Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

Những người nỗ lực 'bắc cầu' để hạ nhiệt chính trường Mỹ

Nhiều nhóm hoạt động đang hình thành và nhận được ủng hộ tại Mỹ với nhiệm vụ đưa các cử tri Dân chủ và Cộng hòa xích lại gần nhau.

Khi cơn giận dữ đối với đảng Dân chủ lên đến đỉnh điểm, Adam Wilkinson, 48 tuổi, đã thành lập một công ty sản xuất áo phông in khẩu hiệu mang tên "Failed Understanding" và quảng cáo trên trang blog của mình, nơi ông thường phàn nàn về chính phủ, cựu tổng thống Barack Obama hay sau này là lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.

Năm nay, Wilkinson, đến từ vùng nông thôn Minnesota, đứng trên sân khấu trước hàng trăm người, thay đổi phong cách nói chuyện nhưng quan điểm chính trị thì không. Bên cạnh ông là tiến sĩ Francis Collins, 73 tuổi, cựu giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), người xây dựng các chính sách liên bang về Covid-19 từng gây nhiều tranh cãi.

Cả hai người đều tin rằng thù địch chính trị là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với đất nước và chính họ cũng là một phần của vấn đề. Hai người chia sẻ về bản thân và cố gắng tìm hiểu về những điểm mù chính trị mà bản thân gặp phải.

Những người ủng hộ và phản đối ông Trump đụng độ tại một sự kiện của đảng Dân chủ ở California. Ảnh: Orange County Register

Những người ủng hộ và phản đối ông Trump đụng độ tại một sự kiện của đảng Dân chủ ở California. Ảnh: Orange County Register

Collins và Wilkinson đều là thành viên của Braver Angels, một trong những nhóm hành động đang hướng tới mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong chính trường bằng cách trở thành "cầu nối", khuyến khích người dân Mỹ từ bỏ tư duy đảng phái để lắng nghe các quan điểm khác biệt.

Họ là một phần của phong trào đang thu hút hàng chục nghìn người Mỹ tham gia. Nhiều người trong số họ tự nhận mình là những cử tri đã "kiệt sức", lo lắng về nguy cơ chia rẽ chính trị có thể hủy hoại cuộc sống xã hội.

Những nhóm này nhận được ủng hộ ngày càng tăng từ cộng đồng các nhà tài trợ. Một liên minh gồm các tổ chức trung hữu và tự do đã huy động được khoảng 40 triệu USD trong chưa đầy ba năm và đang hướng tới mục tiêu 100 triệu USD.

Họ học hỏi từ công trình nghiên cứu của các chuyên gia khoa học xã hội tại Stanford, Northwestern và nhiều trường đại học uy tín khác, những người đang tìm hiểu cách truyền thông điệp hiệu quả nhất để hướng người Mỹ tới các hình thức tranh luận hiệu quả hơn, thay vì đối đầu.

"Chúng tôi không cố thay đổi suy nghĩ của mọi người về các vấn đề. Chúng tôi cố thay đổi suy nghĩ của họ về nhau", Bill Doherty, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Minnesota, thành viên Braver Angels, giải thích.

Thử thách lớn nhất của họ là những thông điệp khiêu khích không ngừng nghỉ từ cả phe Dân chủ và Cộng hòa. Các hãng tin và tài khoản mạng xã hội mang tính đảng phái thường xuyên quảng bá những thông tin khiến phe này phẫn nộ về phe kia. Cựu tổng thống Donald Trump liên tục có những phát ngôn gay gắt về đối thủ, thề sẽ điều tra và trừng phạt những người chỉ trích ông nếu ông thắng cử vào năm 2024. Tổng thống Joe Biden trong khi đó nói rằng "đảng viên Cộng hòa MAGA đe dọa nền dân chủ". MAGA là từ viết tắt câu khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.

Theo các nhà khoa học xã hội, những thông tin như vậy khiến không ít người Mỹ tin rằng họ đang bị các đối thủ chính trị công kích, khiến họ lún sâu hơn vào quan điểm đảng phái và cố gắng bôi nhọ đảng đối lập nhiều hơn.

Kết quả thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm ngoái cho thấy 60% cử tri mỗi bên cảm thấy những người ở đảng đối lập là vô đạo đức, không trung thực và thiển cận. Theo một cuộc khảo sát của NBC News vào mùa thu năm 2022, khoảng 80% cử tri mỗi bên tin rằng chương trình nghị sự của bên kia sẽ "hủy diệt nước Mỹ".

Nhiều người Mỹ bày tỏ họ háo hức làm việc với các nhóm như Braver Angels. Ngay sau cuộc bầu cử năm 2016, David Lapp, sống ở một hạt ủng hộ ông Trump ở Cincinnati, đã nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp cũ David Blankenhorn ở Manhattan.

Hai người đều bối rối về tình trạng chia rẽ và thái độ yêu ghét rõ ràng từ những người xung quanh trước chiến thắng bất ngờ của ông Trump. "Ở Upper West Side, mọi người đều thất vọng", Lapp nhớ lại. "Và ở đây, mọi người nói về hy vọng và thay đổi".

Để thử nghiệm, họ đã thuyết phục 11 cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton và 10 cử tri ủng hộ ông Trump gặp nhau tại một trung tâm cộng đồng ở Ohio để trò chuyện vào cuối tuần. Ban đầu, thành viên mỗi bên họp riêng nhóm của mình và liệt kê những điều nhóm đối phương có thể lầm tưởng về họ. Họ cũng tự miêu tả các giá trị của nhóm mình.

Hai nhóm sau đó ngồi lại với nhau và thảo luận về cách mỗi bên nhìn nhận đối phương. Mục tiêu trọng tâm là giảm bớt những quan điểm sai lầm.

Đây là phương thức Braver Angels đang duy trì khi tổ chức các hội thảo cho những nhóm cử tri Cộng hòa và Dân chủ.

Thông thường, trong cuộc họp riêng, các đảng viên Cộng hòa phàn nàn rằng họ bị coi là "chống nhập cư". Nhưng sau đó, họ thừa nhận một số lãnh đạo chính trị của đảng đã gây ra quan niệm này với các phát ngôn quá gay gắt, đôi khi xúc phạm.

Đảng viên Dân chủ thường phàn nàn về việc bị coi là những người theo chủ nghĩa "ủng hộ đánh thuế cao để tăng chi tiêu", nhưng cuối cùng họ thừa nhận có xu hướng ủng hộ việc chính quyền liên bang nắm trong tay nhiều quyền lực điều chỉnh các vấn đề.

Số lượng thành viên các nhóm "bắc cầu" đang tăng nhanh chóng. Braver Angels cho biết hơn 33.000 người đã dự các chương trình của họ. Mạng lưới Listen First Coalition cho biết họ hiện có khoảng 500 nhóm dân sự, học thuật, tôn giáo cùng doanh nghiệp tham gia.

Adam Wilkinson (trái) và tiến sĩ Francis Collins, cựu giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), tại một sự kiện của Braver Angels mùa hè vừa qua. Ảnh: Braver Angels

Adam Wilkinson (trái) và tiến sĩ Francis Collins, cựu giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), tại một sự kiện của Braver Angels mùa hè vừa qua. Ảnh: Braver Angels

Wilkinson, đến từ Minnesota, không quan tâm chuyện chính trị cho đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, thời khắc mà ông cho là đã đoàn kết cả nước. Nhưng khi nghe thấy mọi người chỉ trích tổng thống George W. Bush sau đó, ông đã nổi giận.

"Đó là lúc tôi bắt đầu quan tâm tới chính trị, bởi vì, chuyện quái gì đang xảy ra vậy chứ", Wilkinson kể. "Tại sao chúng ta lại có thể đi từ chỗ mọi người cùng chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sang nói những điều khủng khiếp về tổng thống Bush như vậy?".

Wilkinson dần chuyển sang nghe các đài phát thanh bảo thủ. "Tôi ngày càng trở nên tức giận hơn với những người ở phía bên kia của vực thẳm chia rẽ chính trị", ông cho hay.

Sau đó, hàng loạt sự kiện khác xảy ra khiến Wilkinson bất mãn, như phong trào Chiếm phố Wall chống doanh nghiệp hay việc tổng thống Obama thúc đẩy Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng. Ông đưa suy nghĩ của mình lên mạng và tranh luận với những người không cùng suy nghĩ.

Thời điểm được các lãnh đạo Braver Angels tiếp cận, Wilkinson đang dần nhận ra ông là một "anh hùng bàn phím". Giờ đây, ông đang tham gia tích cực vào những cuộc tranh luận mà Braver Angels tổ chức, đồng thời dẫn đầu một chương trình giúp đoàn kết tầng lớp lao động Mỹ.

Braver Angels đã ghép gặp Wilkinson với Collins, cựu giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, để họ thảo luận về chính sách liên bang Mỹ đối phó với Covid-19 thời đỉnh điểm. Wilkinson vẫn còn tức giận về các biện pháp phong tỏa thời Covid-19. "Có những đứa trẻ đã bị học chậm lại nhiều năm. Có những người không bao giờ phục hồi được công việc kinh doanh", ông nói.

Collins đáp lại rằng các quan chức y tế công cộng khi đó ưu tiên các chính sách cứu được mạng sống thay vì quan tâm liệu chúng có làm gián đoạn cuộc sống người dân hay không. Vaccine Covid-19 khi đó chưa được sản xuất và họ cảm thấy cần làm chậm lại con số tử vong đáng báo động.

"Chúng tôi thực sự không nghĩ điều đó sẽ tác động như thế nào tới Wilk và gia đình anh ấy ở Minnesota, cách nơi virus bùng phát mạnh mẽ nhất hơn 1.600 km".

Collins đã tham gia một số hội thảo của Braver Angels và gọi đó là một "công việc cao quý". Nhưng ông chưa thực sự tin rằng những nỗ lực xóa bỏ phân cực chính trị có thể phát huy hiệu quả.

"Tôi nghĩ điều đó cần phải được chứng minh", ông cho hay. "Cả một con đồi dốc phải vượt qua, nhưng mọi nỗ lực sáng tạo và quyết tâm đều đáng trân trọng".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét