN/AAQ-33 Sniper. Quả tên lửa có hai vạch xanh dương, không mang đầu đạn và động cơ, chỉ được lắp thiết bị thu phát tín hiệu để kiểm tra tính năng khí động học khi gắn bên ngoài thân B-1B.
Thử nghiệm nằm trong chương trình nâng cấp với mục tiêu giúp mỗi chiếc Lancer gắn thêm 12 tên lửa hành trình JASSM ở giá treo, bổ sung đáng kể hỏa lực cho oanh tạc cơ vốn mang được 24 quả tên lửa trong thân. "Chương trình nhằm chứng minh những chiếc B-1B có thể phóng tên lửa AGM-158 một cách an toàn từ giá treo ngoài", thiếu tá William Russell, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Tấn công Toàn cầu (AFGSC) của không quân Mỹ, cho hay.
AFGSC hồi năm ngoái giới thiệu gói nâng cấp cho dòng B-1B, cho phép chúng mang đến 40 tên lửa và bom các loại, cũng như những vũ khí với khối lượng tới gần 2,5 tấn, trong đó gồm cả tên lửa siêu vượt âm. AFGSC khẳng định giải pháp này dựa trên thiết kế có sẵn của dòng B-1B và không đòi hỏi chỉnh sửa khung thân.
AGM-158 JASSM là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay do Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ. Chương trình khởi đầu từ 1995, nhưng hàng loạt vấn đề trong quá trình thử nghiệm khiến tên lửa bị chê là "đầy lỗi" và Lầu Năm Góc suýt hủy nó. Sau khi loại vũ khí này được biên chế năm 2009, Lockheed Martin đã bàn giao tổng cộng 2.000 quả đạn cho không quân Mỹ.
Loại vũ khí này lần đầu tham gia thực chiến ngày 14/4/2018, khi 19 quả đạn tăng tầm AGM-158B JASSM-ER được phóng từ oanh tạc cơ B-1B Lancer nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Biến thể JASSM-ER được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, khiến nó khó bị phát hiện và đánh chặn hơn. Quả đạn có tầm bắn hơn 900 km, so với 370 km của mẫu AGM-158 nguyên bản.
Vũ Anh (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét