Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Nhóm tàu sân bay Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông

Tàu sân bay Sơn Đông cùng chiến hạm hộ tống diễn tập tác chiến trên Biển Đông sau khi nhóm tàu sân bay Nimitz của Mỹ tiến vào khu vực.

Hải quân Trung Quốc hôm 15/1 thông báo nhóm tác chiến gồm tàu sân bay Sơn Đông, một tàu khu trục hạng nặng Type-055 và ba chiến hạm mang tên lửa dẫn đường đang diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, nhưng không cho biết địa điểm cụ thể.

Nội dung diễn tập gồm đối đầu với kẻ địch giả định, cất hạ cánh ban đêm trên tàu sân bay, phản ứng khẩn cấp, hiệp đồng tác chiến giữa các tàu trong biên đội và kiểm soát thiệt hại trong tác chiến. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết quân đội nước này đang trong trạng thái báo động cao, do các lực lượng của Bắc Kinh và Washington thường chạm mặt nhau trong những dịp lễ lớn.

Nhóm tàu sân bay Sơn Đông di chuyển trên Biển Đông trong ảnh công bố ngày 15/1. Ảnh: PLA Navy.

Nhóm tàu sân bay Sơn Đông di chuyển trên Biển Đông trong ảnh công bố ngày 15/1. Ảnh: PLA Navy.

Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, được thiết kế dựa trên Liêu Ninh, tàu sân bay cải hoán từ một tuần dương hạm hạng nặng Varyag chưa hoàn thiện của Liên Xô.

Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi hải quân Mỹ cho biết tàu sân bay USS Nimitz cùng các chiến hạm hộ tống bắt đầu hoạt động tại Biển Đông và tuyên bố đây là "một phần trong các hoạt động thường lệ của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Nhóm tác chiến Nimitz đã tổ chức huấn luyện khoa mục tiến công trên biển, săn ngầm, phối hợp giữa các đơn vị trên mặt nước và trên không, triển khai máy bay cánh cố định và trực thăng khi hoạt động trên Biển Đông.

Nhóm tác chiến Nimitz tiến vào Biển Đông trong lúc tình hình khu vực leo thang khi Mỹ tìm cách tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ cuối tháng 12/2022 công bố video cho thấy tiêm kích J-11 của Trung Quốc tiếp cận trinh sát cơ RC-135 Mỹ, chỉ trích đây là "hành vi can thiệp thiếu an toàn".

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách này, nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không thi hành phán quyết.

Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Vũ Anh (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét