Triều Tiên cho rằng Tổng thư ký LHQ "hành động nguy hiểm và tiêu chuẩn kép" sau khi ông chỉ trích chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Jo Chol-su, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ngày 14/1 ra tuyên bố chỉ trích Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người đã gọi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là "mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu" trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an.
Trong cuộc họp ngày 14/1, ông Guterres cho rằng con đường mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi khiến nguy cơ an ninh hạt nhân và căng thẳng địa chính trị leo thang chưa từng có tiền lệ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh Triều Tiên có trách nhiệm quay trở lại bàn đàm phán sau gần bốn năm quá trình đối thoại phi hạt nhân hóa bán đảo bị đóng băng.
Đáp lại, ông Jo Chol-su cho rằng Tổng thư ký LHQ có "tiêu chuẩn kép điển hình" và đang thực hiện "hành động nguy hiểm phá vỡ niềm tin của cộng đồng quốc tế dành cho LHQ".
Bình Nhưỡng cho rằng ông Guterres đã cố tình làm ngơ "nỗ lực tăng cường vũ trang vô trách nhiệm" của Mỹ, khi Washington triển khai nhiều vũ khí có khả năng tấn công hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên. Quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn tuyên bố nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phiên họp 14/1 được chủ trì bởi Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, với chủ đề tập trung vào pháp quyền trong an ninh quốc tế. Nhật Bản đang giữ ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2023-2024. Đây là lần thứ 12 Nhật Bản tham gia Hội đồng Bảo an kể từ khi gia nhập LHQ vào năm 1956.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Jo Chol-su công kích Nhật Bản "không đủ tư cách lẫn pháp lý" để tham gia Hội đồng Bảo an vì quá khứ thực dân và chiến tranh trong khu vực.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp đầu năm 2023 đã phát lệnh tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân chiến thuật "theo cấp số nhân", chỉ đạo chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ mới với khả năng đáp trả hạt nhân chớp nhoáng.
Ông Kim cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tìm cách cô lập Triều Tiên, gọi đây là âm mưu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Theo ông, tình hình này buộc Triều Tiên củng cố sức mạnh quân sự áp đảo đối phương nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích cơ bản của đất nước.
Triều Tiên năm ngoái liên tiếp thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn với tần suất cao kỷ lục, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh nhiều lần tổ chức tập trận quy mô lớn trong khu vực.
Ông Kim Jong-un vào tháng 9/2022 tuyên bố vị thế quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là "thực tế không thể đảo ngược".
Thanh Danh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét