Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Mỹ tố cáo Nga vi phạm thỏa thuận kiểm soát hạt nhân

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước New START khi từ chối cho phép các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ nước này.

"Việc Nga từ chối tạo điều kiện cho các hoạt động thanh tra đã ngăn cản Mỹ thực hiện những quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/1 cho biết.

Nga hồi tháng 8 đình chỉ hợp tác với những cuộc thanh tra theo hiệp ước New START, đổ lỗi cho các hạn chế đi lại mà Washington và đồng minh áp đặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, Moskva tuyên bố vẫn cam kết tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thêm rằng Nga "có con đường rõ ràng" để trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách cho phép những hoạt động thanh tra, đồng thời Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với Moskva để thực hiện đầy đủ hiệp ước.

"Hiệp ước New START vẫn là một trong những mối quan tâm an ninh quốc gia của Mỹ", người này nói.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars thử nghiệm tại bãi phóng ở Plesetsk, tây bắc Nga trong hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/10/2022. Ảnh: AP.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars thử nghiệm tại bãi phóng ở Plesetsk, tây bắc Nga trong hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/10/2022. Ảnh: AP.

Lãnh đạo những ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng viện Mỹ, nơi chịu trách nhiệm thông qua các hiệp ước, nói rằng việc Moskva không tuân thủ hiệp ước sẽ ảnh hưởng đến các thỏa thuận vũ khí khác trong tương lai.

"Tuân thủ những nghĩa vụ của hiệp ước New START sẽ rất quan trọng đối với việc Thượng viện xem xét bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược nào trong tương lai với Moskva", Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, Jack Reed và Mark Warner cho biết trong một tuyên bố chung.

Menendez chủ trì Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trong khi Reed phụ trách Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Warner phụ trách Ủy ban Tình báo Thượng viện.

Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa và máy bay ném bom để vận chuyển chúng.

Dù bị hạn chế bởi một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga vẫn chiếm khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Washington bày tỏ mong muốn duy trì hiệp ước nhưng mối quan hệ với Moskva đã lao dốc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vì xung đột Ukraine. Điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực duy trì hiệp ước và đạt thỏa thuận tiếp theo của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về nối lại các cuộc thanh sát theo New START vào tháng 11 năm ngoái tại Ai Cập, nhưng Nga đã hoãn lại và chưa bên nào ấn định lại ngày mới.

Nga hôm 30/1 nói với Mỹ rằng hiệp ước có thể hết hạn vào năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế, khi Washington cố khiến Moskva chịu "thất bại chiến lược" ở Ukraine.

Khi được hỏi liệu Moskva có nghĩ tới khả năng không có hiệp ước kiểm soát hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng "đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra".

Thanh Tâm (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét