Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ đến Hà Nội hôm nay, bắt đầu chuyến thăm thứ ba tới Việt Nam trong 8 năm qua.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Việt Nam diễn ra ngày 12-13/12. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau chuyến thăm năm 2015 và 2017. Hoạt động này được coi là cơ hội rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược trong tình hình mới.
Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ kỳ vọng quan hệ Việt - Trung sẽ đạt "tầm mức mới", với nhiều kết quả thực chất từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các văn kiện dự kiến được ký sẽ tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định chuyến thăm sẽ tạo thêm động lực và nâng tầm quan hệ, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện. Đại sứ cho biết Việt Nam sẽ dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em".
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đánh giá hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt và đường cao tốc, có thể là lĩnh vực ưu tiên được hai bên thảo luận trong chuyến thăm, trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Truyền thông Trung Quốc cũng đề cao chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam, cho rằng sự kiện "chắc chắn sẽ củng cố niềm tin chính trị lẫn nhau giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.
"Trung Quốc và Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển nổi bật. Hai nước chúng ta đoàn kết và hợp tác có thể tạo thêm tính ổn định cho sự phát triển của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới", Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.
Như Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét