Mỹ đang dần mất kiên nhẫn với chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza và nếu Washington rút lại ủng hộ, Tel Aviv khó có thể hoàn thành mục tiêu.
Politico cuối tuần qua dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thêm ba tuần để thực hiện chiến dịch tấn công Dải Gaza mà họ đã tiến hành hơn hai tháng qua. Truyền thông Israel gần đây cũng đưa ra những đồn đoán tương tự, cho hay Washington đã dần cạn kiên nhẫn với chiến dịch của Tel Aviv.
Bình luận viên Alon Pinkas của Haaretz cho rằng trước cuối năm nay, Washington sẽ yêu cầu Israel thay đổi tính chất cuộc chiến mà nước này đang theo đuổi tại Gaza, đồng thời rút lực lượng trở về để tái củng cố biên giới, tiến hành những cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn nhằm vào các thành trì còn lại của Hamas.
Trong hơn hai tháng qua, Mỹ là đồng minh ủng hộ mạnh mẽ nhất của Israel trong chiến sự Gaza. Mỹ hôm 8/12 phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, trong khi Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, bỏ phiếu trắng.
Tất cả 13 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an đều bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết. Hành động của Mỹ làm bật lên thực tế rằng Israel đã trở nên phụ thuộc vào đồng minh chiến lược của mình về hỗ trợ ngoại giao như thế nào.
Washington bên cạnh đó đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Tel Aviv 45.000 quả đạn pháo xe tăng. Tuy nhiên, túi tiền Mỹ không phải vô hạn và nó có thể đang bị bóp chặt lại.
Nhiều người Israel đang đưa ra giả định sai lầm về khoảng thời gian mà Washington dành cho Tel Aviv với chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza. Theo giới quan sát, Tổng thống Biden có những trở ngại của riêng mình, chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý dè dặt ngày càng tăng trong các thành viên trẻ tuổi của đảng Dân chủ đối với việc hỗ trợ Israel.
Bình luận viên Harel nhận định Israel có thể thuyết phục Mỹ kiên nhẫn thêm vài tuần nữa, nhưng đây dường như sẽ là giới hạn cuối cùng của Washington.
Thời gian dành cho IDF cũng đang vơi dần. Các sư đoàn Israel hiện mở ra cùng lúc nhiều mặt trận ở Gaza nhưng đều gặp phải kháng cự quyết liệt từ Hamas. Chiến dịch tấn công của Israel được dự báo còn phức tạp hơn nữa trong vài tuần tới.
Việc Mỹ yêu cầu Israel tăng cường viện trợ nhân đạo vào Gaza có thể đã giúp Hamas có thêm lợi thế, khi nhóm có thêm nguồn lực để củng cố lực lượng. Trên thực tế, lượng nhiên liệu đổ vào Gaza hiện nay còn nhiều hơn so với trước thời điểm bắt đầu ngừng bắn hồi cuối tháng trước.
"Nếu Mỹ thực sự đang gây áp lực lên Israel, điều mà lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar có thể rút ra từ bản tin của Politico là ông sẽ phải cầm cự thêm ba tuần nữa và để Washington làm phần còn lại", Harel nhận xét.
Trước công chúng, cả hai nước đều phủ nhận chính quyền Mỹ đã đặt ra hạn chót để Israel kết thúc chiến dịch quân sự tại Gaza. Nhưng một số nguồn tin xác nhận trong chuyến thăm Israel gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với các đối tác Israel rằng họ phải kết thúc mọi việc vào năm mới.
Mặt khác, chính quyền Mỹ cũng yêu cầu Israel nỗ lực hơn nữa để giảm bớt đau thương cho người Palestine, đặc biệt là tại miền nam Gaza. Hàng triệu người Gaza phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh và đang chen chúc trong những khu vực chật chội với nhu yếu phẩm khan hiếm và tình trạng vệ sinh kém, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
"Nếu Mỹ yêu cầu chấm dứt giao tranh vào đầu năm mới, tình hình tại Dải Gaza có thể được cải thiện phần nào. Nhưng điều kiện sống bình thường và hòa bình sẽ không thể sớm trở lại", các chuyên gia của Economist nhận định trong bài bình luận ngày 10/12. "Hoạt động bắn phá của Israel vào Gaza có thể chấm dứt, nhưng IDF nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiến dịch với cường độ thấp hơn, dựa vào lực lượng bộ binh. Trong kịch bản đó, Hamas sẽ tiếp tục kiểm soát các phần của Dải Gaza và Israel sẽ thất bại trong mục tiêu chính là xóa sổ nhóm này".
Hôm 5/12, trung tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng IDF, cho biết quân đội Israel đã bao vây Khan Younis, thành phố lớn nhất miền nam Gaza, nơi sinh của hai thủ lĩnh cấp cao Hamas là Yahya Sinwar và Muhammad Deif.
Kể từ đó, họ đã từ từ tiến vào trung tâm thành phố. Khan Younis, cùng với hai thành trì khác của Hamas ở phía bắc Gaza là Shujaiya và Jabalia, đã trở thành trọng tâm chính mà IDF hướng tới kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần sụp đổ hôm 1/12.
IDF tuyên bố phát hiện hơn 800 lối vào đường hầm ở phía bắc Gaza và đã cho nổ tung hầu hết chúng. Nhưng nhiều đường hầm sâu hơn được cho là vẫn còn nguyên vẹn, nên Israel đang xem xét các biện pháp quyết liệt hơn, như bơm nước biển làm ngập chúng.
Trong khi đó, Hamas vẫn duy trì được khả năng phóng rocket vào các thành phố lớn của Israel. Mặc dù các cuộc tập kích rocket có quy mô nhỏ hơn so với giai đoạn đầu xung đột, việc chúng vẫn tiếp diễn sau nhiều tháng Hamas bị Israel tấn công dữ dội cho thấy IDF sẽ gặp khó khăn thế nào trong nỗ lực "hủy diệt" lực lượng này.
Nơi hậu trường, các quan chức cấp cao Israel thừa nhận cuộc tấn công vào Khan Younis có thể là động thái quy mô lớn cuối cùng của cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn tiếp theo, khi IDF sẽ thực hiện các cuộc tập kích cục bộ, nhắm mục tiêu chọn lọc hơn vào Hamas.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng phải đối mặt những áp lực khác. Vì lợi ích của nền kinh tế Israel, ông bắt buộc phải thu hẹp sớm quy mô cuộc chiến và để 360.000 lính dự bị quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số thành viên trong liên minh cực hữu của ông đã đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ thời chiến nếu ông kết thúc chiến dịch trên bộ quá sớm.
Ga đình của những con tin vẫn bị giam ở Gaza đang tiếp tục kêu gọi Israel đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn khác với Hamas để đưa họ trở về. Trong thời gian ngừng bắn vào tháng trước, Hamas đã trả tự do cho 110 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nhưng thỏa thuận do Qatar làm trung gian đã sụp đổ khi Hamas từ chối thả 17 phụ nữ và trẻ em đã được thống nhất. Israel khẳng định những phụ nữ và trẻ em này phải được trao trả trước khi bắt đầu đàm phán về các con tin nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã cố gắng trấn an các gia đình rằng "khi chiến dịch quân sự trên bộ đạt kết quả, áp lực lên Hamas sẽ tăng lên và cơ hội trao đổi thêm con tin cũng tăng theo".
Nhưng ngay lúc này, các con tin vẫn gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Một số đã bị thương sau cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10 và cần được điều trị. Trong cuộc gặp căng thẳng với gia đình các con tin hôm 5/12, Thủ tướng Netanyahu đã bị một số người cáo buộc "đặt chính trị lên trên nỗ lực đưa con tin trở về".
IDF nhận thức rõ ràng rằng họ đang đối mặt nhiều kỳ vọng không thể dung hòa. Các chính trị gia Israel và hầu hết người dân nước này muốn tiêu diệt Hamas. Gia đình các con tin trên hết mong muốn người thân của họ được về nhà và các đồng minh quốc tế của Israel muốn có ít thương vong hơn cho dân thường Palestine cũng như sớm chấm dứt cuộc chiến. Nếu Mỹ kêu gọi chấm dứt giao tranh mạnh mẽ hơn, áp lực chắc chắn sẽ gia tăng với Israel, theo giới quan sát.
Hezbollah, lực lượng dân quân Hồi giáo ở Lebanon, vẫn liên tục phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) về phía miền bắc Israel. Phiến quân Houthi ở Yemen đang tấn công các tàu ở Biển Đỏ trong nỗ lực gây sức ép lên Tel Aviv.
"Thủ tướng Netanyahu đang phải tìm cách tránh đưa ra các lựa chọn sai lầm giữa những mục tiêu không thể dung hòa trên. Nhưng khi những chiếc xe tăng ầm ầm tiến vào miền nam Gaza, thời khắc khủng hoảng đang đến gần", Economist đánh giá trong bài viết đăng ngày 6/12.
Vũ Hoàng (Theo Economist, Haaretz)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét