Geisha là những nghệ sĩ có tài ca múa nhạc và có khả năng trò chuyện, là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản. Họ được coi là những người gìn giữ văn hóa sống ở nước này.
Nhưng khi những chia sẻ về thời gian làm Maiko (Geisha tập sự) tại Kyoto năm 16 tuổi của Kiyoha Kiritaka lan truyền trên mạng vào giữa năm ngoái, các cuộc tranh luận đã nổ ra, phơi bày một góc tối trong văn hóa lâu đời hàng thế kỷ. Cô gái 23 tuổi cho biết mình có thể "bị lấy mạng vì những chia sẻ này, nhưng nếu không ai lên tiếng, sẽ không có gì thay đổi".
"Khách hàng thò tay vào trong bộ kimono, chạm vào vùng nhạy cảm của tôi", cô kể. "Nhưng khi tôi nói với Okasan, bà ấy nổi giận và nói rằng đó là lỗi của tôi".
Các Geisha thường hoạt động trong một "nhà", thường được gọi là Okiya. Người điều hành Okiya là một người phụ nữ mà các Geisha gọi là Okasan (Mẹ). Mối quan hệ của Geisha trong xã hội thu nhỏ Okiya khá phức tạp.
Geisha ở Kyoto được cho là đại diện cho nền văn hóa Geisha tinh tế và thanh lịch nhất. Tại cố đô này, người Nhật có một hệ thống đào tạo ra các Geisha lành nghề. Hiện có khoảng 600 Geisha ở Nhật Bản, so với 80.000 vào những năm 1920.
Kiritaka kể từng bị "ép uống quá nhiều rượu" và bị yêu cầu tắm chung với khách hàng nhưng đã tránh được việc đó. Tuổi hợp pháp để uống rượu ở Nhật là 20.
Cựu Geisha tập sự cho biết hầu như không được Okasan bảo vệ trong thời gian 8 tháng làm việc, thậm chí cáo buộc bà đề xuất cô bán trinh tiết với giá 50 triệu yen (338.000 USD).
Đến năm 2017, cô bị trầm cảm và cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn sau thời gian làm Geisha tập sự, nhưng biết rằng còn nhiều trường hợp khác tồi tệ hơn nữa.
"Tôi không thể nhìn các cô gái trong ngành tiếp tục chịu đựng chứng trầm cảm và tìm đến cái chết", cô viết. "Những gì tôi trải qua là nạn buôn người và khinh thường phụ nữ. Tôi muốn hỏi liệu mọi người còn ngưỡng mộ Geisha sau những chia sẻ của tôi nữa hay không".
Câu chuyện của Kiritaka làm dấy lên một cuộc tranh luận về thế giới Geisha. Nhiều học giả, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện này. Một nữ chính trị gia yêu cầu chính phủ Nhật Bản "lắng nghe và hành động để thay đổi".
Nhưng sự im lặng dường như vẫn ngự trị ở cố đô Kyoto. "Mọi người đều nghe về những chuyện như vậy, nhưng không ai thảo luận về nó", Peter Macintosh, nhà tổ chức sự kiện Geisha người Canada, làm việc trong lĩnh vực này 30 năm, cho biết.
"Một trong những nguyên tắc của nghề này là sự riêng tư. Họ không được kể về những trải nghiệm của mình với khách hàng, bất kể tốt hay xấu. Nếu phá vỡ quy tắc, họ sẽ bị cô lập", ông Macintosh giải thích.
Trong khi đó, Carmen Tamas, chuyên gia từ Đại học Kobe, người đứng đầu chương trình ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, cho biết một số đồng nghiệp của Kiritaka đã lên án cô này. Họ ám chỉ cựu Geisha tập sự là "kẻ gây rối, làm hoen ố danh tiếng của họ".
Bà Tamas nói cộng đồng Geisha ở Nhật gắn bó với nhau chặt chẽ, do đó những chia sẻ của Kiritaka là điều rất không được hoan nghênh. Cô bị nhiều người trong ngành cáo buộc "làm tiền, trả thù, gây chú ý, làm vấy bẩn biểu tượng thiêng liêng của Nhật Bản".
Kiritaka phản bác rằng hàng chục cựu Geisha tập sự đã liên lạc với cô trong nhiều năm để chia sẻ những trải nghiệm của họ. "Geisha và Maiko không tiếp xúc với công chúng, khiến việc kêu gọi giúp đỡ trở nên khó khăn hoặc gần như không thể", cô cho biết.
Geisha tập sự thường bắt đầu đào tạo ở tuổi 15. Hầu hết họ rời vòng tay gia đình, bạn bè để sống trong Okiya. Họ cũng ít có thời gian nghỉ ngơi khi phải luyện tập nghệ thuật truyền thống vào ban ngày, tiếp khách vào ban đêm, thường không ngủ trước 3h sáng.
Điện thoại di động và máy tính cá nhân bị cấm, khiến những người trẻ phải giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua điện thoại cố định hoặc thư tay. Hơn nữa, họ chỉ nhận được phần nhỏ trong số tiền họ kiếm được, phần lớn sẽ về tay Okiya.
Kiritaka không phải người đầu tiên tố cáo nạn lạm dụng trong ngành. Một Geisha nổi tiếng khác cũng nói về nạn hiếp dâm trong cuốn tự truyện Geisha Phố Gion.
Tuy nhiên, chuyên gia Tamas và nhà tổ chức Macintosh cho biết quấy rối tình dục không xảy ra thường xuyên trong ngành. Bà Tamas lưu ý rằng hầu hết Okiya có những biện pháp bảo vệ Geisha nghiêm ngặt. Họ cũng được đào tạo để từ chối khách, một số Okiya còn hướng tổ chức các lớp tự vệ cho Geisha.
"Nói chung, mọi người không tìm đến Geisha vì những trải nghiệm tình dục, trong bối cảnh ngành kinh doanh tiếp viên quá phát triển. Họ muốn tận hưởng trải nghiệm truyền thống", bà nhận định, song lưu ý rằng vẫn còn số ít các cơ sở Okiya thiếu tài chính "có thể ít có xu hướng bảo vệ Geisha tập sự hơn".
"Các Okiya giờ sẽ phải tập trung bảo vệ và cẩn thận hơn đối với sức khỏe của Geisha tập sự", bà nói thêm. "Họ muốn giữ cho truyền thống này không bị hoen ố, gắn liền với sự thuần khiết và niềm vui. Nhưng nếu câu chuyện của Kiritaka là thật và diễn ra thường xuyên, việc duy trì hình ảnh đó là không thể".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét