Vệ binh Quốc gia được Trump tin là công cụ hiệu quả để nhanh chóng giải quyết biểu tình bạo lực, dù đây không phải lực lượng hành pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 tuyên bố các thống đốc, thị trưởng để xảy ra biểu tình bạo lực trong nhiều ngày sau vụ George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5 ở thành phố Minneapolis, là "yếu kém".
Ông cũng đe dọa sẽ "triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề" cho họ, nếu các bang, thành phố từ chối thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. Trump còn tuyên bố huy động hàng nghìn Vệ binh Quốc gia được "trang bị hạng nặng" để hành động nhanh chóng và quyết liệt nhằm bảo vệ thủ đô.
Theo giới quan sát, đây là phát ngôn mới nhất của Trump thể hiện sự coi trọng vai trò của Vệ binh Quốc gia trong đối phó với biểu tình bạo lực, bạo loạn, bất ổn trong nước. Trước đó, ông cũng khẳng định lực lượng này sẽ sát cánh cùng các thống đốc và tuyên bố "khi tình trạng cướp phá bắt đầu, súng cũng sẽ nổ".
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz ngày 28/5 điều động 500 vệ binh quốc gia hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật tại thành phố Minneapolis. Nhiều bang khác cũng có động thái tương tự, triển khai Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cảnh sát đối phó biểu tình.
Hình ảnh Vệ binh Quốc gia trên đường phố Minneapolis, bang Minnesota cùng những dòng tweet gây tranh cãi của Trump đặt ra câu hỏi về những việc lực lượng này được làm để kiểm soát bạo lực, bởi lực lượng này là một phần của lực lượng vũ trang Mỹ, không phải cơ quan hành pháp.
Vệ binh Quốc gia là lực lượng quân sự dự bị của các lực lượng vũ trang Mỹ. Mỗi bang và vùng lãnh thổ Mỹ đều có Lực lượng Vệ binh Quốc gia chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ thống đốc, người đóng vai trò là tổng tư lệnh Vệ binh Quốc gia ở bang đó.
Vệ binh Quốc gia có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp nội địa hoặc tham gia chiến đấu ở nước ngoài như một bộ phận của Lục quân Mỹ. Vệ binh Quốc gia cũng có thể tham gia các chiến dịch chống ma túy, tái thiết... Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ hiện có khoảng 350.000 thành viên.
Vệ binh Quốc gia là một phần của quân đội, song các thành viên chủ yếu là dân thường, được huấn luyện quân sự chuyên nghiệp trong thời gian đầu và tiếp tục được đào tạo bổ sung một lần mỗi tháng, thường là vào dịp cuối tuần, cùng với đó là chương trình huấn luyện tập trung hai tuần mỗi năm.
Thống đốc bang có thể triển khai Vệ binh Quốc gia tới bất cứ địa điểm nào được tuyên bố có tình trạng khẩn cấp của bang. Đó thường là tình huống liên quan đến thiên tai, nhưng lực lượng này cũng được huy động để đối phó với bạo loạn, bất ổn, tấn công khủng bố.
Ngoài ra, Vệ binh Quốc gia có thể được tổng thống Mỹ kích hoạt và được đặt dưới quyền kiểm soát liên bang để thực hiện các nhiệm vụ liên bang trong thời chiến hay tình huống khẩn cấp quốc gia.
Binh sĩ Vệ binh Quốc gia được mang theo vũ khí và mặc quân phục dã chiến khi thực thi nhiệm vụ, song họ chỉ có vai trò hỗ trợ cho lực lượng hành pháp địa phương. Thống đốc Walz trong cuộc họp báo hôm 29/5 liên tục nhấn mạnh rằng "Vệ binh Quốc gia không phải lực lượng cảnh sát".
Thiếu tướng Jon Jensen, sĩ quan quản lý cao cấp của Vệ binh Quốc gia bang Minnesota, nói binh sĩ của ông được vũ trang vì thông tin tình báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) chỉ ra "mối đe dọa chết người có thật" đối với lực lượng khi thực thi nhiệm vụ.
Tướng Jensen nói đã được Thống đốc Walz ủy quyền để cho phép Vệ binh Quốc gia mang theo vũ khí khi được triển khai tối 28/5. Jensen nói chưa cho phép vệ binh nổ súng khi làm nhiệm vụ đối phó biểu tình, song lưu ý họ có vẫn có quyền tự vệ. Vệ binh Quốc gia bang Minnesota không có thẩm quyền bắt người mà chỉ các nhân viên thực thi pháp luật được phép tiến hành.
Vệ binh Quốc gia bang Minnesota có 4 nhiệm vụ chính là bảo vệ tòa nhà trụ sở cơ quan lập pháp bang, bảo vệ an ninh tại Trung tâm Thực thi Pháp luật hạt Ramsey, đảm bảo an ninh tại Cục Bắt giữ Hình sự và hộ tống nhân viên cứu hỏa vào các khu vực nguy hiểm. Lực lượng cũng đang "tạo ranh giới giữa người biểu tình và các địa điểm có nguy cơ bị xâm hại", Vệ binh Quốc gia bang Minnesota cho biết trong thông cáo.
"Chúng tôi không được phép tiết lộ bất kỳ chi tiết cụ thể nào về chiến thuật hoặc việc dùng vũ lực của mình", thông cáo cho biết. "Các vệ binh được điều động để bảo vệ mạng sống, tài sản và quyền biểu tình hòa bình của dân chúng ở Minneapolis và các cộng đồng xung quanh".
Tướng Jensen cho biết Vệ binh Quốc gia đảm bảo an ninh tại các tòa nhà, lực lượng thực thi pháp luật địa phương rảnh tay và sẵn sàng đối phó với bất cứ bất ổn tiềm tàng nào. Tuy nhiên chỉ sau một đêm, đoạn tweet của Tổng thống Trump mang đến thêm nhầm lẫn về vai trò của quân đội.
"Vừa thảo luận với Thống đốc Tim Walz và nói rằng quân đội luôn sát cánh bên ông ấy. Bất kể tình khó khăn đến đâu, chúng ta sẽ đều kiểm soát được, song nếu cướp bóc bắt đầu, súng cũng sẽ nổ", Trump đăng trên Twitter ngày 29/5 và bị mạng xã hội ẩn đi do vi phạm quy định cấm .
Vệ binh Quốc gia có thể được để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, song điều này không đồng nghĩa tổng thống sẽ tiếp quản quyền chỉ huy vệ binh của bang.
Theo đạo luật Posse Comitatus, được ban hành sau thời kỳ Nội chiến Mỹ 1861-1865, quân nhân chuyên nghiệp bị cấm thực hiện các nhiệm vụ thi hành pháp luật, trừ trường hợp tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Vệ binh Quốc gia có thể thực hiện loạt nhiệm vụ như đối phó với thiên tai hay giai đoạn khủng hoảng, họ có thể tham gia kiểm soát đám đông. Vệ binh Quốc gia có thể được trang bị vũ khí trong nhiệm vụ cụ thể và được quyền dùng vũ khí để tự vệ như tất cả quân nhân khác.
Vệ binh Quốc gia được đào tạo về kỹ năng kiểm soát đám đông và cách dùng mũ bảo hộ với tấm chắn, khiên cùng dùi cui. Các kỹ năng này được thiết kế để giảm thiểu bất cứ sự leo thang nào trong các cuộc bạo động.
Năm 1970, khi đối phó biểu tình tại Đại học Kent, Vệ binh Quốc gia bang Ohio đã nổ súng vào đám đông, khiến 4 sinh viên thiệt mạng và 9 người bị thương. Vụ nổ súng khiến dư luận Mỹ bàng hoàng khi Vệ binh Quốc gia lại sử dụng chiến thuật chiến đấu để đối phó với người biểu tình.
Vụ nổ súng đã buộc Vệ binh Quốc gia Mỹ phải phát triển các chiến thuật kiểm soát đám đông ít sử dụng vũ lực chết người hơn và thiên về giảm căng thẳng hơn.
Vệ binh Quốc gia tiếp tục duy trì cách huấn luyện này, song các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã chuyển sang sử dụng trang bị và thiết bị bán quân sự để đối phó với các cuộc biểu tình. Đội Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt (SWAT) đôi khi mặc quân phục dã chiến và sử dụng xe bọc thép trong các tình huống khác nhau.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Minnesota đăng đoạn tweet ngày 29/5 cho biết không phải tất cả người mặc quân phục dã chiến trên đường phố Minneapolis đều là thành viên của họ.
"Khó để phân biệt đồng phục của lực lượng thực thi pháp luật. Không phải tất cả ai mặc quân phục dã chiến đều là thành viên của Vệ binh Quốc gia bang Minnesota. Các vệ binh của chúng tôi đều mang biểu tượng lục quân hoặc không quân Mỹ và dán quốc kỳ trên tay áo để nhận dạng. Chúng tôi sống trong cộng đồng của các bạn và tới đây để giúp đỡ", Vệ binh Quốc gia bang Minnesota đăng trên Twitter.
Nguyễn Tiến (Theo ABC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét