An Giang3 km sông Hậu qua huyện Châu Phú thu hẹp phân nửa, làm dòng chảy tăng vận tốc, đường đi được ghi nhận như mũi khoan, gây nhiều vụ sạt lở quốc lộ 91.
Hiện trạng sạt lở quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các vết rạn nứt tiếp tục lan rộng và tiến sát dãy nhà dân.
Trong 10 năm qua, đoạn sông Hậu dài 600 m này đã xảy ra 3 vụ sạt lở, "ngoạm" hơn 500 m quốc lộ. Hàng trăm hộ dân đã phải di dời. Bảy hố xoáy đã xuất hiện. Tỉnh An Giang đã hai lần làm gần 6 km đường tránh, lấp bốn hố xoáy, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hiện ở đây vẫn còn ba hố sâu 22-24 m, sau trận sạt lở năm hôm trước.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập về đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ở miền Tây là thiếu cát và phù sa. Đây là hệ quả của việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát dọc dòng Mekong, nhất là ở Campuchia và Việt Nam.
"Hai nguyên nhân mấu chốt này không giải quyết được nên sạt lở vẫn tiếp diễn", chuyên gia nói và nhận định mọi giải pháp chống sạt lở hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn chỉ là "đối phó tình huống".
Theo ông Thiện, khu vực sạt lở quốc lộ 91 nguy hiểm hơn vì đây là đoạn sông cong, tiết diện hẹp, chỉ rộng khoảng 300 m so với 600 m ở thượng lưu và hạ lưu liền kề nên vận tốc dòng chảy tăng lên. Dòng nước khi đến đây sẽ tạo lực ly tâm dời đường tim sông sát vào bờ. Tại dòng sông cong, bên lõm gọi là vịnh, bên lồi gọi là doi. Lực ly tâm cũng làm cho mực nước phía vịnh cao hơn phía doi.
"Mực nước cao hơn ở phía vịnh bị trọng lực kéo xuống tạo dòng chảy vừa đi vừa xoắn như mũi khoan. Mũi khoan này ăn sâu, bào mòn rồi cắt đứt chân bờ tạo hàm ếch và đào xuống đáy sông tạo vực thẳm", ông Thiện nói và cho biết bằng chứng của việc cắt đứt chân bờ là trước sạt lở bao giờ cũng có vết nứt trên mặt đất, sau đó cả khối đất không có chân đổ ụp xuống sông.
Theo ông Thiện, hiện có ba giải pháp tình thế: Làm kè bảo vệ bờ; rút lui chấp nhận sạt lở và di dời dân; nắn dòng chảy. Tuy nhiên, giải pháp đầu không nên thực hiện vì có nhược điểm, nếu không bảo vệ được chân bờ thì sạt lở vẫn diễn ra. Kè còn làm nặng thêm mái dốc, gây gia tăng rủi ro sạt lở. Giải pháp thứ hai cũng khó thực hiện vì kinh phí rất lớn và nhiều người có nhà cửa ổn định, không muốn di dời.
Ông Thiện cho rằng, giải pháp thứ ba chỉnh trị dòng chảy là khả thi nhất. Nhưng giải pháp này có một loạt vấn đề cần cân nhắc. Thứ nhất là đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật rất cao trong thiết kế. Trong đó, có thể cần công trình hướng dòng ở đáy sông, chứ không chỉ nạo vét cát tạo luồng mới là xong. Đồng thời cần tính tới khả năng cát tái bồi lấp luồng mới nạo vét.
"Phương pháp xã hội hóa có ưu điểm là giải quyết vấn đề vốn, nhưng có hai nhược điểm cần lưu ý là việc để doanh nghiệp tận thu cát để bù chi phí thì sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt cát của hệ thống sông và làm sao để không xảy ra lạm thu cát", chuyên gia nói.
Còn tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, khi có các thông số chính thức về dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu tại khu vực mặt cắt thu hẹp (khối lượng cát tận thu, khai thác với độ sâu, rộng bao nhiêu...) mới đánh giá được hiệu quả, mức độ tác động như thế nào của phương án này.
Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, các đơn vị tư vấn đang khảo sát, đánh giá thực trạng. "Khi tình hình sạt lở ổn định sẽ cho lấp các hố sâu và gia cố đường bờ", ông Bình nói và cho biết về lâu dài, địa phương đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện giải pháp chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91.
Theo UBND An Giang, sau khi hoàn thành tuyến 5 km quốc lộ 91 mới (từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương), Bộ Giao thông Vận tải đã giao lại tuyến quốc lộ 91 bị sạt lở cho tỉnh triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa hơn 2 km có nguy cơ sạt lở, với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. Địa phương đang thực hiện.
Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện việc này, sạt lở vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân là 3 km lòng sông Hậu qua xã Bình Mỹ bị "thắt cổ chai". Công trình bảo vệ bờ quốc lộ sẽ làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy (mặt cắt vuông góc với tất cả đường dòng đi qua), gây tăng thêm nguy cơ xói lở.
Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, để xử lý đoạn sạt lở một cách căn cơ, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy ở khu vực hẹp này. Phương án này cũng sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ quốc lộ 91.
Đơn vị thực hiện sẽ chịu chi phí lập dự án, kinh phí đền bù đất bãi bồi phía bờ đối diện thuộc xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân và nạo vét mở rộng dòng chảy kết hợp với tận thu cát. Trường hợp mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát tận thu lớn hơn chi phí lập dự án và đền bù đất bãi bồi, đơn vị thực hiện chỉnh trị phải nộp ngân sách phần chênh lệch.
Về người dân ở điểm sạt lở mới, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, trước mắt di dời khẩn cấp gần 30 hộ trong vùng nguy hiểm nhất. Sau này, địa phương sẽ xây tuyến dân cư để bố trí hơn 600 hộ sống dọc trên 2 km đường nằm trong phạm vi sạt lở vào sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều người trong khu vực này vẫn không muốn di dời. "Chúng tôi mong chính quyền có biện pháp khắc phục chứ không muốn di dời vì xáo trộn công ăn việc làm, nơi sinh sống, tốn kinh phí cả của dân và nhà nước", ông Lê Bá Truyền (74 tuổi) nói.
Quốc lộ 91 dài 142 km, nối từ TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận cũng như giao thương với Campuchia.
Trước đó, hôm 27/5, sau bốn ngày rạn nứt tăng dần, tại xã Bình Mỹ sụp xuống sông. Cách đó vài trăm mét, tháng 8/2019, . Năm 2010, toàn bộ 370 m quốc lộ này cũng bị dòng sông ăn đứt.
Cửu Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét