Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Ukraine lộ lỗ hổng phòng không sau vụ chung cư bị tên lửa xẻ đôi

Hệ thống phòng không của Ukraine vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng và vụ tập kích tên lửa khiến tòa chung cư 9 tầng ở Dnipro bị xẻ đôi là minh chứng rõ nhất.

Giới chức Ukraine cáo buộc Nga đêm 14/1 tập kích tên lửa vào tòa chung cư tại thành phố Dnipro của Ukraine, nơi có khoảng 1.700 người đang sinh sống. Hình ảnh hiện trường cho thấy tòa chung cư bị xẻ làm đôi do sức công phá của tên lửa, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em, và khoảng 20 người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Đây là một trong những công trình dân sự bị trúng tên lửa gây thương vong lớn nhất ở Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát hồi tháng hai năm ngoái.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 16/1 nói rằng vụ sập chung cư ở Dnipro là do tòa nhà bị trúng tên lửa phòng không Ukraine trong nỗ lực đánh chặn đòn tập kích của Nga. Một cố vấn của Tổng thống Ukraine ban đầu cũng nêu giả thuyết này, nhưng sau đó rút lại thông tin, xin lỗi và xin từ chức.

Chung cư tại Dnipro trước và sau khi trúng tên lửa đêm 14/1. Ảnh: Google Earth, AFP.

Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ tuyên bố của Nga, cho hay tòa chung cư trúng tên lửa chống hạm Kh-22 của Nga, có tầm bắn 600 km, mang theo đầu nổ thông thường nặng một tấn. Đây là loại tên lửa có thể được triển khai từ oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M của không quân Nga.

Phòng không Ukraine cũng thừa nhận họ không có năng lực và khí tài để bắn hạ tên lửa loại siêu thanh này. Giới quan sát cho rằng hậu quả nặng nề của vụ tập kích, cũng như tuyên bố của quân đội Ukraine, cho thấy hệ thống phòng không nước này đang bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng.

Nga từ tháng 10 năm ngoái tăng cường tập kích cơ sở hạ tầng quan trọng và mạng lưới năng lượng Ukraine, với hy vọng bẻ gãy ý chí chiến đấu của Kiev. Ukraine trong những tháng qua đã không ngừng hối thúc phương Tây chuyển giao các tổ hợp phòng không hiện đại.

Tuy nhiên, việc phương Tây chuyển giao những khí tài hiện đại hơn cho Ukraine đã vấp phải phản ứng gay gắt và lời đe dọa trả đũa từ Nga. Vụ tập kích đêm 14/1 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Điện Kremlin bổ nhiệm một tổng chỉ huy mới giám sát chiến dịch quân sự ở Ukraine, làm dấy lên mối lo ngại rằng Moskva có thể sẽ quyết liệt hơn trong các đòn tấn công như vậy và Kiev sẽ không thể chống trả.

Gian Gentile, phó giám đốc Trung tâm Arroyo thuộc tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND Corp, dự đoán Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục tung các đòn tập kích tương tự khi họ chuẩn bị cho một cuộc tiến công lớn trên bộ trong những tháng tới.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định cuộc tấn công tại Dnipro là một phần của đòn tập kích nhằm vào lưới điện Ukraine, nhưng nhiều khả năng tên lửa Kh-22 đã bắn nhầm vào tòa chung cư cao tầng. Mẫu tên lửa này được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" của Nga, có sức công phá rất cao, nhưng cũng thiếu chính xác.

Theo giới chức Ukraine, Kh-22 cũng chính là loại tên lửa được Nga sử dụng để tập kích trung tâm thương mại đông đúc ở thành phố miền trung Kremenchuk, tỉnh Poltava hồi tháng 6/2022, khiến 18 người thiệt mạng. Kiev nhận định đây cũng là một vụ bắn nhầm mục tiêu của tên lửa Kh-22.

Kh-22 là tên lửa tầm xa thời Liên Xô được thiết kế để tấn công tàu sân bay và chiến hạm cỡ lớn của đối phương, nhưng cũng có thể được phóng từ oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M để tập kích các mục tiêu có giá trị cao trên đất liền.

Trong một bài đăng trên Facebook hồi đầu tuần, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 210 tên lửa Kh-22 kể từ khi xung đột bùng phát, song Ukraine chưa từng bắn hạ được chúng.

Theo giới phân tích, Kiev có đủ khả năng bắn hạ Kh-22, nhưng chúng cực kỳ khó phát hiện và theo dõi. Mẫu tên lửa này có thể đạt tốc độ hơn 4.800 km/giờ sau khi được phóng từ oanh tạc cơ Tu-22M3 hoạt động gần biên giới Ukraine.

Tính năng tên lửa Kh-22 và oanh tạc cơ Tu-22M của Nga. Đồ họa: USA Today.

Tính năng tên lửa Kh-22 và oanh tạc cơ Tu-22M của Nga. Đồ họa: USA Today.

Khoảng cách từ thành phố Dnipro tới vùng Donbass, nơi Nga đang kiểm soát, là khoảng 200 km. Với khoảng cách này, tên lửa Kh-22 mất chưa đầy 3 phút để lao tới mục tiêu, khiến hệ thống phòng không Ukraine gần như không kịp thời gian để phản ứng.

Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết Kiev cần hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hoặc SAMP-T, do Pháp và Italy đồng sở hữu, để đối phó tên lửa Kh-22 một cách hiệu quả.

Mỹ và Đức tuyên bố cung cấp cho Ukraine hai tổ hợp Patriot và quân đội Mỹ đang huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng loại tên lửa này tại căn cứ Fort Sill ở Oklahoma. Chương trình huấn luyện dự kiến kéo dài 10 tuần, bằng 20% so với khung thời gian thông thường.

Binh sĩ Nga lắp tên lửa Kh-22 cho oanh tạc cơ Tu-22M3 hồi năm 2017. Ảnh: Russian Planes.

Binh sĩ Nga lắp tên lửa Kh-22 cho oanh tạc cơ Tu-22M3 hồi năm 2017. Ảnh: Russian Planes.

Nhưng ông Sak cho rằng Ukraine cần nhiều hệ thống Patriot hơn nữa. "Đó là vấn đề về số lượng vì Ukraine là một quốc gia rộng lớn", cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói. "Để bảo vệ các thành phố, chúng tôi cần tiếp tục hợp tác với các đối tác của mình để có thêm những hệ thống này".

Các chuyên gia quân sự cảnh báo dù Ukraine có thể sở hữu thêm nhiều hệ thống phòng không tốt hơn, chúng chỉ phát huy được tác dụng nếu Kiev biết cách phản ứng hiệu quả trước những cuộc tấn công đường không.

Konstantin Sonin, giáo sư tại Trường Chính sách Công thuộc Đại học Chicago, Mỹ, nhận định có một số dấu hiệu cho thấy Nga dường như đã chỉnh sửa tên lửa hoặc tiến hành cuộc tập kích từ hướng không cố định, khiến lưới phòng không Ukraine càng thêm bất ngờ lúng túng.

"Trong vụ sập chung cư Dnipro, hệ thống phòng không rõ ràng đã thất bại", ông Sonin nhấn mạnh. "Tôi nghĩ Ukraine đang cố gắng tìm hiểu xem đòn tập kích đó được thực hiện như thế nào".

Một số nhà quan sát quân sự phương Tây nhận định Nga đã gần cạn kho tên lửa dẫn đường sau gần 11 tháng chiến sự. Nhưng ông Sak cho biết Nga đang tiếp tục sản xuất thêm tên lửa và với kho dự trữ hiện nay, Điện Kremlin có thể tiến hành hai hoặc ba cuộc tấn công quy mô lớn "bất cứ lúc nào" và có thể duy trì các cuộc tập kích ít nhất cho đến mùa hè.

Lưu ý đến lượng lớn dân thường thiệt mạng trong vụ tập kích tòa chung cư ở Dnipro, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu tối 16/1 rằng Ukraine đang "làm mọi thứ để tăng cường tối đa khả năng phòng không".

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót ở Dnipro

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của chung cư ở Dnipro. Video: Reuters

"Điều xảy ra ở Dnipro cho thấy một thực tế là Nga đang nỗ lực tạo bàn đạp mới để giành thế chủ động trong cuộc chiến. Tình hình chiến sự đòi hỏi các đối tác đưa ra những quyết định mới trong hỗ trợ năng lực quốc phòng cho Ukraine", ông tuyên bố.

Bầu không khí chết chóc vẫn bao trùm hiện trường vụ sập chung cư tại Dnipro, khi lính cứu hỏa và các nhân viên cứu hộ tiếp tục đào đống đổ nát để tìm người mắc kẹt.

Arseniy Aivazian, 30 tuổi, tình nguyện viên tại hiện trường, cho biết anh hiểu rõ "lực lượng phòng không Ukraine không thể bắn hạ những tên lửa này". "Bởi vậy, chúng tôi muốn các đồng minh giúp sức", Aivazian nói.

Vũ Hoàng (Theo Hill, Washington Post)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét