Mỹ không muốn chuyển giáp DU trên xe tăng Abrams cho Ukraine, bởi đây là công nghệ tuyệt mật được Lầu Năm Góc bảo vệ nghiêm ngặt.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 26/1 cho biết Mỹ sẽ cung cấp phiên bản M1A2 của xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine, thay vì rút xe tăng Abrams từ biên chế quân đội Mỹ, bởi loại xe tăng này được trang bị giáp uranium nghèo (DU) tuyệt mật.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết những chiếc M1A2 sẽ được trang bị loại giáp theo cấu hình cho khách hàng nước ngoài, do Washington vẫn duy trì chính sách cấm xuất khẩu xe tăng Abrams mang giáp DU.
Giáp DU vẫn là một trong những bí mật quân sự được Mỹ bảo vệ kỹ nhất. Quá trình phát triển phiên bản giáp DU đầu tiên được xếp vào diện tuyệt mật, các bộ giáp thường chỉ được mô tả là "giáp hạng nặng" hoặc "giáp đặc biệt".
Uranium nghèo có độ đặc gần gấp đôi chì và cũng cứng hơn rất nhiều, khiến chúng rất phù hợp để chế tạo giáp cho xe tăng. Khi xe tăng bị bắn trúng, lớp giáp DU khiến viên đạn pháo mất phần lớn động năng do chúng quá đặc và quá cứng.
"Nếu lớp giáp đặc biệt bị xuyên thủng và bộ phận bên trong bị lộ ra, các quân nhân có trách nhiệm lập tức tìm cách che kín vị trí đó và hàn kín lỗ thủng, hoặc đưa xe tăng về xưởng bảo dưỡng để sửa chữa", tài liệu hướng dẫn bảo đảm an ninh được giải mật của quân đội Mỹ có đoạn.
Mỹ chỉ có một dây chuyền lắp ráp xe tăng Abrams duy nhất tại nhà máy của tập đoàn General Dynamics ở bang Ohio. Cơ sở này có khả năng xuất xưởng 12 chiếc M1 mỗi tháng, nhưng dây chuyền đang phải hoạt động hết công suất để cung cấp hơn 300 xe tăng Abrams cho Ba Lan và đảo Đài Loan, khiến đơn hàng cho Ukraine sẽ phải chờ đợi trong thời gian dài.
General Dynamics từ lâu không còn chế tạo xe tăng M1 mới, mà sử dụng các khung thân có sẵn trong kho dự trữ. Chúng sẽ được xuất kho khi có đơn hàng và nhà sản xuất sẽ lắp đặt trang thiết bị phù hợp với cấu hình do khách hàng đề xuất.
Vấn đề thay thế vỏ giáp là hạn chế lớn nhất với nỗ lực cung cấp xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Ngay cả khi General Dynamics lấy xe từ kho dự trữ, nhiều khả năng chúng vẫn mang giáp DU và sẽ cần được thay đổi hoàn toàn.
"Quá trình này thay thế lớp giáp này không đơn giản hay nhanh chóng", trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm và hậu cần Douglas Bush cho hay.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ nhận định một giải pháp rút ngắn thời gian để cung cấp xe tăng cho Ukraine là mua lại những chiếc M1 Abrams đã bán cho các quốc gia đối tác, do chúng đã được tháo bỏ giáp DU và không đòi hỏi thay đổi nhiều về kết cấu.
Ngoài Mỹ, hai quốc gia vận hành nhiều xe tăng Abrams nhất là Ai Cập và Arab Saudi với lần lượt 1.360 và 370 chiếc M1A1 trong biên chế. Đây là hai quốc gia đối tác chủ chốt của Mỹ, nhưng cũng duy trì quan hệ thân thiết với Nga.
"Rất khó để thuyết phục họ chuyển giao xe tăng cho Ukraine, vì cả hai nước đều lo ngại quan hệ với Nga xấu đi. Mỹ có thể đạt thỏa thuận chuyển giao bí mật hoặc tìm đến các quốc gia vận hành số lượng Abrams nhỏ hơn, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với các rào cản ngoại giao và hậu cần tương tự", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Vũ Anh (Theo Politico, Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét